Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI vừa kết thúc tốt đẹp! Ở đó, TS. Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố đã có bài tham luận về nguồn nhân lực chất lượng cao, hội nhập quốc tế. Đây là vấn đề mới, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội hiện nay.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn trao tặng Bằng khen và hoa cho các em học sinh giỏi. Ảnh: Y.Hoa
Là cán bộ quản lý, là giáo viên TP.HCM, chúng ta phải tư duy và hành động như thế nào trước định hướng ấy để đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống thực tế của nhà trường?
Định hướng hội nhập quốc tế nghe qua, tưởng chừng như không mới, nhưng thực chất là rất mới mẻ! Sự mới mẻ đó là chúng ta đã vượt qua giai đoạn du kích, vận dụng, choài đạp để tạo nên đường mòn đổi mới, còn ngày nay chúng ta mở đường thành đại lộ thênh thang cho công trình hội nhập, khi chúng ta có Nghị quyết 29 TW và có Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI soi đường, thúc đẩy cho thầy trò chúng ta tích cực chủ động, đổi mới, hội nhập thành công.
– Trước hết là về quan điểm giáo dục, chúng ta có thể phân biệt quan điểm giáo dục phong kiến và quan điểm giáo dục dân chủ. Giáo dục phong kiến thể hiện ở sự áp đặt, mệnh lệnh, kỷ luật, hành chính, giáo viên rất dễ chủ quan, học sinh rất dễ thụ động. Giáo dục dân chủ thể hiện ở sự phát huy dân chủ, lấy học sinh làm trung tâm, học sinh là chủ thể của quá trình học tập, giáo viên là người hướng dẫn, động viên, tổ chức học sinh học tập, phát triển năng lực cá nhân. Người giáo viên không chủ quan, bảo thủ mà luôn năng động, sáng tạo, đáp ứng với từng đối tượng học sinh, tạo điều kiện để học sinh chủ động, học tập một cách tích cực, mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân. Ảnh: H.Triều
Hai quan điểm trái ngược này đều hình thành và phát triển trên thế giới cũng như ở nước ta theo tiến hóa của xã hội loài người. Và, tất nhiên quan điểm giáo dục dân chủ là cấp tiến, chúng ta đang theo đuổi và cũng đang theo đuổi để loại bỏ những tàn dư, những thói quen của quan điểm giáo dục lạc hậu đã trở thành nếp lâu ngày trong mỗi thành viên nhà trường.
TP.HCM chúng ta rất tự hào vì đã sớm tiếp cận với tư tưởng giáo dục đổi mới vào những năm đầu thập niên 90, xuất phát từ các nhà khoa học giáo dục Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thời bấy giờ. Về tư tưởng, giáo dục và đào tạo thành phố chúng ta đã tiến bộ rất nhiều so với các địa phương khác nhưng trong thực hiện chúng ta vẫn chưa trở thành đại lộ thênh thang trên bước đường hội nhập do thực tế gặp phải quá nhiều khó khăn từ những cơ sở pháp lý đến khả năng đầu tư thống nhất và đồng bộ!
– Về mục tiêu giáo dục, thế giới ngày nay là thế giới phẳng, nhân loại đang cần những con người mới như chúng ta cần. Đó là những con người có sức khỏe dồi dào; có tư duy phản biện tốt; có năng lực sử dụng phương tiện kỹ thuật hiện đại, sử dụng công nghệ thông tin; có năng lực giao tiếp tốt, sử dụng thành thạo tiếng Anh, một ngôn ngữ thông dụng của thế giới về học tập, nghiên cứu, giao tiếp và có khả năng hợp tác tốt trong xã hội. Những phẩm chất con người mới vừa nêu là mục tiêu đào tạo của thế giới, không phải của riêng đất nước ta, nên hội nhập quốc tế chính là phải nhằm vào mục tiêu cơ bản ấy mà hành động, chủ động sáng tạo, tổ chức hoạt động giáo dục phù hợp để đạt được mục tiêu cao nhất thay vì tư duy theo hướng bắt chước làm theo. Tất nhiên giáo dục tiên tiến của thế giới nhiều nước đã đi quá xa với những thành tích rất nổi bật so với chúng ta, thầy trò chúng ta phải học nhưng cái học ấy không phải học theo kiểu bắt chước hình thức mà là tham khảo những cách làm tốt để chúng ta sớm đạt mục tiêu một cách hiệu quả nhất trên đất nước mình.
– Về phương thức giáo dục, xu thế thế giới ngày nay đang phát triển theo hướng thực tế, trải nghiệm, tổ chức học sinh thực hành để tiếp nhận tri thức và rèn luyện kỹ năng. Sự tiếp nhận tri thức theo phương thức thực hành trải nghiệm, người học sẽ có sự hiểu biết sâu sắc hơn và tự tin, thể hiện cuộc sống thực tế hiệu quả hơn. Nhà giáo dục Mỹ John Dewey, người khởi xướng phương thức giáo dục trải nghiệm trên thế giới đã tự hỏi “Tại sao có những đứa trẻ học giỏi trong nhà trường nhưng lại không thành công trong cuộc sống?” là vậy!
Học sinh tiểu học TP.HCM tham gia cuộc thi Robocon. Ảnh: H.Triều
Theo tinh thần Nghị quyết 29 TW, nhà trường chúng ta đang tích cực đổi mới theo hướng phát triển năng lực, cũng là sự đổi mới giáo dục theo hướng trải nghiệm thực tế thay cho phương thức giáo dục giáo điều từ chương thuộc lòng đối phó với thi cử.
Nói đến phương thức giáo dục là nói đến năng lực tổ chức dạy học của giáo viên, nói đến phương thức đánh giá và phương tiện dạy học. Đây là những vấn đề mang tính quyết định cho công cuộc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hội nhập quốc tế.
Quan điểm giáo dục, mục tiêu đào tạo và phương thức tổ chức thực hiện để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao nêu trên là những yếu tố kết nối chặt chẽ xuyên suốt trong toàn hệ thống giáo dục từ mầm non đến giáo dục phổ thông và đại học là cơ sở để mỗi chúng ta chiêm nghiệm, chủ động thực hiện nghị quyết của Đảng vào nhà trường một cách tích cực, thông minh và hiệu quả.
TS. Huỳnh Công Minh
(Tháng 11-2020)
Bình luận (0)