Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Tiền mệnh giá thấp bị ghẻ lạnh

Tạp Chí Giáo Dục

Gần ba tháng nay, bà Hà bỏ thói quen kiểm đếm và sắp xếp bọc tiền lẻ. Bà Hà cho biết: "Bây giờ, rau củ tăng giá, tiền lẻ cũng ít đi, nên gần như chẳng phải mất công kiểm đếm, thậm chí gặp phải tờ 500 hay 1.000 đồng bị nát quá, không buồn dán nữa".

Theo bà Hà, người chuyên bán rau củ quả ở chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), trước kia, cuối mỗi ngày, các loại tiền mệnh giá 500, 1.000 hay 2.000 đồng lên tới vài trăm ngàn. Bà nói: "Buổi tối, vừa xem tivi, tôi lại mang tiền lẻ ra nhờ các con kiểm phụ, tiền rách còn phải lấy băng keo dán".
Trà đá đã 3.000 đồng/ly
Cùng nghiệp bán rau như bà Hà, bà Thanh, bán rau ở ngõ 111 đường Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu Giấy, Hà Nội kết thúc buổi bán hàng với một xấp tiền đủ loại mệnh giá, nhưng chủ yếu là từ 5.000 đồng trở lên. Bà Thanh nói: "Tiền lẻ mệnh giá nhỏ 500, 1.000 và 2.000 đồng giờ không nhiều, chủ yếu dùng để trả lại tiền thừa cho khách".
Thời điểm hiện tại, các đồng tiền mệnh giá thấp từ 500 đồng đến 2.000 đồng đang biến mất dần khi mua một mớ rau hoặc vài quả trứng cũng đã hết trọn tờ bạc 10.000 đồng.
Theo bà Thanh, trước đây, một mớ rau muống 2.000 đồng nhưng giờ cũng phải 5.000 đồng. Thường thì mua rau mùi, chỉ cần 1.000 đồng là có thể mua được, nay người bán dù ở Sài Gòn hay Hà Nội cũng gần như thống nhất bán với giá tối thiểu là 2.000 đồng. Bà Thanh nói: "Chứ với 500 đồng chẳng lẽ bán cho khách một cọng hành?"
Từ chối bán 2.000 đồng cà muối cho nữ sinh viên đang mua hàng trước cổng ký túc xá học viện Báo chí và tuyên truyền, bà chủ cửa hàng thực phẩm nói: "5.000 trở lên mới bán. Giờ 2.000 làm được gì?" Bà bán hàng vừa bán vừa nói: "Cà tăng giá rồi. Giờ bán 2.000 không đủ công, còn mất cả túi đựng… Nước trà đá còn 3.000 đồng/ cốc nữa là".
Cũng như giá trà đá ở Hà Nội, các tiệm ăn ở Sài Gòn, dù là trong hẻm Võ Văn Tần hay mặt tiền đường Tô Hiến Thành, Cao Thắng… đều tính với giá 3.000 đồng/ly. Tương tự như vậy, giá dịch vụ gửi xe từ chợ đến tiệm ăn đều không còn mức 2.000 đồng/chiếc.
Ở tiệm hủ tíu LH đường Võ Văn Tần, mỗi lần gửi xe là 3.000 đồng/chiếc. Vào chợ Bến Thành, tuỳ loại xe, giá mỗi lần là 4.000 – 7.000 đồng/chiếc. Gửi xe tầng hầm khách sạn khu quận 1, TP.HCM giá lên đến 10.000 – 20.000 đồng/chiếc.
Việc tiền lẻ vắng bóng trong đời sống làm ăn của những người bán hàng như bà Hà, bà Thanh, có lẽ, không phải do thiếu tiền bởi lúc cần, họ vẫn có đủ để thối lại cho khách hay cho bạn hàng. Cách nhanh nhất hiện nay là người mua – kẻ bán thường làm tròn số thay cho cách gửi lại tiền lẻ, như mua ký rau củ giá 27.000 đồng thì cân thêm hoặc bớt đi một chút cho tròn số tiền 25.000 hoặc 30.000 đồng. Những món hàng chuyên dùng cho bà nội trợ "xài" tiền lẻ như chanh, hành, tỏi, ớt… thường được gói sẵn từng dúm 500 – 1.000 đồng giờ cũng hiếm, giá thấp nhất người bán chịu gói là 2.000 đồng.
Tờ 500 đồng không mua được gì
Việc các đồng tiền mệnh giá thấp ít phổ biến thể hiện khá rõ qua tình trạng đổi tiền lẻ vào đầu ngày hoặc cuối buổi bán hàng ở các chợ gần như không còn. Những người bán rau như bà Hà trước đây mất đi món kiếm thêm, dù không nhiều, bằng cách đổi 98.000 đồng tiền lẻ lấy tờ 100.000 đồng, cho những bạn hàng trong chợ.
Với các chủ bán sỉ ở chợ An Đông, chợ Bến Thành, các món hàng dưới 50.000 đồng, khi điều chỉnh giá cũng ở mức 3.000 – 5.000 đồng, thay vì 2.000 như trước. Bà Thu, người bán sỉ và lẻ quần áo thời trang ở An Đông Plaza nói: "Với giá bán một chiếc áo đã là 300.000 – 500.000 đồng, mức tăng hoặc giảm tối thiểu là 10.000 đồng".
Ông bà Đoá, bán hàng nước ở khu tập thể Nghĩa Tân gần 20 năm nay cho biết, giờ có lẽ những người bán hàng nước có nhiều tiền lẻ nhất. Tuy nhiên, cũng chỉ có mệnh giá 1.000 và 2.000 đồng là chính. Tờ 500 đồng giờ không mua được gì. Dân kinh doanh siêu thị cho hay, hình như họ là nhóm đang phải sử dụng tiền lẻ nhiều nhất, chủ yếu là trả cho khách.
Khi các món hàng có giá trị thấp nhất đều lên giá, các đồng tiền mệnh giá nhỏ tự dưng bị gạt ra khỏi dòng chảy tiền tệ thanh toán, chưa kể đơn vị phát hành tiền cũng chịu một khoản phí, vô hình hay hữu hình, khi phát hành tiền ra mà ít được sử dụng trong xã hội nên cũng chẳng lưu tâm đến tiền mệnh giá nhỏ nữa…
(Theo SGTT)

 

Bình luận (0)