Nhằm cung cấp cho phụ huynh và học sinh lớp 9 những thông tin thiết thực, bổ ích trong việc chọn trường học phù hợp, Giáo dục TP.HCM đã ghi nhận ý kiến tư vấn của một số thầy cô trong ban giám hiệu trường THCS.
Thí sinh xem lại kiến thức trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TP.HCM các năm trước. Ảnh: D.Bình |
Cân nhắc thật cẩn trọng khi lựa chọn
Đây là lời khuyên của cô Nguyễn Đoan Trang (Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, Q.1) đưa ra cho phụ huynh và học sinh trong việc lựa chọn trường, đăng ký nguyện vọng. Theo cô Trang, phụ huynh và học sinh cần phải căn cứ vào kết quả học tập, xét điểm chuẩn các trường nhiều năm trước, chỉ tiêu tuyển sinh của trường để lựa chọn, nên lưu ý yếu tố gần nhà. “Các em có thể tự mình giải lại đề của các năm trước xem khả năng của mình có thể đạt bao nhiêu điểm để đưa ra lựa chọn chính xác. Khi đăng ký nguyện vọng, nên chọn khoảng điểm giữa các nguyện vọng cách xa nhau một chút, từ 2 đến 3 điểm”, cô Trang khuyên.
Một lời khuyên nữa mà cô Trang gửi gắm đến phụ huynh là đừng đặt nặng quá vấn đề trường chuyên, lớp chọn, trường “top cao” mà tạo áp lực cho các em. “Phụ huynh phải tôn trọng, tư vấn và chia sẻ với quyết định của con em thay vì áp đặt và ép buộc”, cô Trang nói.
Theo cô Trang, năm nay đề thi sẽ tăng tính thực tế do đó sẽ có tính phân hóa rõ rệt. “Đây cũng là một lưu ý để phụ huynh, học sinh tham khảo khi lựa chọn trường. Sở thích là một chuyện nhưng phải phù hợp với năng lực, khả năng của các em. Thậm chí, có nhiều trường hợp, các em vào được những trường đó nhưng có theo được hay không cũng là một vấn đề”, cô Trang chia sẻ.
Phải xác định học để làm gì, học đến đâu?
Đây là câu hỏi mà theo thầy Vũ Vạn Xuân (Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3) học sinh và phụ huynh cần phải trả lời được để có thể đưa ra quyết định đúng khi lựa chọn trường học, nguyện vọng. “Sau lớp 9, các em đã có thể rẽ sang nhiều hướng khác nhau, không nhất thiết phải là vào các trường THPT công lập. Nên căn cứ vào năng lực của bản thân học sinh, sở thích cá nhân và nhu cầu mà xã hội đang cần để định hướng là học đến đâu và chọn đúng con đường đi cho phù hợp”, thầy Xuân cho biết.
Theo thầy Xuân, hàng năm nhà trường luôn thực hiện công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh lớp 9 thông qua phòng học STEM của trường kết hợp với các hoạt động ngoại khóa tham quan nhà máy để học sinh phần nào hình dung về một số nghề nghiệp trong xã hội hiện nay như nghề cơ khí. “Đã đến lúc xã hội cần thay đổi tư tưởng học lớp mấy mà là học để làm gì? Học nghề vẫn có cơ hội học liên thông lên bậc cao hơn mà các em lại có được một nghề trong tay để phục vụ xã hội, ổn định cuộc sống”, thầy Xuân phân tích.
Đối với việc đăng ký nguyện vọng vào các trường, thầy Xuân cho rằng phụ huynh nên trao quyền quyết định cho con em mình trên cơ sở tham khảo ý kiến của giáo viên chủ nhiệm, điểm tham khảo lực học của con. “Điểm tham khảo ở đây là điểm bài thi học kỳ, điểm kiểm tra tập trung chứ không phải căn cứ vào điểm trung bình bộ môn. Các trường đăng ký luôn phải có tính dự phòng bắt đầu từ nguyện vọng 2. Trong đó, nguyện vọng 1 nên là trường mơ ước của học sinh, còn nguyện vọng 2 là theo định hướng của cha mẹ và nguyện vọng 3 là ý kiến của thầy cô chủ nhiệm”, thầy Xuân khuyên.
Cơ hội ít hơn, cạnh tranh cao hơn cho “dê vàng”
Đó là “cảnh báo” được thầy Thái Văn Châu (Hiệu trưởng Trường THCS Tân Bình, Q.Tân Bình) đưa ra. Theo thầy Châu, số lượng học sinh lớp 9 năm nay tại TP.HCM tăng đột biến do lứa các em sinh năm 2003 là năm “dê vàng” nên tính cạnh tranh vào các trường công lập năm nay sẽ rất lớn. “Do vậy, phụ huynh và học sinh cần phải có những lưu ý kỹ khi đăng ký nguyện vọng, lựa chọn trường học. Cần phải lắng nghe những chia sẻ của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, căn cứ trên sức học của các em và theo khu vực thuận tiện cho việc đưa đón các em đi học”, thầy Châu chia sẻ.
Tuy nhiên, thầy Châu cũng cho rằng khi lựa chọn môi trường học, phụ huynh nên nhìn vào tương lai xa cho con em mình chứ không phải chỉ là yếu tố trước mắt. Ngoài các trường THPT công lập thì còn có rất nhiều cơ hội, sự lựa chọn cho các em. Các em có thể rẽ hướng sang trường nghề, các trung tâm GDTX nếu sức học và điều kiện gia đình mình không cho phép. Với những hướng rẽ này, các em vừa có nghề, vừa có kiến thức, học phí lại thấp, thậm chí là miễn học phí. Trên thực thế, theo thầy Châu, rất ít phụ huynh lựa chọn cho con em mình những hướng rẽ này.
Phụ huynh nên trao cho con tính tự lập
Đây lại là yếu tố được hiệu trưởng một trường THCS ở Q.10 lưu ý phụ huynh khi lựa chọn trường học cho con em mình. Theo đó, vị hiệu trưởng chia sẻ rằng lứa tuổi học hết THCS là các em đã có ý thức và chính kiến riêng của bản thân. Do đó, phụ huynh hãy để các em được lựa chọn con đường đi của bản thân, dù đó là trường nghề, trường TC, trung tâm GDTX hay trường tư thục để các em học được tính tự lập. “Không phải cứ vào lớp 10 công lập mới là mỹ mãn”, vị này nói.
Theo vị hiệu trưởng, khi đăng ký nguyện vọng, phụ huynh nên lưu ý tới yếu tố địa lý bên cạnh lực học của con và điều kiện kinh tế gia đình. “Đừng vì ham trường công ít điểm mà đẩy con đi học xa. Cũng đừng vì tham vọng học trường top, trường chuyên mà ép con học trường gần, quá sức của con. Phụ huynh nên hiểu rằng, đây không đơn thuần chỉ là giai đoạn chuyển cấp mà còn là một giai đoạn quyết định nhiều về tương lai sau này của các em. Nên xem xét các em yêu thích gì, đam mê gì ngay từ bây giờ để có định hướng phù hợp”, vị hiệu trưởng phân tích.
Đồng quan điểm trên, thầy Hoàng Gia Thành (Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Hồng Đức, Q.Tân Bình) chia sẻ rằng phụ huynh và học sinh nên có sự thống nhất, cân nhắc kỹ khi đưa ra quyết định cuối cùng. Bởi đã có rất nhiều trường hợp, các em sau khi rẽ hướng sang trường nghề, trung tâm GDTX nhưng chỉ học được một thời gian lại thay đổi ý định, muốn được tiếp tục học ở các trường THPT tư thục. “Nhưng lúc này thì đã muộn, các em không thể chuyển ngang được. Vừa mất thời gian, tiền bạc mà lại ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của các em”, thầy Thành khuyến cáo.
Yến Hoa
Bình luận (0)