Trong căn nhà nhỏ ba gian ở thôn 4, xã Hoằng Đồng (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) có một lớp học đặc biệt. Ở nơi đó, một người với hai bằng tiến sĩ đã từ bỏ cuộc sống phồn hoa nơi đô thành, trở về quê mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em nghèo trong làng.
Ông là Tiến sĩ Nguyễn Trường, nguyên cán bộ Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Tiến sĩ Trường chụp ảnh cùng các em trong lớp tiếng Anh.
Làm thầy từ năm 12 tuổi
Tôi đến thăm ông vào một buổi cuối chiều khi Tiến sĩ Trường không dạy học, ông đang ngồi xem lại một số từ mới trong cuốn Từ điển Anh – Việt.
Dưới hiên căn nhà cấp bốn được bày trí gọn gàng, ông kể cho tôi nghe về tuổi thơ đầy ắp những kỉ niệm của mình. “Sinh ra trong một gia đình đông anh em nên cái ăn còn chưa đủ nói gì tới chuyện cho con đi học. Thế nhưng thời đó bọn trẻ con chúng tôi đứa nào cũng muốn đi. Chỉ nghĩ tới việc được cắp sách tới trường, ăn mặc đẹp như mấy đứa con nhà quan là thích rồi. Khi đó, ở làng bên có anh Khánh, một tú tài nghèo biết tôi hay cột trâu xuống gần nhà nhìn anh đọc sách. Một hôm anh gọi tôi vào: Em muốn học chữ thì mai anh sang nói với bố mẹ cho em qua đây học. Thế là tôi biết chữ!”.
Sau mấy năm miệt mài đèn sách, năm 12 tuổi cậu bé Trường trở thành “thầy giáo trẻ” đảm nhận việc dạy chữ cho lũ bạn nghèo ở làng mình. Vừa dạy, vừa tự học đến năm 18 tuổi ông đã hoàn thành hết trình độ phổ thông trung học.
Gác lại bút nghiên, đầu năm 1952 khi vừa tròn 18 tuổi, ông khoác ba lô lên đường, tham gia vận chuyển vũ khí chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến tranh kết thúc, cuối năm 1959 ông thi vào Trường Tổng hợp với môn Toán đạt 9,5 điểm và sau đó tham gia dạy học trong quân đội.
Sau này, ông được chuyển về làm ở Ủy ban Kế hoạch nhà nước. Cuối năm 1974, ông đi du học ở Tiệp Khắc và tại đây ông đã lấy cùng một lúc hai bằng tiến sĩ: Tiến sĩ khoa học và tiến sĩ toán học.
Lớp học tiếng Anh miễn phí
Trở về nước với hai bằng tiến sĩ, ông được Đảng, Nhà nước phân công vào công tác ở phía Nam phụ trách chương trình: Phát triển kinh tế dài hạn khu vực phía Nam thuộc Ủy ban Kế hoạch nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Đầu năm 2007, ông trở về quê hương sau “hơn nửa đời phiêu dạt”, định an dưỡng tuổi già ở chốn quê, nhưng khi các cô bác trong họ đem các cháu tới nhờ ông kèm học, ông đã nhận với ý nghĩ: “Thôi thì mình biết chữ nào thì dạy cho các cháu chữ ấy không mai này chết đi cũng mang theo xuống đất chứ làm gì”.
Nói là làm, ông đã thuê thợ đóng mấy bộ bàn ghế cho các cháu được ngồi học tử tế. Ngày mới mở lớp, ông chỉ kèm toán cho các cháu, nhưng sau một thời gian ông nhận thấy: Các cháu học tiếng Anh còn kém quá, nhiều cháu học mấy năm trời rồi mà không có gì trong đầu. Nghĩ thế và ông đưa ra đề nghị dạy kèm tiếng Anh thay vì dạy toán, vậy là lớp học tiếng Anh ra đời.
Sở dĩ ông dạy được tiếng Anh vì ngày trước đi học bên Tiệp có học nhiều về tiếng Anh. Và theo ông, để các cháu học tốt được tiếng Anh cái quan trọng là phải nắm chắc ngữ pháp, luyện phát âm, nắm từ mới. Ông thường giao mỗi ngày mỗi cháu phải nhớ 5 từ mới. Ngoài ra còn tạo ra những tình huống giao tiếp giữa thầy và trò, giữa các bạn với nhau để rèn cho các em khả năng phản ứng lưu loát. Ông chia sẻ thêm: “Sắp tới đây, tôi sẽ làm học trò của các em, để các em tự do trò chuyện, thầy chỉ ngồi dưới nhắc nhở và quán xuyến chung…”. Nhờ những phương pháp học hiệu quả mà kết quả học tập của các em trong lớp ngày một nâng cao.
Cho tới thời điểm này Tiến sĩ Nguyễn Trường đã mở được ba lớp học và hiện tại vẫn đang duy trì. Vào những ngày hè, lớp học được mở vào thứ tư và chủ nhật, khi các cháu đi học bác chuyển sang thứ bảy và chủ nhật. Ba lớp học được chia thành ba nhóm: Nhóm cấp 1, nhóm cấp 2 và nhóm cấp 3; với tổng số 55 học sinh.
Khi tôi bắt chuyện với cháu Lê Thị Nhung ở thôn 5, học sinh lớp 8B (Trường Trung học cơ sở Hoằng Đồng), em cho hay: “Trên lớp các thầy cô dạy môn tiếng Anh nhanh quá, chúng em chẳng tiếp thu được mấy. Từ ngày học với thầy Trường, em được củng cố kiến thức, nhờ vậy kết quả học tập môn này đã tiến bộ nhiều”.
Còn đối với anh Nguyễn Văn Ly, người thôn 5, có cháu Nguyễn Thị Hồng học ở bên thầy tâm sự: “Thầy chăm lo cho các cháu từng li từng tí mà chẳng lấy tiền học phí, nhiều khi gia đình chúng tôi gửi con đến học mà ngại quá”.
Qua trò chuyện với bà con trong xã, tôi còn được nghe nhiều câu chuyện về Tiến sĩ Trường, kể từ khi ông về quê “dạy học”. Đó là chuyện khi trong làng có em Thơm ở thôn 3, gia đình nghèo, bố lại hay uống rượu rồi đánh đập mẹ con. Biết được hoàn cảnh và năng lực học tập của cháu, ông đã đến đề nghị gia đình cho cháu sang để ông kèm học giúp. Rồi chuyện ông thấy cụ Bộ ở thôn 2, đã hơn 80 tuổi nhưng ngày nào cũng đi mò cua, bắt ốc để bán. Nên mỗi lần đi chợ ông đều dặn vợ (bà Đào Thị Loan): Hễ thấy cụ bán ốc ngoài chợ thì mua hết cả rổ…
Hỏi ông về chuyện này, ông cười: “Ngày xưa mình nghèo khó, dân làng giúp cho nắm gạo, bó rau qua ngày. Giờ đây trở về với bà con làng xóm mình làm được gì cho dân làng thì làm thôi”.
Chia tay ông, tôi ngoái nhìn lại căn nhà cấp bốn nhỏ xinh. Trong đó, Tiến sĩ Trường đang sắp xếp lại “giáo án” cho ngày mai lên lớp học, còn bà Loan vừa cười nói với chồng, vừa chuẩn bị bữa cơm tối. Phía cuối đường, những ánh điện le lói sáng trong những mái nhà ngói đơn sơ, nó như ánh sáng tương lai mà Tiến sĩ Trường đang thắp lên nơi miền quê nghèo này.
Theo Duy Thành/Nhân Dân
Bình luận (0)