Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Tiến sĩ du học Nga: Làm việc tại quê hương là điều tuyệt vời nhất

Tạp Chí Giáo Dục

Sau hơn 9 năm du học tại Nga, chàng tiến sĩ trẻ Nguyễn Văn Nhanh (sinh năm 1982, quê Long An) đã quyết định trở về Việt Nam làm việc với mong muốn được cống hiến cho quê hương đất nước.
Nguyễn Văn Nhanh phát biểu tại lễ bảo vệ luận án tiến sĩ tại Nga. 
Tuổi thơ nhọc nhằn
Sinh ra và lớn lên tại ấp 2 (xã Bình Đức, Bến Lức, Long An) trong một gia đình nông dân nghèo, Nguyễn Văn Nhanh là người thứ 8 trong gia đình có 11 anh chị em. 11 cái tên được ba mẹ đặt như 11 niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng (Cánh, Hoa, Tươi, Sáng, Vùng, Bay, Nhanh, Giỏi, Tuyền, Ngọc, Vàng). Nhưng vì nhà quá đông con mà lại có 2 công đất trồng mía nên 6 người anh chị lớn phải nghỉ học từ sớm lo kiếm tiền phụ giúp gia đình và nuôi các em ăn học để bằng bạn, bằng bè.
Thấu hiểu nỗi khổ cực của gia đình, ngay từ lúc mới học hết tiểu học, cậu bé Nhanh đã nhận thức được rằng, chỉ có con đường học vấn mới thoát khỏi nghèo khó. Từ đó Nhanh luôn nỗ lực trong học tập với tâm niệm phải học thật giỏi. “Dù khó khăn, vất vả nhưng chưa bao giờ tôi có suy nghĩ mình sẽ từ bỏ ước mơ của mình – ước mơ thoát khỏi cái nghèo, cái khổ” – Nhanh cho biết.
Chính sự cố gắng không ngừng của mình nên từ lớp 5 đến lớp 12, Nguyễn Văn Nhanh luôn là học sinh giỏi toàn diện và được bạn bè, thầy cô tín nhiệm bầu làm lớp trưởng.
Năm 2002, sau khi thi đậu vào Trường ĐH Giao thông – Vận tải TPHCM, ngành Điện tử Viễn thông, chàng sinh viên Nguyễn Văn Nhanh lúc đó vừa phải lo chuyện học tập, vừa sắp xếp thời gian đi làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống với muôn vàn khó khăn ở đất Sài thành.
Học tập khoa học
Sau học kì 1 năm nhất đại học với kết quả học tập loại giỏi, Nguyễn Văn Nhanh được nhà trường chọn đi du học ở Liên bang Nga. “Khoảng thời gian đầu sinh sống và học tập ở xứ sở bạch dương không hề dễ chút nào, xung quanh mình không có gia đình, người thân, thời tiết khắc nghiệt (nhiệt độ trung bình mùa đông -22 độ C, đỉnh điểm có khi đến -45 độ C)… Và đặc biệt vấn đề ngôn ngữ là rào cản lớn nhất khi tiếp thu kiến thức chuyên môn cũng như văn hóa đều bằng tiếng Nga” – TS. Nhanh nhớ lại hồi mới sang Nga du học.
Sau 6 năm du học tốt nghiệp với bằng xuất sắc, anh lại tiếp tục được chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Tổng hợp Kỹ Thuật quốc gia Irkutsk, Liên bang Nga, chuyên ngành Khai thác các phương tiện giao thông đường bộ với đề tài nghiên cứu “Nâng cao hiệu quả chẩn đoán tình trạng kỹ thuật của hệ thống treo các phương tiện giao thông trên bệ thử rung”. Ngày 25/10/2012, anh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với 16/16 phiếu tán thành của các giáo sư, tiến sĩ khoa học.
Chia sẻ phương pháp học tập của mình, TS. Nhanh nói, trước tiên phải lập ra cho bản thân mình một “thời khóa biểu khoa học”, nghĩa là phải biết sắp xếp thứ tự những việc gì cần làm, việc nào quan trọng ưu tiên làm trước, qua đó biết cách quản lý và sử dụng được quỹ thời gian có hiệu quả. Vì thời gian là vàng, thời gian không đợi bất kì một ai. Sau đó phải kiên trì thực hiện thời khóa biểu mình đã lập ra, nghĩa là bản thân chúng ta phải có ý chí, động lực, có mục tiêu và hoài bảo để có quyết tâm thực hiện nó.
Ngoài ra, bạn hãy tham gia hoạt động thể thao, hay chơi ít nhất 1 môn thể thao mà bản thân mình yêu thích. Vì đầu óc minh mẫn chỉ có thể có trên một cơ thể khỏe mạnh. Và hãy sống hòa đồng, cởi mở, tham gia nhiều công tác và phong trào đoàn, các công tác cộng đồng, tập thể nó sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn để bạn rèn luyện được kỹ năng mềm.
Có một câu nói mà TS. Nhanh rất tâm đắc: “Nếu bạn muốn tỏa sáng ngày mai, thì hãy lấp lánhngay từ hôm nay”.
TS. Nguyễn Văn Nhanh (
TS. Nguyễn Văn Nhanh (bên trái) và thầy giáo hướng dẫn – GS, TS Fedotov Aleksandr Ivanovich.
Trở về
Sau hơn 9 năm xa quê du học, TS. Nguyễn Văn Nhanh đã quyết định trở về quê hương để công tác mà bỏ qua cơ hội làm việc ở nước ngoài.
“Sau khoảng thời gian dài 9 năm sinh sống và học tập, nghiên cứu ở Liên bang Nga, tôi đã học hỏi, tiếp thu không những kiến thức trên ghế nhà trường mà còn tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm sống quý báu. Hơn nữa tôi thấy được lòng nhiệt huyết, cái tâm trong nghề nhà giáo của những người thầy, người cô giáo Nga rất lớn. Chính họ đã truyền cho tôi lòng nhiệt huyết và niềm đam mê trong nghề. “Nhưng sống và làm việc trên quê hương mình là điều tuyệt vời nhất, vì ở đó còn có gia đình, thầy cô và bạn bè của mình. Và tôi không thấy hối tiếc khi quyết định về quê hương làm việc” – TS. Nhanh giải thích.
Ngoài giảng dạy tại Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, TS. Nhanh cũng đang tìm hiểu, nghiên cứu những bất cập về tình trạng giao thông của Việt Nam hiện nay. “Tôi hy vọng trong tương lai sẽ có hướng giải quyết hoặc hạn chế nhằm phát huy hiệu quả những gì đã học tập và nghiên cứu hơn 9 năm ở Nga” – TS. Nhanh nói.
theo DTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)