Trên trang Gia đình & Xã hội của một tờ báo ngành, số ra ngày 19-9-2009 có bài viết “Tiền trường và dáng đi nhà giáo” của tác giả K.H.M., với cương vị một độc giả, tôi cảm thấy bức xúc trước những lập luận nặng ý kiến chủ quan của người viết. Phải chăng đây là bài báo thể hiện sự xúc phạm, xuyên tạc hình ảnh người thầy giáo nói riêng và ngành giáo dục Việt Nam nói chung?
Nội dung bài báo xoay quanh việc phản ánh nỗi khổ “trần ai” của các bậc phụ huynh khi đứng trước những khoản tiền trường “vô lý” của ngành giáo dục. Đó là những khoản như: tiền bảo trợ hoạt động giáo dục, chất lượng giáo dục, quỹ Hội Cha mẹ học sinh, quỹ lớp, quỹ trường… khiến cho phụ huynh “lảo đảo”, “run như cầy sấy” trong mỗi cuộc họp đầu năm. Tác giả cho rằng “Tinh thần quan trọng nhất của các buổi họp phụ huynh thực chất là vấn đề đóng tiền. Nhà trường cố gắng thu sao cho nhiều, nghĩ ra rất nhiều loại quỹ mà cha mẹ học sinh phải đóng, có những quỹ vừa vô lý vừa khôi hài” trong khi chất lượng giáo dục ngày càng đi xuống, dẫn đến “bao nhiêu chuyện xót xa trong quan hệ thầy trò”. Để rồi qua đó kết luận “chưa bao giờ hình ảnh người thầy giáo lại thảm hại như bây giờ. Hầu hết họ lo kiếm tiền bằng nghề dạy học, nhưng muốn kiếm nhiều tiền, bằng nhiều cách” và “kiếm tiền thì ai cũng phải kiếm, nhưng nhè vào học trò, kể cả bằng những “chiêu” nhằm “dạy thêm”, thực chất là thiếu lương tâm”! Tôi tự hỏi phải chăng tác giả bài viết này trong tim mình chưa từng biết mang ơn, chưa một lần nghĩ đến công lao dưỡng dục của những người thầy? Chưa bao giờ thấu hiểu những vất vả của sự nghiệp trồng người, những tấm lòng nơi phía sau từng con chữ, phía sau phấn trắng bảng đen? Ngay tên tựa “Tiền trường và dáng đi nhà giáo” của tác giả cũng là một sự xúc phạm, coi khinh nghề giáo!
Đầu tiên, tôi tin rằng bất kể một khoản tiền nào của ngành giáo dục đặt ra cũng xuất phát từ mục đích tu bổ, nâng cao cho chất lượng đào tạo, để “đầu ra” là những thế hệ học trò có đủ bản lĩnh và tri thức “không thua kém bạn bè”, trước hết là vì tương lai của các em, sau là đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Việc các bậc phụ huynh “tranh” cho con em mình được vào học những ngôi trường điểm, trường chất lượng cũng không nằm ngoài mục đích ấy! Thế nên, giáo dục nước ta đang từng bước đổi mới, từng bước khắc phục yếu kém để đi đến chất lượng “chuẩn quốc tế” thì nhất thiết phải có sự hỗ trợ từ phía phụ huynh, thông qua những khoản đóng góp đầu tư cho sự nghiệp giáo dục.
Trong khi xã hội Việt Nam đang du nhập bởi quá nhiều luồng văn hóa lai căng với sự ảnh hưởng không ít các tư tưởng xấu, phim ảnh đồi trụy ngày càng tiêm nhiễm, bào mòn tâm thức của giới trẻ (mà không phải ai cũng đủ tỉnh táo và trình độ để lọc bỏ). Dẫn đến các hành động tiêu cực “tưởng không có cả trong tưởng tượng” là “học trò hành hung thầy cô giáo, người lớn xông vào lớp đánh học sinh, phụ huynh sỉ nhục thầy cô giáo”… Nhưng chung quy mọi trách nhiệm cuối cùng vẫn quy kết về người thầy, thuộc về ngành giáo dục “không đủ chất”! Thử hỏi ngành giáo dục có gánh nổi không khi có quá nhiều bậc phụ huynh mải mê trong vòng xoáy tiền bạc, không quan tâm, thậm chí bỏ mặc con em mình, giao phó toàn bộ trách nhiệm giáo dục cho nhà trường, cho xã hội?
“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, hình ảnh người thầy bao đời nay luôn được xã hội đề cao, kính trọng. Những chuyện đau lòng trong quan hệ thầy trò có chăng chỉ là vết mực đen trên tờ giấy trắng. Còn rất nhiều những thầy cô ngày đêm lao tâm vì sự nghiệp trồng người, hy sinh cả cuộc sống riêng tư. Họ chấp nhận từ bỏ mọi cám dỗ vật chất, dám từ bỏ ước mơ kinh doanh làm giàu để mỗi ngày được đứng trên bục giảng, truyền đạt kiến thức cho bao thế hệ học trò dù phải sống cảnh nhà thuê. Cả gia đình phải sống chen chúc trong những căn nhà lụp xụp chỉ vì trách nhiệm và tiếng nói của lương tâm với xã hội (Báo Giáo Dục TP.HCM phản ánh qua loạt bài “Nhà giá rẻ cho giáo viên: Khi nào có?”).
Thiết nghĩ các bậc phụ huynh nên có cái nhìn rộng thoáng hơn, việc đề xuất những khoản tiền trường luôn vì mục đích giáo dục đào tạo con em mình, nhất định không có sự tư lợi nào cho phía nhà trường.
Là một độc giả, và là một học trò được chắp cánh tri thức từ tấm lòng của biết bao thầy cô giáo, sau khi đọc bài báo, tôi cho rằng tác giả đã nhìn ngành giáo dục dưới cái nhìn thiển cận. Trong khi chính tác giả cũng tự nhận mình từng là một nhà giáo? Tôi nghi vấn điều này vì thiết nghĩ, đã đứng trên bục giảng thì không ai khác, chính tác giả phải là người hiểu nhất những suy tư, nhọc nhằn của người giáo, nghề giáo! Đằng này lại mau chóng quay lưng, phủi bỏ như một sự ruồng rẫy dửng dưng trước những khó khăn chung của ngành giáo dục.
Đọc bài viết, tôi hình dung rằng tác giả đã quá lạm dụng danh nghĩa “nhà báo” của mình, để rồi quy chụp, viết một cách cẩu thả khi cho mình cái quyền tự phán xét, đi ngược lại những giá trị đạo đức truyền thống về hình ảnh người thầy vốn đã ăn sâu trong tiềm thức mỗi người con đất Việt. Và trên hết, những người thầy hẳn thấy xúc phạm, đau lòng!
Ngân Du
Bình luận (0)