Hội nhậpGiáo dục phát triển

Tiến sĩ ĐH Quốc Gia TP.HCM muốn sản xuất robot dạy STEM cho học sinh ở Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 10/9/2018, nhân dịp Khai giảng năm học mới tại Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc Gia Thành Phố Hồ Chí Minh, lần đầu tiên robot điều khiển bằng giọng nói, giao tiếp  với con người được giới thiệu đến tân sinh viên của Trường. 
Đây là robot do Tiến sĩ  Lê Hoành Sử – Trưởng Bộ môn Thương Mại Điện Tử cùng các cộng sự tại BI Lab, Khoa Hệ Thống Thông Tin, Trường Đại học Kinh tế – Luật hợp tác với GB Smart nghiên cứu và chế tạo.
Tiến Sĩ Lê Hoành Sử cùng các cộng sự nghiên cứu và chế tạo robot tương tác cho dạy học STEM
PeterbotWendybot, tên của 2 robot được nhóm nghiên cứu gọi, có thể giao tiếp với người đối diện, tự trả lời các câu hỏi về kiến thức thông thường hay những câu hỏi hài hước thú vị. Robot này cũng có thể tự đi lại, cử động tay chân, lắc đầu, hát nhạc và thực hiện các điệu nhảy múa đơn giản. Với ứng dụng trí tuệ nhân tạo ((AI – Artificial Intelligence)), robot còn được điều khiển bằng giọng nói hoặc thông qua lập trình bởi người dùng.
Với sự phát triển giáo dục tích hợp STEM nhằm giúp học sinh có thể phát triển kiến thức và kỹ năng của nhiều lĩnh vực khoa học – công nghệ – kỹ thuật –toán, robot được sử dụng phổ biến không chỉ để dạy lập trình, mà còn dạy kỹ năng làm việc nhóm, dạy cách tư duy giải quyết vấn đề và tư  duy sáng tạo. Tuy nhiên, hầu hết robot được mua từ nước ngoài với chi phí cao nên các khóa học STEM với robot chỉ giới hạn ở một số trung tâm và trường học tại thành phố lớn như Hồ Chí Minh hay Hà Nội. 
Học sinh Hàn Quốc hứng thú với màn trình diễn của Robot Peterbot tại cuộc thi CREDECA 2018
Với nhiều năm làm nghiên cứu sinh, giảng dạy và làm việc ở Hàn Quốc, việc Tiến sĩ Lê Hoành Sử nghiên cứu và chế tạo thành công robot ở Việt Nam với giá thành hợp lý sẽ mở ra cơ hội được tiếp cận các chương trình học STEM với robot cho nhiều học sinh ở mọi miền tổ quốc. Đặc biệt, nhờ tích hợp trí tuệ nhân tạo và khả năng tương tác của robot, học sinh có cơ hội thực hành giao tiếp tiếng Anh và làm cho việc học tiếng Anh trở nên thú vị.
TS Lê Hoành Sử phát biểu tại cuộc thi CREDECA ở Hàn Quốc năm 2018
Việt Nam đang đứng trước cơ hội và thách thức lớn trong việc đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0. Nhiều diễn đàn, hội thảo nói về sự sẵn sàng cho cuộc cách công nghiệp 4.0 này. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều cơ sở giáo dục cung cấp chương trình đào tạo để chuẩn bị nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp này. Việc sản xuất robot với trí tuệ nhân tạo để dạy học STEM ở Việt Nam là cách hữu hiệu để đưa công nghệ 4.0 đến gần với học sinh hơn. Tiến Sĩ Sử và các cộng sự sẽ còn nhiều việc phải làm để thực hiện mong muốn của mình, tuy nhiên một điều chắc chắn rằng, các sản phẩm của công nghệ 4.0 do chính người Việt  nghiên cứu, chế tạo và sản xuất sẽ sớm trình làng trong thời gian sắp tới.
PV

Bình luận (0)