TS. Nguyễn Kim Quý
|
“Makeno” (mặc kệ nó) đã trở thành một trào lưu, một thói quen hàng ngày của người Việt. Các sự việc gần đây liên quan đến người bị tai nạn giao thông cho thấy thực trạng này đang là tiếng chuông báo động trong lối sống của người Việt nói chung và giới trẻ nói riêng. Xung quanh sự vô cảm trong cuộc sống hiện đại, tiến sĩ tâm lý Nguyễn Kim Quý – Văn phòng Tham vấn gia đình và trẻ em (Hội Tâm lý giáo dục học Việt Nam) đã phân tích dưới nhiều khía cạnh.
Theo TS. Quý, hiện tượng vô cảm có nhiều nguyên nhân: Xã hội phát triển tạo cho con người tự do phát triển, nghĩa là cái tôi được đặt lên hàng đầu. Trong cấu trúc nhân cách con người có ba thành tố là cái tôi (con người hiện thực), cái siêu tôi (chuẩn mực của cá nhân) và phần nhu cầu của con người. Một khi nhu cầu của con người được phát triển một cách tự do là không có cái gì để khống chế và cũng không rèn luyện cái tôi và cái siêu tôi thì rõ ràng nhu cầu sẽ thắng thế các phần kia. Hơn nữa, khi con người tự do phát triển không bị ràng buộc bởi những chuẩn mực thì tính ích kỷ, sự vô cảm càng lan rộng.
Trong những bàn tay nghĩa hiệp vì đồng loại, dường như rất thiếu vắng giới trí thức?
Có thể thấy, sự hiếu kì, vô cảm không chỉ có ở giới bình dân mà ngay trong giới trí thức cũng thờ ơ bởi bản tính trung dung, không thích va chạm. Khi một điểm xấu xuất hiện, thay vì mọi người phải vào cuộc thì lại làm ngơ. Bọn xấu biết lợi dụng cái này để hoành hành. Có thể thấy ở đây, trách nhiệm cộng đồng của chúng ta rất kém và chúng ta chưa làm nghiêm minh trước những vấn đề này như luật pháp không xử phạt triệt để…
Theo bà, đây có phải là hệ quả của lối sống hưởng thụ, chạy theo vật chất không?
Có rất nhiều phía tác động dẫn đến hệ quả này: Xã hội, gia đình, nhà trường và bản thân mỗi người. Khi từ bé được nuông chiều thì con người sẽ làm bằng được cái gì mình thích, bất chấp tất cả đạo đức, luật pháp, tức là phát triển cái tự do, cái tôi quá lớn, những điều gì của chung, của cộng đồng đều không liên quan tới mình. Cha mẹ bị trả giá khi con có thể chặt bố, chặt người yêu…
Chính vì thế, gia đình phải là nơi dạy cho trẻ đạo đức, tính kỷ luật và tất cả những đức tính cơ bản nhất của một con người. Hình thành nên lòng nhân ái trong con trẻ là việc rất quan trọng. Và trước tiên, từ nhỏ mỗi người phải biết yêu bản thân mình. Biết mình có yếu điểm gì, có nhược điểm gì, biết yêu thương con người chứ không chỉ biết sống hưởng thụ rồi tự hủy hoại bản thân mình như đua xe, dùng thuốc lắc… Và trước mọi nỗi đau của đồng loại, họ dửng dưng đứng ngoài cuộc. Thậm chí, có gây hại cho người khác thì họ cũng mặc kệ. Bởi lẽ, khi con người không yêu thương chính mình thì cũng không thể yêu thương ai khác.
Vậy, theo bà, lòng nhân ái của người Việt đang đặt ở đâu?
Mỗi con người là sản phẩm của giáo dục, nhưngtrong nhà trường hiện nay, thay vì dạy trẻ con về học chữ và lòng nhân ái thì bắt các em học thuộc, học vẹt những điều quá xa xôi và cao siêu. Trong khi, trước đây, sách giáo khoa có những bài học giản dị để mỗi người lớn lên biết yêu từ bến nước, cây đa, yêu từ viên gạch lát dưới chân ta qua mỗi ngày… Do vậy, trong nhà trường cần phải thay đổi, phải làm sao thiết thực, dạy cái học trò cần chứ không chỉ dạy cái mình có.
Hơn nữa, cùng với một bộ phận ở các thế hệ 7X, 8X, 9X sống buông thả, bản năng tạo ra sự vô cảm, là việc quản lý phim ảnh, sách báo, truyện, những luồng văn hóa đen trên mạng… của chúng ta còn quá nhiều bất cập. Những chuyện loạn luân, bạo lực; những xu hướng văn hóa kỳ dị… khơi gợi tình dục, bản năng hung tính của con người… đầy rẫy trên mạng. Trò chơi bạo lực tràn lan không có một cơ chế kiểm soát hiệu quả.
Giới trẻ có vẻ như đang sống tạm bợ, không có mục đích, khát khao và lý tưởng sống dẫn đường?
Học sinh quyên góp ủng hộ đồng bào lũ lụt
Ảnh: T.Tr
|
Làm sao có một hứng thú, động cơ học tập đúng đắn với sự khát khao tri thức khi có những giờ học đọc chép nhàm chán? Làm sao có một lý tưởng yêu thương và nhân ái với sức ép thành đạt từ gia đình và những điều thất vọng từ sự giả dối của người lớn? Làm sao giải tỏa được những năng lượng tốt khi có quá ít các sân chơi, hoạt động văn hóa, nghệ thuật lành mạnh? Trong khi đó, thế giới mạng lại có quá nhiều những điều mới mẻ, lý thú, hấp dẫn giới trẻ, và những trò tiêm nhiễm cũng từ đó mà lây lan.
Và phải làm sao để người trẻ cân bằng được tâm lý, bởi hậu quả cuối cùng là có nhiều dấu hiệu tâm lý bệnh hoạn ở một bộ phận thanh thiếu niên được nuông chiều, đua đòi, tạo ra một thế hệ không ổn. Khi không cân bằng được tâm lý, tất yếu người trẻ sẽ có những hành vi lệch chuẩn như đồng tính, cướp giật, không định hướng được giá trị cuộc sống… Điều này cần sự vào cuộc đồng bộ và tiếng nói của toàn xã hội, nếu chúng ta không kịp làm sẽ làm hỏng cả một thế hệ.
Vậy đâu là giải pháp, thưa bà?
Các nước phát triển trên thế giới đều trải qua những biến đổi như thế này. Không phải bây giờ mà từ nhiều năm nay, xã hội đã lên tiếng gay gắt về sự xuống cấp trong đời sống đạo đức, lối sống của một bộ phận giới trẻ.
Nhưng, có một điều tôi cảm thấy là công tác phòng ngừa của chúng ta còn chưa hiệu quả. Là một nhà nghiên cứu cũng là một phụ huynh, tôi khao khát cho những bậc cha mẹ Việt Nam được đi học những lớp học làm vợ, làm chồng hay học cách làm cha mẹ, ông bà… Cha mẹ không áp đặt và phải tôn trọng, phát hiện năng lực của con, từ đó hình thành cho nó một lý tưởng sống, đồng thời phải là tấm gương về nhân cách và đạo đức sống cho con cái noi theo. Đã tới lúc, các nhà quản lý phải thức tỉnh. Các cơ quan Nhà nước cần phải quyết liệt trong việc quản lý và ngăn chặn những luồng văn hóa rác đang ồ ạt, công khai “đổ” vào Việt Nam qua chính sách báo, phim ảnh, mạng… Sự bền vững và nhân văn của một xã hội cũng bắt nguồn từ chính những cải cách này. Và điều quan trọng, chúng ta phải làm quyết liệt chứ không chỉ hô hào hình thức…
Xin cảm ơn bà!
Bải, ảnh: Nghiêm Huê
Bình luận (0)