Phải lắng nghe những chia sẻ của con em mình và cố gắng thấu hiểu những chia sẻ đó để lựa chọn hướng đi phù hợp cho các em… Đó là lời nhắn nhủ của một số giáo viên chủ nhiệm dành cho các bậc phụ huynh có con em đang học lớp 9.
Cô Võ Thị Ngọc Thủy |
Nên tận dụng tất cả các nguyện vọng
Đây là lưu ý của cô Lê Thị Lài (giáo viên chủ nhiệm lớp 9/6, Trường THCS Nguyễn Du, Q.1) với học sinh trong việc đăng ký nguyện vọng, chọn trường. Theo cô Lài, nếu tính cả nguyện vọng chuyên (4 nguyện vọng) thì mỗi thí sinh có nhiều nhất là 7 cơ hội và ít nhất là 3 cơ hội. “Đặc biệt là 3 nguyện vọng vào các trường THPT công lập tại TP, các em nên tận dụng tối đa, lựa chọn, cân nhắc thật kỹ đối với 3 nguyện vọng đó. Những em tốt nghiệp THCS loại giỏi, có hạnh kiểm tốt cũng nên thử sức mình trong các nguyện vọng trường chuyên”, cô Lài nói.
Trong việc đăng ký nguyện vọng, cô Lài đưa ra lưu ý với phụ huynh và học sinh là nên cân nhắc vào chỉ tiêu tuyển sinh của các trường, tìm hiểu kỹ về các trường từ cơ sở vật chất, phương pháp đào tạo để xem có phù hợp với khả năng của học sinh không. Theo đó, phụ huynh và học sinh căn cứ vào bảng điểm chuẩn của các trường trong 2-3 năm trước, dựa vào sức học của bản thân xem phù hợp với những trường nào để đăng ký nguyện vọng. Trong đó, nguyện vọng 1, theo cô Lài là các trường có top điểm cao trên sức học của học sinh một chút để các em có thể cố gắng; nguyện vọng 2 là những trường vừa sức học, cách nguyện vọng 1 khoảng 3 điểm; nguyện vọng 3 là những trường ở mức an toàn, dưới sức học của học sinh.
“Đối với những trường hợp mà phụ huynh và học sinh mỗi người một lựa chọn thì tôi khuyên phụ huynh nên cân nhắc xem bản thân các em thích gì, bên cạnh đó xét xem trường đó có thuận lợi cho việc đi lại không, điều kiện học hành của trường như thế nào để đưa ra quyết định”, cô Lài cho biết. Tuy nhiên, theo cô Lài, các em cũng đừng nên với cao quá, đừng theo bạn bè mà lãng phí các cơ hội. Bên cạnh việc lựa chọn học tại các trường THPT công lập, cô Lài cũng khuyên học sinh và phụ huynh nên cân nhắc hướng vào trường nghề nếu phù hợp với điều kiện gia đình, sức học của học sinh. Về phương pháp học tập, cô Lài cho biết phụ huynh cần phải “đồng hành” cùng con trong hành trình này. “Phụ huynh cho các em học thêm có chừng mực, ăn uống đúng giờ, nhắc nhở các em không học quá khuya”, cô Lài nhắn nhủ.
Cô Lê Thị Lài |
Đừng ảo tưởng vào “sức mạnh” của con em mình
Đó là lời khuyên được cô Võ Thị Ngọc Thủy (giáo viên chủ nhiệm lớp 9/3, Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám, Q.10) dành cho các bậc phụ huynh khi lựa chọn môi trường học phù hợp cho con em trong thời điểm chuyển cấp quan trọng này. “Không phải em nào cũng mong muốn được học lên tiếp. Không phải em nào cũng có đủ năng lực để theo vào những trường top cao. Đôi khi các em có những sự lựa chọn mà phụ huynh khó có thể chấp nhận được như học nghề, học tại trung tâm GDTX hay trường tư thục”, cô Thủy chia sẻ.
Nhưng theo cô Thủy, đó lại là sự lựa chọn, niềm yêu thích của các em. Phụ huynh nên trò chuyện với giáo viên chủ nhiệm để hiểu hơn về con em mình, từ sức học cho đến sở thích, tính cách. Và dựa vào điều kiện kinh tế của gia đình. Có những điều mà giáo viên chủ nhiệm còn nắm rõ, sát sao hơn cả phụ huynh. Bởi có nhiều em có thể học không giỏi nhưng lại giỏi trong cái nghề mà các em yêu thích.
Khi lựa chọn nguyện vọng, phụ huynh nên căn cứ vào điểm các bài kiểm tra, điểm thi học kỳ, điểm kiểm tra tập trung để xét sức học của con mình mà “nhắm” trường cho phù hợp. Nên chọn trường đúng theo địa bàn để thuận tiện cho việc đi lại. “Việc đi lại ảnh hưởng rất nhiều đến việc học của các em, về điều này phụ huynh cũng cần phải lưu ý”, cô Thủy nói.
Bên cạnh đó, theo cô Thủy, bắt đầu từ thời điểm này học sinh lớp 9 đã chạy nước rút ôn tập cho kỳ thi vào lớp 10. Do đó phụ huynh nên quan tâm đến con em mình nhiều hơn. Đừng ép các em học quá sức để thi thố. “Việc đậu hay không đậu vào các trường THPT công lập không phải là lựa chọn duy nhất để quyết định tương lai sau này cho các em. Nếu vẫn muốn học CĐ, ĐH mà sức học của con mình không cho phép thì có thể cho con học tại các trung tâm GDTX, trường tư thục. Còn nếu con không muốn học văn hóa mà muốn học nghề thì nên để các em lựa chọn, quyết định. Các em vừa có nghề trong tay phục vụ xã hội vừa có kiến thức văn hóa”, cô Thủy nhấn mạnh.
Cô Dương Ngọc Huệ |
Học nghề cũng là một ngã rẽ “hạnh phúc”
Dù chỉ với 3 năm kinh nghiệm làm chủ nhiệm lớp nhưng đã tư vấn khá thành công cho học sinh lựa chọn các trường nghề thay vì thi vào các trường THPT, cô Dương Ngọc Huệ (giáo viên chủ nhiệm lớp 9A7, Trường THCS Nguyễn Huệ, Q.4) chia sẻ rằng lựa chọn trường nghề cũng là một ngã rẽ “hoàn hảo, hạnh phúc”, miễn là học sinh cảm thấy yêu thích, hứng thú, say mê và có ích cho xã hội. “Năm ngoái, trường có 35/225 học sinh lớp 9 được phân luồng sang các trường nghề trước khi kỳ thi vào lớp 10 diễn ra”, cô Huệ cho biết.
Theo cô Huệ, để có thể làm được điều này, bản thân giáo viên chủ nhiệm phải có sự phối hợp nhịp nhàng, song song, liên tục và theo từng giai đoạn với phụ huynh thì mới đạt kết quả cao. “Phụ huynh thường ít khi chấp nhận con em mình học kém, không thể học tiếp lên bậc THPT. Do đó, nếu đùng một phát tư vấn kêu anh/chị hãy cho con em mình học nghề đi, học GDTX đi, học TC đi thì thật sự là rất khó”, cô Huệ chia sẻ.
Cũng theo cô Huệ, công tác phân luồng hướng nghiệp học sinh được cô thực hiện ngay từ đầu năm. Theo đó, tôi tìm hiểu về sức học, hoàn cảnh gia đình của tất cả học sinh thông qua trao đổi với giáo viên chủ nhiệm cũ, giáo viên bộ môn. Song song với đó, tôi đưa các em đi tham quan trường Mái Ấm với mong muốn khi nhìn thấy những hoàn cảnh khó khăn các em sẽ tự cảm thấy mình may mắn mà cố gắng học tập. Cùng với đó, trong các tiết sinh hoạt chủ nhiệm, các em sẽ được tự do phát biểu về ước mơ, về khả năng, sở thích của bản thân. “Dựa vào những chia sẻ này, cùng với lực học của các em thì việc tư vấn chọn trường, chọn nguyện vọng hay các hướng rẽ cho các em cũng sẽ hiệu quả hơn”, cô Huệ nói.
Khi chọn trường, đăng ký nguyện vọng cho học sinh, bên cạnh lực học của con, cô Huệ lưu ý phụ huynh nên cân nhắc yếu tố về địa lý, các nguyện vọng nên cách nhau chừng 5 điểm để tạo tính an toàn.
Trần Yến
Bình luận (0)