Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Tiến sĩ ĐH Stanford: Điểm thi chứng chỉ ngoại ngữ cao chưa đủ

Tạp Chí Giáo Dục

Liệu có phải chỉ cần chứng chỉ ngoại ngữ đạt điểm cao là có thể mở ra bất cứ cánh cửa Trường Đại học nào ở trong nước và thế giới? Thực tế hiện nay, ngoại ngữ là một năng lực trong rất nhiều năng lực khác mà trường ĐH yêu cầu đối với thí sinh khi tuyển sinh và với sinh viên khi tốt nghiệp.

Hiện nay, có chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế (SAT, ACT…) đang là một lợi thế cho thí sinh khi xét tuyển Đại học (ĐH), thậm chí với cả thí sinh xét tuyển vào lớp 10, lớp 6 ở bậc phổ thông.

Tiến sĩ ĐH Stanford: Điểm thi chứng chỉ ngoại ngữ cao chưa đủ ảnh 1

Vì các trường dành số lượng chỉ tiêu nhất định để xét tuyển đối với những thí sinh có các loại chứng chỉ này. Việc xét chứng chỉ ngoại ngữ diễn ra đối với tất cả các trường ĐH. Trường ĐH Y Hà Nội cho biết năm nay sẽ tăng chỉ tiêu xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ với kết quả thi tốt nghiệp THPT lên 25%-30%. Không những thế, phương thức này còn áp dụng với ngành Răng – Hàm – Mặt, Điều dưỡng thay vì chỉ ngành Y khoa như năm trước.

Ở bậc phổ thông, những năm gần đây, xu hướng xét tuyển thẳng chứng chỉ ngoại ngữ cũng bắt đầu nở rộ. Năm học này, nhiều trường phổ thông ngoài công lập sử dụng phương thức này để tuyển sinh lớp 10.

Đặc biệt, nhiều phụ huynh đã có chiến lược đầu tư luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ đạt kết quả như mong muốn để nộp hồ sơ vào các trường ĐH top đầu thế giới.

Từng tốt nghiệp tiến sĩ tại ĐH Stanford, TS Nguyễn Chí Hiếu, Giám đốc học thuật Trường THPT Olympia và Giám đốc điều hành học viện IEG Global với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, từng đào tạo hơn 20.000 học sinh – sinh viên trên toàn thế giới, gặp gỡ và tư vấn hơn 5000 phụ huynh cả trong và ngoài nước, cho biết mỗi đứa trẻ đều sức mạnh bên trong. Nếu biết cách khai thác và có định hướng đúng thì đứa trẻ đó phát triển tốt dù có thể con đường đi là ĐH hàng đầu hoặc trường ĐH bình thường thì ra trường, vẫn có việc làm ổn định và sống hạnh phúc. Dù bối cảnh phụ huynh như thế nào, trẻ đang học ở mô hình trường nào mỗi em đều có một con đường, nếu nhà trường, thầy cô, phụ huynh đồng hành cùng nhau thì có thể khai thác được sức mạnh bên trong mỗi đứa trẻ.

Theo TS Nguyễn Chí Hiếu các trung tâm du học đang đánh vào tâm lý phụ huynh với sự mặc định về điểm số, hoạt động ngoại khóa, các chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ đánh giá năng lực đạt điểm cao là có cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH top đầu.

“Những thứ này có phải quan trọng nhất hay không? Nếu cả phổ thông, học sinh chỉ chuẩn bị những điều kiện này để vào trường ĐH Top đầu liệu có đủ”, TS Hiếu nêu ra một số băn khoăn. Với kinh nghiệm của mình ông cho rằng các điều kiện trên là cần nhưng chưa đủ để có thể học tốt ở ĐH. Bằng chứng là mỗi năm, Việt Nam chỉ có 3-4 sinh viên đủ điều kiện để vào học tại ĐH Harvard. Nhưng không phải sinh viên nào cũng học tốt dù điều kiện đầu vào gần tương đương nhau. Theo TS Hiếu lý giải, ở vòng chuẩn bị điều kiện, sinh viên có sự hỗ trợ của gia đình, thầy cô nhưng khi vào ĐH, sinh viên phải tự mình bước đi trên con đường đã chọn. Vì vậy, cần chuẩn bị tâm lý và các kỹ năng để sinh viên sống và học tập trong môi trường độc lập.

Ông Hiếu cũng cho hay, 90% lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia cho rằng sinh viên ra trường không đủ năng lực để làm trong môi trường của họ. Còn theo thống kê trên Google 15% nhân viên không có bằng ĐH. Vậy sinh viên các trường ĐH nên “đi” như thế nào?

Một con số khác cũng được ông Hiếu đưa ra là 45% cử nhân tốt nghiệp ĐH các trường ĐH hàng đầu đều thiếu hụt một số kỹ năng cơ bản. Theo ĐH Harvard thống kê, sinh viên thiếu kỹ năng giao tiếp hiệu quả trong văn viết và văn nói; làm việc nhóm do ra trường khó làm việc với người khác, nhất là những người tốt nghiệp ở trường thấp hơn mình.

Từ thực tế này, TS Nguyễn Chí Hiếu đặt câu hỏi vậy việc luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ hiện nay của học sinh Việt Nam được bao nhiêu kỹ năng trong những kỹ năng này? Trong khi thực tế cho thấy học sinh Châu Á vào ĐH vẫn theo kiểu "học gạo" như phổ thông, học để trả bài.

Do đó, TS Hiếu khẳng định, với cuộc sống hiện đại, sinh viên không thể thiếu kỹ năng ngoại ngữ, việc thi chứng chỉ ngoại ngữ là cần thiết. Tuy nhiên, để có thể học tập và làm việc sinh viên cần chuẩn bị vốn ngôn ngữ để có thể sử dụng ngôn ngữ một cách thuần thục. Nhiều học sinh đạt điểm IELTS rất cao, nhưng khi du học rất chật vật đọc, viết bài luận vì luyện thi theo đề. Phụ huynh không nhất thiết phải tìm thầy cô giáo giỏi để xây dựng cho trẻ vốn ngôn ngữ. Kỹ năng nói xây dựng trong cả quá trình học không phải trong thời gian 1 đến 2 tháng.

“Giúp 1 đứa trẻ vào trường ĐH top đầu là khó nhưng khó hơn rất nhiều là làm thế nào đứa trẻ đó trụ vững được ở trong môi trường đó. Công thức chung đối với phụ huynh là đồng hành cùng một chút bình an, cộng với hạnh phúc”, TS Nguyễn Chí Hiếu nói.

PGS. TS Trần Thành Nam Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng không ủng hộ quan điểm tuyệt đối hóa chứng chỉ ngoại ngữ.

“Đừng chỉ chạy theo IELTS. Đặc biệt, phải chú trọng đến "học thật" – học chất lượng, chứ không phải sử dụng những chiêu trò, lợi dụng "lỗ hổng" để có điểm số cao. Vì như vậy tấm bằng hay chứng chỉ chỉ như một chiếc áo hay chiếc mặt nạ bên ngoài, còn năng lực bên trong vẫn không có gì", PGS Trần Thành Nam chia sẻ.

Theo Nghiêm Huê/TPO

 

Bình luận (0)