Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Tiến sĩ trẻ tuyên chiến bệnh ung thư

Tạp Chí Giáo Dục

Một tiến sĩ trẻ người Việt ở tuổi 33, sau 12 năm học tập, nghiên cứu tại một trung tâm nghiên cứu về ung thư hàng đầu của Mỹ đã có tới 24 công trình nghiên cứu chuyên sâu về căn bệnh ung thư.
Tiến sĩ trẻ tuyên chiến bệnh ung thư
Tiến sĩ Phan Minh Liêm giao lưu với Nguyễn Thủy Tiên – người góp phần phát triển Mạng lưới ung thu vú, giúp đỡ, hỗ trợ cho hàng ngàn bệnh nhân khắp Việt Nam. – Ảnh: Việt Dũng

Đó là tiến sĩ Phan Minh Liêm (sinh năm 1983), đang công tác tại Trung tâm ung thư MD Anderson (Houston, Texas, Hoa Kỳ) – một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014.

Năm nay, nhân kỷ niệm 20 năm thành lập giải thưởng gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu (1996-2016), anh đã trở về Việt Nam và dành cho Tuổi Trẻ một cuộc trò chuyện.

Tỏa sáng trên đất Mỹ

Tiến sĩ Liêm sinh ra trong một gia đình có ba mẹ đều là nhà giáo ở thành phố biển Nha Trang. Từ nhỏ Liêm đã ham thích tìm hiểu, đọc sách và làm các thí nghiệm khoa học đơn giản. Yêu khoa học và giấc mơ chinh phục khoa học cứ thế lớn dần trong Liêm.

Năm học lớp 9, Liêm đoạt giải nhì môn tiếng Pháp kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đồng thời nhận được học bổng của Tổ chức Soleil Francophone để sang Pháp du học trong thời gian một năm. Khoảng thời gian tuy ngắn nhưng chính là quãng thời gian quan trọng nhen nhóm trong Liêm quyết định theo đuổi lĩnh vực công nghệ sinh học.

Và năm 2001, Liêm thi vào ngành công nghệ sinh học của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). Năm thứ ba ĐH, Liêm được nhận học bổng nghiên cứu sinh tiến sĩ của Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF – do Quốc hội Mỹ thành lập, nhằm tìm kiếm, đào tạo giúp đỡ nhân tài cho Việt Nam).

“Khi còn nhỏ, nhà tôi có bà nội và cô ruột bị bệnh ung thư gan. Trong quá trình học ĐH, tôi cũng tiếp tục tìm hiểu về căn bệnh hiểm nghèo này. Đây là căn bệnh để lại di chứng khủng khiếp và cả thế giới vẫn bó tay trong điều trị. Khi sang Mỹ học, các giáo sư, tiến sĩ của Viện hàn lâm Khoa học Mỹ đều khuyên tôi nên đến Trung tâm ung thư MD Anderson, một trong các trung tâm ung thư hàng đầu của Mỹ, để theo đuổi đam mê nghiên cứu về ung thư. Tôi bước vào thế giới y sinh học và nghiên cứu ung thư từ đây, năm 2005” – tiến sĩ Liêm nói về cơ duyên gắn với căn bệnh ung thư như thế.

Được nghiên cứu tại trung tâm ung thư số 1 của Mỹ, năm 2012, sau hơn bảy năm học anh đã nhận được bằng tiến sĩ y khoa.

Đến thời điểm đó, Liêm (cùng các cộng sự) đã ghi dấu ấn bằng 15 công trình nghiên cứu về căn bệnh ung thư, được xuất bản trên các tạp chí khoa học quốc tế danh tiếng về công nghệ sinh học và ung thư, như tạp chí của Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ, tạp chí của Viện Ung thư quốc gia Mỹ.

Từ năm 2012 đến nay, Liêm đã có thêm 9 công trình nghiên cứu, nâng tổng số công trình nghiên cứu lên con số 24, khi anh mới 33 tuổi. Đây quả là một thành tích đáng nể đối với một chàng trai trẻ người Việt.

Cùng với các công trình nghiên cứu là những giải thưởng danh giá cũng được Liêm chinh phục. Đó là giải thưởng của Quốc hội Mỹ và chương trình nghiên cứu y học của Bộ Quốc phòng Mỹ về nghiên cứu, ung thư (2010-2013), danh hiệu Học giả của Tổ chức Sylvan Rodriguez / Cancer Answers (ĐH Texas và Trung tâm ung thư MD Anderson) dành cho các nhà khoa học nghiên cứu ung thư xuất sắc và có đóng góp hiệu quả cho cộng đồng.

Đặc biệt, anh là người Việt đầu tiên và duy nhất đến lúc này được bốn lần vinh danh, lưu tên lên bức tường danh dự của Trung tâm ung thư MD Anderson ở Houston, Texas.

“Với tôi, các giải thưởng đều quý, đều đáng trân trọng, nhưng chắc phần thưởng lớn nhất mà tôi mong muốn và đeo đuổi đến cùng chính là làm sao giúp những người bệnh ung thư khỏe mạnh” – Liêm bộc bạch.

“Tim tôi như thắt lại”

Đây chính là điều được tiến sĩ Phan Minh Liêm bộc bạch trong buổi tọa đàm với trên 100 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu các thời kỳ và cũng là lời hứa của anh với các bệnh nhân ung thư khi anh giao lưu với họ tối 21-3, tại lễ kỷ niệm 20 năm giải thưởng và trao giải thưởng cho 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2015.

Liêm tâm sự: “Bà nội và cô mình đều bị căn bệnh này. Và mỗi ngày lại thấy có thêm những bệnh nhân phát hiện bị ung thư, hình ảnh những bệnh nhân ung thư luôn đau đớn, tuyệt vọng vì bệnh tật khiến tim tôi như thắt lại. Tôi tự hứa với mình sẽ nỗ lực hết sức để sớm tìm ra loại thuốc đặc trị, tiêu diệt tận gốc rễ các tế bào ung thư, chứ không thể chỉ “cắt lá, tỉa cành” như hiện nay. Tuy nhiên, công tác khoa học y khoa là cả một chặng đường dài, không chỉ là 8 hay 10 năm, tôi vẫn cần có thêm 10, hơn 10 năm nữa để thử nghiệm, theo dõi tính an toàn, hiệu quả của phương pháp mà tôi đã tìm ra. Đến lúc này, tôi tự tin cho rằng những nghiên cứu và phát hiện của tôi đang đúng hướng…”.

Tin vui với những người bị ung thư là trong một nghiên cứu gần đây, Liêm đã phát hiện một gen có khả năng ức chế hữu hiệu, như một chốt chặn quá trình tạo năng lượng của khối u. Khi gen này được kích hoạt, các tế bào ung thư nhanh chóng bị tiêu diệt, hoặc ngừng tăng trưởng cũng như mất khả năng di căn.

Tiến sĩ Phan Minh Liêm cũng cho biết dù mới ở những giai đoạn đầu nhưng trước những phát hiện, nghiên cứu rất khả quan của anh và các cộng sự, đã có rất nhiều tổ chức, tập đoàn, công ty dược hàng đầu thế giới quan tâm mong muốn được hợp tác với anh để sản xuất loại thuốc này, trong đó có Chương trình nghiên cứu y học của Bộ Quốc phòng Mỹ.

“Tôi sẽ về Việt Nam”

Khi được hỏi liệu anh có như nhiều bạn trẻ khác sẽ không trở lại quê hương khi đã thành đạt ở xứ người, Liêm khẳng định: “Tôi sẽ trở về Việt Nam khi các nghiên cứu của mình thành công. Nước Mỹ rất tốt với những điều kiện tuyệt vời và họ đã cho tôi cơ hội học tập, nghiên cứu. Nhưng Việt Nam là quê hương tôi, dòng máu Việt vẫn chảy trong huyết quản. Ở đây tôi còn cha mẹ, gia đình, bạn bè, tôi được đi học là để về giúp người Việt Nam. Học xong 
tôi sẽ về”.

Khi Liêm nói điều này, tôi nhớ đêm giao lưu giữa anh với gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2015 Nguyễn Thủy Tiên (sáng lập và điều hành mạng lưới ung thư vú Việt Nam) cùng một số bệnh nhân ung thư khác, anh đã xúc động nói: “Căn bệnh này thật kinh khủng, mỗi ngày bật mạng lên là lại đón nhận những thông tin không lấy gì vui vẻ. Rồi những câu hỏi của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân nhắn, hỏi: Tôi còn sống được bao lâu? Có thuốc gì chữa được không? Tôi đã khóc vì không thể trả lời. Suốt ba thế kỷ nay, cả thế giới phải đối mặt với căn bệnh này.

Mỗi năm 18 triệu ca bệnh mới được phát hiện trên toàn cầu và cứ mỗi năm thế giới lại mất đi 8 triệu người vì ung thư. Việt Nam mình cũng là nước có tỉ lệ và nguy cơ ung thư thuộc hàng cao trên thế giới, mỗi năm có thêm 150.000 người bị phát hiện ung thư… Ở Mỹ, mỗi ngày tôi vẫn ngồi hàng giờ tiếp xúc với các bệnh nhân ung thư, tôi cảm nhận được nỗi đau đớn về thể xác lẫn tinh thần của họ. Tôi lấy đó làm động lực để nghiên cứu. Tôi xin hứa sẽ cố gắng hết sức để tìm ra phương pháp khả quan nhất, thời gian có thể kéo dài cả chục năm nhưng tôi tin chắc mình sẽ thành công”.

Cả khán phòng hàng trăm người nổ những tràng pháo tay không ngớt sau chia sẻ của Liêm. Và cá nhân tôi cũng tin tưởng Liêm bởi suốt từ năm 2012 đến nay, mỗi năm anh lại đứng ra vận động, tổ chức đưa các giáo sư, tiến sĩ hàng đầu của Trung tâm nghiên cứu ung thư MD Anderson về Việt Nam để mở những khóa học ngắn hạn cho các bác sĩ ở những bệnh viện chuyên về ung thư của Việt Nam.

Anh cũng tích cực giúp đỡ một số trường đại học hay Viện công nghệ sinh học tiếp cận công nghệ mới trong phát hiện, phòng ngừa ung thư. Anh cho biết đang cùng Trung ương Đoàn bàn thảo để hợp tác trong công tác tuyên truyền phòng tránh ung thư 
tại Việt Nam.

Tiến sĩ trẻ tuyên chiến bệnh ung thư
Tiến sĩ Phan Minh Liêm – Ảnh: V.Dũng

Trong bộ gen của mỗi tế bào luôn có nhiều gen kháng ung thư. Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ nghiên cứu, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu hết về các gen này.

Trong một lần nuôi cấy tế bào ung thư trong phòng thí nghiệm, tôi phát hiện thấy tế bào ung thư tăng cường hấp thu dinh dưỡng và chuyển hóa năng lượng mạnh mẽ để tạo ra các tế bào mới khi có một đột biến quan trọng về di truyền xảy ra.

Sự “đột biến” ở đây như cái chốt chặn và nếu ta khống chế được nó, chặn được nó thì nó sẽ không còn nguồn năng lượng để phát triển. Và với nghiên cứu này, chúng tôi chỉ cần 48-96 tiếng đồng hồ là sẽ tiêu diệt tận gốc tế bào ung thư đó. Và đặc biệt, nghiên cứu này của tôi rất hiệu quả đối với những ca bệnh nặng. Chúng tôi hi vọng rằng các kết quả nghiên cứu này sẽ góp phần giúp phát triển các liệu pháp mới tấn công các tế bào ung thư một cách hiệu quả, chính xác mà không làm ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh.

TS PHAM MINH LIÊM

 

ĐỨC BÌNH (TTO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)