Sau khi tiến hành thử nghiệm chữa trị vết thương trên thỏ và người bằng công nghệ plasma, kết quả cho thấy vết thương khỏi nhanh hơn hẳn cách chữa truyền thống.
Ứng dụng plasma lạnh
Năm 2014, tại Phòng thí nghiệm công nghệ plasma thuộc Viện Vật lý – Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN, tiến sĩ Đỗ Hoàng Tùng đã hoàn thành 2 đề tài “Thiết kế, chế tạo nguồn plasma jet phục vụ nghiên cứu plasma y sinh” và “Nghiên cứu khả năng điều trị một số bệnh da liễu bằng plasma lạnh”.
Trong khuôn khổ đề tài, tiến sĩ Hoàng Tùng đã sáng chế ra máy phát tia plasma lạnh PlasmaMed, mở đầu cho phương pháp điều trị mới trong vết thương hở và da liễu ở VN. “Máy này thổi môi trường plasma (sử dụng khí agon) vào vết thương, có tác dụng khử trùng, diệt khuẩn, bao gồm cả các vi khuẩn kháng thuốc. Nó làm giảm đau, giảm ngứa và khó chịu tại chỗ; kích thích và tăng tốc làm lành vết thương như tái sinh mô, tăng sinh tế bào, hình thành mạch”.
Sau khi thí nghiệm chữa trị trên 10 chú thỏ tại Viện Bỏng quốc gia bằng phương pháp truyền thống và phương pháp plasma, kết quả cho thấy tại 2 vết thương trên cùng cơ thể thỏ, vết thương sử dụng công nghệ plasma khô và liền nhanh hơn, để lại vết sẹo phẳng và không gây phản ứng phụ, trong khi vết thương chữa bằng bôi thuốc lâu lành hơn, để lại sẹo xấu.
Đặc biệt, tại Bệnh viện T.Ư Huế, một bệnh nhân 55 tuổi bị viêm xương gót chân, vết thương bị nhiễm trùng nặng và kháng tất cả các loại kháng sinh, không còn hy vọng điều trị được bằng các phương pháp thông thường, đã khỏi nhờ chiếu tia plasma. Bác sĩ Phạm Đăng Nhật (Bệnh viện T.Ư Huế), người trực tiếp chữa cho bệnh nhân này, chia sẻ: “Đây là một trường hợp bị nhiễm khuẩn nặng, từng mổ 2, 3 lần ở những nơi khác mà không khỏi, vết thương hở lớn gây đau đớn cho bệnh nhân. Tôi đã thử dùng máy plasma lạnh của tiến sĩ Tùng kết hợp với thay băng. Sau lần chiếu thứ 2, bệnh nhân đã hết cảm giác đau. Đến lần thứ 6 (1 tuần chiếu 2 lần) thì vết thương lành hẳn khiến tôi cũng thấy bất ngờ”. Theo bác sĩ Nhật, phương pháp này có 2 ưu điểm nổi bật là diệt khuẩn và giúp mau lành vết thương.
Phương pháp này cũng đã được thử nghiệm tại các bệnh viện như Chợ Rẫy, ĐH Y Dược TP.HCM, Lão khoa T.Ư và đều cho kết quả tốt.
Chi phí giảm 10 lần so với cách chữa truyền thống
Tiến sĩ Đỗ Hoàng Tùng trước đây học lớp cử nhân tài năng vật lý của ĐH Quốc gia Hà Nội, sau đó sang Đức làm luận án tiến sĩ. Khi ở Đức, tiến sĩ Tùng nghiên cứu về plasma áp suất thấp để chế tạo vật liệu nano. Do các thiết bị plasma áp suất thấp rất đắt tiền, nên năm 2011, khi về nước, anh chuyển hướng sang nghiên cứu plasma áp suất khí quyển (lạnh), đặc biệt là plasma y sinh.
Tiến sĩ Tùng cho biết: “Trước tình trạng kháng kháng sinh của vi sinh vật ngày càng gia tăng gây khó khăn trong điều trị, việc nghiên cứu những ứng dụng có khả năng diệt vi sinh vật thay thế cho kháng sinh là rất quan trọng. Trong đó, nghiên cứu ứng dụng plasma trong diệt khuẩn đã phát triển rất mạnh trong những năm gần đây ở các nước phát triển. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có 4 thiết bị plasma lạnh trên thế giới có chứng chỉ CE của châu Âu cho thiết bị y tế, đến từ các quốc gia Đức, Anh, Israel. Chúng tôi đang tiến hành làm thủ tục để VN là nước tiếp theo có thiết bị plasma lạnh được châu Âu công nhận”.
Máy PlasmaMed sản xuất theo sáng chế trên của tiến sĩ Tùng là công trình đã được đánh giá xuất sắc tại Hội đồng Khoa học cấp Viện Vật lý, Viện Khoa học và công nghệ VN. Hội đồng khoa học đã xác nhận máy PlasmaMed phát ra tia plasma lạnh với đầy đủ các đặc trưng vật lý cần thiết. Bên cạnh đó, máy PlasmaMed đã được kiểm định các thông số vật lý tại Viện Trang thiết bị và công trình y tế.
Đáng lưu ý, phương pháp chiếu tia plasma chữa trị vết thương giúp chi phí của bệnh nhân giảm từ 8 – 10 lần so với cách điều trị thông thường. Ví dụ như bệnh nhân bị viêm xương chân đề cập ở trên, nếu điều trị bằng cách truyền thống thì chi phí có thể lên tới 8 – 10 triệu đồng nhưng khi sử dụng phương pháp chiếu plasma chỉ mất 700.000 – 800.000 đồng.
Mỹ Quyên (TNO)
Bình luận (0)