Thí sinh chuẩn bị bước vào phòng thi (ảnh chụp tại Hội đồng thi Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM trong đợt 1). Ảnh: L.Sâm
|
Vừa qua, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã khẳng định sau 2016 sẽ tiến tới tổ chức một kỳ thi quốc gia chung sử dụng cho 2 mục đích: Xét tốt nghiệp THPT và là căn cứ để tuyển sinh ĐH-CĐ, đào tạo nghề.
Đây là một chủ trương, hướng đi đúng đắn được nhiều chuyên gia giáo dục và dư luận xã hội quan tâm ủng hộ. Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, phương án tổ chức một kỳ thi sẽ được công bố sớm để trưng cầu ý kiến xã hội và có khoảng thời gian cần thiết cho thầy, trò ở trường phổ thông chuẩn bị.
Tuy nhiên, mặc dù đồng tình, ủng hộ với chủ trương này của Bộ GD-ĐT, dư luận vẫn không khỏi dấy lên một sự nghi ngờ và đặt câu hỏi: Liệu Bộ GD-ĐT lần này có thực hiện đúng lộ trình đổi mới đã vạch ra? Liệu sau năm 2016, chúng ta sẽ có một kỳ thi quốc gia duy nhất?
Sở dĩ có câu hỏi này bởi lẽ việc kết hợp 2 kỳ thi THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ thành một kỳ thi duy nhất đã được Bộ GD-ĐT chủ trương và đề xuất từ hơn một thập kỷ qua. Bộ GD-ĐT cũng đã khá nhiều lần vạch ra lộ trình và mốc thời gian thực hiện với mốc thời gian lần đầu tiên được dự kiến là kỳ thi tuyển sinh năm 2007. Tuy nhiên đến năm 2007, Bộ GD-ĐT mới chính thức đưa ra một đề án cụ thể với tên gọi kỳ thi quốc gia sau THPT trong bản dự thảo “Đề án tổng thể về đổi mới công tác thi và tuyển sinh”. Bản đề án với các nội dung chi tiết đã được gửi cho các sở GD-ĐT, các trường ĐH-CĐ… Tại cuộc hội thảo góp ý kiến cho đề án này ở Hà Nội (27-3-2007), TS. Nguyễn An Ninh (Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục khi đó) đã cho biết theo đề án kỳ thi quốc gia sau THPT sẽ được tổ chức từ năm 2008. Tuy nhiên mốc thời gian này cứ lùi dần về 2009, 2010 với lý do cần thêm thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo rồi không còn được Bộ GD-ĐT nhắc tới trong những năm sau đó nữa.
Tại buổi đối thoại trực tuyến những điểm mới trong tuyển sinh ĐH-CĐ 2014 do Cổng thông tin điện tử Chính phủ thực hiện (26-12-2013), Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cũng chỉ khẳng định sẽ kết thúc “ba chung” sau năm 2016 và nhấn mạnh “học sinh vào lớp 10 năm 2014 nhất định sẽ phải làm quen dần để tham gia kỳ thi riêng bắt buộc của năm 2017” chứ không đề cập đến kỳ thi quốc gia chung này. Lý do tại sao lại có sự không thống nhất về phương án đổi mới tuyển sinh như vậy, chỉ Bộ GD-ĐT mới có câu trả lời chính xác, nhưng có thể thấy rằng dù bản đề án tổng thể về đổi mới công tác thi và tuyển sinh khá chi tiết, nhưng trong lộ trình thực hiện không có các bước chuẩn bị cụ thể nên kỳ thi quốc gia sau THPT đã không thể tiến hành theo dự định.
Từ thực tế trên cho thấy, việc tổ chức kỳ thi quốc gia chung với 2 mục đích xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH-CĐ, đào tạo nghề không dễ dàng, đơn giản và để sau năm 2016 có thể thực hiện được còn rất nhiều việc phải làm, đòi hỏi Bộ GD-ĐT phải có một lộ trình chuẩn bị rõ ràng chi tiết. Trước hết phải xác định số lượng môn thi trong kỳ thi quốc gia chung là bao nhiêu? Bao nhiêu môn dùng để xét tốt nghiệp? Học sinh sẽ thi tối đa bao nhiêu môn và tối thiểu bao nhiêu môn… Năm 2015 sẽ thực hiện bước thay đổi gì, năm 2016 sẽ có bước thay đổi tiếp theo ra sao. Tất cả phải có kế hoạch cụ thể từ bây giờ và sớm thông báo cho các trường phổ thông. Nếu tất cả các môn thi trong kỳ thi quốc gia chung đều tiến hành thi trắc nghiệm như đã đề ra trong dự thảo gửi các trường (công văn 12271/BGDĐT- KT&KĐ) thì Bộ GD-ĐT cần tổ chức ngay thi trắc nghiệm với các môn khoa học xã hội: Văn, sử, địa trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2015. Cái khó nhất và nan giải nhất đối với kỳ thi quốc gia chung chính là khâu tổ chức. Có lẽ đây chính là khó khăn đã khiến Bộ GD-ĐT cứ lùi dần mốc thời gian thực hiện kỳ thi quốc gia sau THPT trong đề án tổng thể về đổi mới công tác thi và tuyển sinh, thậm chí định thay thế phương án này bằng phương án khác. Vấn đề cần phải giải quyết chính là tình trạng tiêu cực xảy ra trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn còn khá phổ biến. Nếu không khắc phục được tình trạng này, liệu các trường ĐH-CĐ có tin tưởng vào kết quả của kỳ thi và lấy đó làm căn cứ để xét tuyển vào trường mình hay lại phải tổ chức thêm một kỳ thi riêng tạo thêm áp lực cho học sinh và gây tốn kém hơn cả việc tổ chức 2 kỳ thi trước đây? Vì vậy việc cần làm ngay tiếp theo của Bộ GD-ĐT là cải cách khâu coi thi (là khâu liên quan nhiều nhất đến vấn đề tiêu cực). Có thể thí điểm ngay việc kết hợp 1 giám thị là giáo viên phổ thông và 1 giám thị là giảng viên các trường TC, CĐ và ĐH trong một phòng thi ở những vùng, khu vực có các trường TC, CĐ và ĐH đóng trên địa bàn. Thực hiện việc luân chuyển giáo viên coi thi giữa các quận/huyện trong tỉnh, tăng cường sự phối hợp trong công tác tổ chức giữa Bộ GD-ĐT và UBND các tỉnh/thành…
Thời gian tổ chức kỳ thi quốc gia chung sau năm 2016 đã sắp cận kề. Lần này chắc Bộ GD-ĐT không thể lùi thêm thời gian được nữa. Nhưng việc tổ chức kỳ thi quốc gia chung thành công hay thất bại phụ thuộc vào kế hoạch chuẩn bị nghiêm túc, chi tiết, cụ thể đến đâu. Rất mong Bộ GD-ĐT sớm đưa ra một lộ trình chi tiết trong kế hoạch chuẩn bị của bộ từ nay đến năm 2016 để các trường cũng như thầy và trò có thể chủ động trong kế hoạch học tập của mình.
Nguyễn Thị Dung (Trường CĐ Công thương TP.HCM)
Việc tổ chức kỳ thi quốc gia chung với 2 mục đích xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH-CĐ, đào tạo nghề không dễ dàng, đơn giản, đòi hỏi Bộ GD-ĐT phải có một lộ trình chuẩn bị rõ ràng chi tiết. |
Bình luận (0)