Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tiền thưởng tết cho giáo viên – Chờ ngân sách, trường tự lo…

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo viên lao động cật lực quanh năm suốt tháng mà thưởng tết năm nào cũng “bèo” nhất. Và đây vẫn là câu chuyện dài bất tận chất chứa những ngậm ngùi.
Công việc của giáo viên nhiều cực nhọc nhưng thưởng tết phải trông chờ vào hảo tâm của xã hội. Ảnh: D.DOANH
Nỗi niềm tiền tết
Tết đến có trăm thứ phải lo và vấn đề tiền thưởng ngày tết luôn gây trăn trở cho giáo chức trong bối cảnh vật giá luôn leo thang.
Cô Trịnh Thị Quyên Quyên, GV Trường TH An Hạ, Bình Chánh cười buồn khi được hỏi về chuyện thưởng tết: “Nhắc đến là thấy buồn, thấy tủi. Đọc trên báo thấy có doanh nghiệp thưởng đến mấy trăm triệu đồng, còn mình thì…”.
Cô Quyên ngưng nói, lòng chất chứa nhiều tâm tư. Năm ngoái, khéo lắm, thầy hiệu trưởng của trường cũng cân đối thu chi cho mỗi GV được 200.000 đồng. Nhưng năm nay thì cô chưa nghe nói gì hết. Sáng nay, cô đọc báo mới thấy một ký hột dưa đã là 100.000 đồng. “Không biết năm nay tôi mua được mấy ký đây!”, cô Quyên nói.
Dẫu sao GV Trường TH An Hạ cũng có nhiều niềm an ủi khi tết đến so với nhiều trường ở Hóc Môn đón tết trong ngậm ngùi. Ông Đặng Quang Minh, Trường TH Cầu Xáng, Hóc Môn, tỏ vẻ cam chịu: “Trường lấy đâu tiền để thưởng tết cho GV. Chúng tôi quen rồi”. Nếu như quỹ phúc lợi của các trường nội thành phải tích lũy trong năm từ nguồn thu căntin, giữ xe, cho mượn cơ sở dạy ngoại ngữ, tin học… thì những trường vùng sâu, vùng xa không có những nguồn thu trên nên thưởng tết luôn là “nhiệm vụ bất khả thi”. Quỹ hội PHHS tuy có nhưng không đáng kể. “Một năm HS chỉ đóng quỹ hội 70.000 đồng, phần nhiều trong số này để dành cho các hoạt động phong trào, khen thưởng HS, cấp phát học bổng, hỗ trợ HS nghèo”, ông Minh phân tích. Do vậy cuối năm, GV vùng ven, ngoại thành đều trông chờ vào sự hỗ trợ của ngân sách TP và quận, huyện.
Ở nội thành, để có tiền thưởng tết, nhiều trường phải “thắt lưng buộc bụng” trong cả năm mong dư dả chút ít giúp thầy cô có không khí đón xuân về. Trường TH Điện Biên, quận 10 có quy mô “siêu nhỏ”, khi toàn trường chỉ có 125 HS. Do vậy, nếu như các trường khác có thêm tiền thưởng từ nguồn của hội PHHS thì trường không có khoản này. “HS ít, quỹ hội ít nên phải để quỹ lo cho HS hết”, ông Trần Minh Thư, Hiệu trưởng Trường TH Điện Biên khẳng định. Tuy nhiên, mỗi GV của trường sẽ được 300.000 đồng từ sự tiết kiệm chi tiêu của trường.
Ngày tết là ngày lo!
Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, thưởng tết năm nay ở các trường nếu thành công nhất thì cũng bằng với năm trước. Trường THCS Hồng Bàng, quận 5 thưởng GV 500.000 đồng, mức thưởng này không khác trước. Nhưng ông Nguyễn Xuân Cảnh, Hiệu trưởng trường vẫn tâm tư: “GV trông tiền thưởng tết lắm! Nhưng ăn tết kham khổ nhất vẫn là GV những bộ môn không có dạy thêm”.
Mức thưởng tết của giáo viên mầm non thường rất thấp. Ảnh: Giáo viên Trường Mầm non Khánh Hội quận 4 chăm sóc các cháu. Ảnh: MAI HẢI
Bên cạnh những trường “phấn đấu bằng năm trước”, cũng có trường sụt giảm vì những nguyên nhân khách quan. Thưởng ở Trường TH Phan Văn Hân năm nay thấp hơn năm ngoái 50.000 – 100.000 đồng vì trường không còn cho mượn địa điểm giữ xe. Ở Trường TH Lương Định Của, GV chỉ nhận được 300.000 đồng, thấp hơn trước gần 50% do trường đã dồn tiền thưởng cho ngày 20-11 vừa qua.
Với những yêu cầu đổi mới của giáo dục và xã hội, cường độ lao động và áp lực công việc của nghề giáo không ngừng tăng. Cô Nguyễn Thị Xuân Thanh, Chủ tịch Công đoàn Trường TH Phan Văn Hân, than: “Cấp 1 không có tiền tăng tiết, tiền chấm bài như những khối khác. Trung bình một ngày phải chấm hơn 100 cuốn tập, chưa kể sửa bài, bút phê cho trò”. Thế nhưng, GV lại không có tháng lương thứ 13 với lý do: 3 tháng hè GV không dạy học nhưng vẫn có lương (thực chất, 2/3 thời gian nghỉ hè GV phải đi học bồi dưỡng chuyên môn, phụ đạo, bồi dưỡng HS).
Chuyện thưởng tết cho giáo viên mỗi năm luôn là những câu chuyện buồn: lời chúc tết động viên tinh thần hay vài chục ngàn đồng íi ỏi mà loay hoay mãi GV cũng không biết mua được gì. Khá lắm mới được vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Ngành GD-ĐT không có nguồn thu nên trường không có kinh phí để thưởng. Tiền tết “được chăng hay chớ” và mong đợi hoàn toàn vào nguồn ngân sách và hảo tâm của PHHS.
Không có tiền thưởng hoặc số tiền chỉ có nghĩa tượng trưng, GV ăn tết chủ yếu nhờ… lương. Một số trường tạm ứng cho GV tháng lương kế tiếp để mua sắm ngày tết. Hết tết lại đến nỗi lo và đếm từng ngày cho thời gian trôi nhanh để có kỳ lương tiếp theo vì đã lỡ xài hết trong ngày tết. “Nếu GV độc thân, vài trăm ngàn chỉ đủ ăn chứ không thể sắm đồ tết. Đối với GV có gia đình và 2 con nhỏ, ngày tết chính là mùa lo”, nhiều GV trăn trở.
Ăn tết khỏe nhờ… tự chủ tài chính
Mức thưởng tết tùy từng “nội lực” của trường chứ chưa có quy chuẩn thưởng tết trong ngành giáo dục. Chính vì vậy dẫn đến sự chênh lệch giữa các trường ở những khu vực khác nhau hoặc trong cùng một khu vực. Có trường không có đồng nào, có trường thưởng được vài trăm ngàn, có trường gần chục triệu đồng, nếu cộng hết các khoản. Thưởng cao nhất luôn thuộc về khối các trường THPT do được tự chủ tài chính. Trường được cấp một khoản kinh phí hoạt động, nếu xài khéo, kết dư nhiều thì tiền thưởng cho GV cũng tăng thêm. Như Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, mức tiền thưởng bằng với 2,5 tháng lương được gần 3 triệu đồng. Ngoài ra, GV của trường cũng được hơn 2 triệu đồng từ khoản chi thu nhập tăng thêm. Ở Trường Đinh Thiện Lý, quận 7, mức thưởng thấp nhất 3 triệu đồng, chưa kể các danh hiệu chiến sĩ thi đua, lao động xuất sắc kèm với tiền thưởng cũng lên đến vài triệu.
Ngạc nhiên với Trường THPT Long Thới, Nhà Bè khi tiền dư cuối năm được sử dụng như khoản tăng thêm cho GV rủng rỉnh 5 triệu đồng xài tết. Ở Cần Giờ, những năm trước không biết thưởng tết là gì, nhưng năm nay thực hiện tự chủ tài chính, bình quân cuối năm mỗi GV cũng được từ 1 – 1,5 triệu đồng. Ngay như xã đảo Thạnh An, chỉ trừ hiệu trưởng là người Cần Giờ, hầu hết GV đến từ Nghệ An, Thanh Hóa… cũng có hơn 1 triệu đồng về thăm nhà. Số tiền không lớn nhưng khá hơn nhiều so với mức thưởng ở nhiều nơi khác.
Hồng Liên / SGGP
 

Bình luận (0)