Đốt vàng mã cũng là đốt tiền thật. Ảnh: I.T |
Mặc dù còn hơn hai tuần nữa mới đến ngày đưa ông Táo về trời nhưng người dân đã đổ xô đi mua mũ, giày ông Công ông Táo. Đây là nét văn hóa truyền thống trong dịp Tết cổ truyền song không kém lãng phí khi nhà nhà đua nhau đốt vàng mã.
Tại các chợ trên địa bàn TP.HCM hiện nay lượng hàng mã ồ ạt được chuyển về. Đồ cúng cho ngày cúng ông Táo năm nay có nhiều mẫu mã mới được làm bằng chất liệu giấy hoặc nhựa các loại. Mỗi bộ đồ cúng có giá từ 10 ngàn đồng đến hơn 100 ngàn đồng tùy vào chủng loại và kích cỡ. Theo chị Trần Thị Bích, tiểu thương chợ Hòa Hưng, quận 10 thì giá cả cao hay thấp còn tùy thuộc vào hoa văn in trên hàng đẹp hay xấu.
Hầu hết các các cửa hàng nằm trên tuyến đường thuộc quận 5, quận 11 từ hơn tuần nay tràn ngập sắc màu các loại mũ, giày và pháo giả được làm bằng giấy. Ngoài các mặt hàng đồ cúng như quần áo, giày, mũ, ngựa, người giấy… còn có cả tiền đủ mệnh giá từ 20 ngàn đồng đến loại 500 ngàn đồng. Anh Võ Khoái, ngụ đường An Dương Vương, quận 6 cho biết số tiền anh bỏ ra để mua hàng mã về cúng ông Táo cũng ngấp nghé 300 ngàn đồng. Tuy nhiên, theo anh Khoái như vậy vẫn còn thiếu nhiều lắm. Chị Bích nói: “Có người bỏ ra cả triệu đồng để mua hàng mã về cúng. Mặt hàng mà người mua ưa chuộng nhất hiện nay vẫn là tiền giấy giả và giày, mũ… Còn chị Hạnh, tiểu thương chợ Tân Bình cho hay cứ vào dịp chuẩn bị cúng ông Táo, mỗi ngày giao hàng trăm bao, thùng hàng cho các tỉnh, thành miền Tây với trị giá hàng trăm triệu đồng.
Anh Công Phú, chủ cửa hàng tạp hóa trên đường Hòa Bình, quận 11 cho biết, cứ đến ngày 23 tháng Chạp hàng năm anh bán không dưới 1.000 con cá chép đỏ. Thường mỗi người mua không dưới 3 cặp, mỗi cặp có giá từ 15 đến 20 ngàn đồng. Cũng theo anh Phú, các mặt hàng cúng ông Táo theo phong tục của người miền Bắc thì hiện nay cũng “du Nam” với số lượng lớn. Được biết, từ cuối năm 2009, anh Phú cũng đã đặt hàng cá chép với nhiều chủ ao cá để bán cá chép phóng sinh. Mỗi con cá chép nhỏ lọt lòng bàn tay có giá không dưới 20 ngàn đồng/con nhưng hầu như năm nào anh Phú cũng bán được trên 300 con. Tiền lời từ khoản bán cá chép cũng đã ngót nghét hơn 2 triệu đồng. Không ít người cho rằng, mua cá chép sống ở chợ phóng sinh không “linh thiêng” bằng mua ở các cửa hàng chuyên bán chim, cá phóng sinh.
Theo quan niệm của nhiều người, đốt vàng mã vào dịp này càng nhiều càng tốt và cầu mong công việc làm ăn, buôn bán thuận buồm xuôi gió. Cũng có không ít người đốt vàng mã chỉ để cho có với người ta như một phong trào nhưng số tiền bỏ ra không hề nhỏ, phút chốc đã biến thành tro bụi. Chúng ta thử làm một phép tính nhỏ, cứ mỗi nhà bỏ ra 20 ngàn đồng mua vàng mã với hàng triệu dân thì phải mất số tiền đến hàng tỷ đồng. Trong khi đó, ở đâu đó trong nước ta vẫn còn nhiều gia đình khó khăn đang cần giúp đỡ.
Tại chùa Hoa Liên, quận 11 có treo rõ tấm bảng “Không đốt vàng mã” và đề nghị với khách đến viếng chùa sử dụng số tiền ấy để làm từ thiện. Từ việc làm này, mỗi năm số tiền từ thiện quyên góp được từ khách thập phương đã dành xây dựng nhiều căn nhà tình thương, ủng hộ đồng bào lũ lụt cũng như đóng góp vào hoạt động xã hội hóa. Đây là một hoạt động thiết thực cần nhân rộng khắp nơi và tăng cường giáo dục ý thức đến với đông đảo người dân.
XUÂN DANH
Bình luận (0)