Tiến sĩ Sean Randolph – Giám đốc cấp cao của Bay Area Council Economic Institute (Viện Kinh tế Hội đồng vùng Vịnh) cho rằng, giáo dục Việt Nam hiện nay đang thu hút được rất nhiều tài năng nhưng không phải toàn bộ hệ thống.
Tại hội thảo “Tăng trưởng và quan hệ kinh tế giữa vùng Vịnh San Francisco và Việt Nam” nhằm kết nối thế hệ trẻ Việt Nam với “thủ đô AI” do Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn tổ chức, với sự tham gia đông đảo học sinh, sinh viên TP.HCM, các chuyên gia từ “Thung lũng Silicon” đã mang đến nhiều góc nhìn thẳng thắn về giáo dục hiện nay. Tổng kết lại những gì xảy ra ở khu vực vùng Vịnh, tiến sĩ Sean Randolph nhìn nhận, với giáo dục Việt Nam hiện nay nhiều tài năng đang đến, nhưng điều đó không phải với toàn bộ hệ thống. Đó cũng là lý do tại sao giáo dục nên gửi thông điệp thu hút tài năng… “Tôi cho rằng chuỗi giáo dục đang thay đổi, mọi người sẽ được đào tạo. Và một lần nữa, nếu Việt Nam có thể tạo ra những cách để thu hút tài năng, sử dụng các nguồn lực từ khu vực này trong việc gửi sinh viên, hỗ trợ những ai muốn thành lập công ty. Có rất nhiều cơ sở hạ tầng và sự đa dạng được thiết kế để giúp những việc như vậy”, tiến sĩ Sean Randolph nói.
Ông cũng chỉ ra về cách nền kinh tế toàn cầu đang thay đổi, có rất nhiều sự tái phân phối chuỗi cung ứng đang diễn ra, nhiều công ty đang tập trung, và nhiều hoạt động sản xuất đã chuyển dịch bớt về Trung Quốc. Họ đang bắt đầu phân bổ lại chuỗi cung ứng của mình. Phân bổ lại sản xuất trên toàn thế giới, để trở nên đa dạng hơn, đặc biệt là trong công nghệ. “Có cơ hội cho nhiều điều như vậy xảy ra bây giờ khi ngày càng nhiều công ty, đặc biệt là trong công nghệ, đang suy nghĩ về việc làm thế nào để kết hợp với con đường mới, phân phối mới của chuỗi cung ứng toàn cầu. Đó là một phần của câu trả lời cho trọng tâm kinh tế, tôi nghĩ rằng Việt Nam nên bắt đầu ở cấp độ giáo dục, suy nghĩ về cách chúng ta có thể kết nối mọi người giữa các khu vực và trong các thành phố của chúng ta…”, tiến sĩ Sean Randolph nêu.
Từ nhận định đó, chuyên gia đến từ Viện Kinh tế Hội đồng vùng Vịnh khẳng định vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới và hỗ trợ học sinh, sinh viên nhằm cung cấp giáo dục và đào tạo về kỹ năng khởi nghiệp. Thông qua các chương trình tăng tốc khởi nghiệp, người học có cơ hội kết nối với các nhà đầu tư và khách hàng tiềm năng, giúp họ tiếp cận thị trường, đặc biệt là ở những nơi như Thung lũng Silicon. Nhiều nhà sáng lập trẻ trong lĩnh vực công nghệ và khoa học đời sống đã phát triển từ ghế nhà trường.
“Đối với Việt Nam, việc các trường phát triển các chương trình hỗ trợ học sinh, sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp là rất cần thiết. Việc trang bị cho người học các kỹ năng cần thiết để theo đuổi ước mơ của mình là rất quan trọng…”, ông nhấn mạnh.
Trước câu hỏi cần làm gì để người trẻ Việt có thể bước ra thế giới, tiến sĩ Sean Randolph cho hay, kỹ năng ngôn ngữ là điều rất quan trọng để tham gia vào nền kinh tế toàn cầu. “Thứ để bạn bước ra thế giới là kỹ năng văn hóa, kiến thức văn hóa về bối cảnh kinh doanh, kỹ năng ngôn ngữ và khả năng hiểu biết về môi trường pháp lý”, tiến sĩ Sean Randolph nói.
Trong khi đó, ông Alex Foard (Giám đốc kinh doanh toàn cầu tại Trung tâm Nghiên cứu kinh tế của Bay Area Council) lại khuyên người trẻ Việt cần biết “điểm dừng” của bản thân khi bước ra thế giới.
Theo ông, kinh doanh quốc tế là việc thực hiện kinh doanh với một nền văn hóa khác, vì vậy đừng cố gắng kinh doanh với cả thế giới. Thay vào đó, mỗi người cần biết thế mạnh của bản thân để chọn nơi mình quan tâm, tập trung vào đó và biến thành chuyên gia về cách nơi đó kinh doanh.
Yến Hoa
Bình luận (0)