TPHCM đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng chống ngập, thế nhưng, cứ mưa lớn hay triều cường thì nhiều nơi bị ngập, thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Xe máy trong bãi giữ xe trên đường Nguyễn Siêu, quận 1 bị chìm trong nước. Ảnh: QUANG KHOA
Gây thiệt hại nặng
Ngày 27-9, hàng chục người tập trung tại các tầng hầm để xe trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận để bơm nước, khiêng đẩy ô tô, xe máy ngập trong nước ra ngoài. Do ngâm lâu trong nước, nhiều ô tô không đề máy được phải dùng xe cẩu kéo ra khỏi hầm để đưa đi sửa chữa. Đẩy chiếc xe tay ga dính đầy bùn đất đến tiệm sửa, anh Nguyễn Minh Sơn cho biết: “Mở yên xe, trong cốp có một mớ bùn, nước, giấy tờ thì hỏng hết”.
Phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Thạnh đã điều 5 máy bơm đến giải cứu các hầm để xe vào tối qua. Trên đường Phan Xích Long có khoảng 10 hầm bị ngập từ 1m đến 1,5m. Còn tại bãi giữ xe rộng khoảng 800m² trên đường Nguyễn Siêu (quận 1, TPHCM), cơn mưa tối 26-9 đã gây ngập chìm hơn 1.000 xe máy trong biển nước. Mặc dù, lực lượng PCCC đã tích cực điều bơm nước ra ngoài nhưng do nước ngập quá sâu nên đến chiều tối 27-9, công tác bơm nước cứu hộ vẫn còn tiếp tục.
Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy quận 1, TPHCM tích cực bơm nước khỏi hầm giữ xe máy vào trưa 27-9. Ảnh: QUANG KHOA
Anh Nguyễn Đình Huân người gửi xe ở đây cho biết, hôm qua sau giờ làm anh nhanh chóng chạy đến lấy xe nhưng không kịp. Nước đã tràn vào đầy hầm. Vào thời điểm đó, các nhân viên bãi xe cũng chỉ đưa được một số xe ra ngoài rồi đành bất lực đứng nhìn vì xe quá nhiều, trong khi đó, nước tràn vào quá nhanh. Đã xảy ra tranh cãi giữa những người gửi xe và chủ bãi xe. Người gửi xe cho rằng giá giữ xe mỗi giờ dao động 5.000 – 10.000 đồng, do vậy chủ bãi xe phải có trách nhiệm bồi thường khi sự cố xảy ra. Chủ bãi xe không đồng ý và cho đây là thiên tai nên không có trách nhiệm đền bù. Tại hiện trường hàng ngàn chiếc xe bị chìm trong nước, có xe chỉ còn nhô lên được phần kính chiếu hậu.
Một cửa hàng điện máy bị thiệt hại nặng do ngập nước. Ảnh FB Hồ Ngọc Bảo Linh
Tại phường Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức) đến trưa 27-9 nước vẫn ngập lênh láng. Hàng trăm chậu mai kiểng chìm trong nước. Nhà dân có nơi còn ngập gần nửa mét. Ông Trần Minh Tuấn, ngụ tại khu phố 6, phường Hiệp Bình Phước bức xúc: “Cứ mưa lớn là ngập. Ngập như vầy làm sao ở, người lớn còn đỡ, trẻ con làm sao? Bà con khu phố này sống nhờ vào mấy chậu mai, cây kiểng nước ngập thối rễ chết dần chết mòn, chắc đói”. Sau cơn mưa, gia đình ông đã phải kê lại hàng trăm chậu mai, hy vọng cứu được vườn mai.
Không những nhà ông Tuấn hàng chục vườn mai, cây kiểng… có giá trị kinh tế cao của người dân ở phường Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh, Tam Phú, đều bị ngập nặng. Nguy cơ mai chết trong những ngày tới rất cao. Tại quận 12, nhiều khu vực thuộc phường Thạnh Lộc và An Phú Đông nước ngập vẫn chưa rút và cơn mưa chiều tối 26-9 cũng gây thiệt hại không nhỏ cho người dân ở đây. Trong khi đó, sáng sớm 27-9, hàng loạt tiệm sửa xe trên địa bàn TP đông nghịt người đến sửa xe như thay nhớt, thay bugi, mobin. Tiệm sửa xe nào cũng quá tải. Hầu hết xe máy đến sửa đều bị chết máy do bị ngập trong cơn mưa tối qua. Đến gần 10 giờ sáng 27-9, nhiều xe bị chết máy vẫn còn phải chờ để sửa chữa.
Ngập do mưa quá lớn?
Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước TPHCM cho biết, trận mưa chiều tối 26-9 có vũ lượng lớn nhất từ trước đến nay (204,3mm) đã gây ngập 59 tuyến đường. Một số tuyến đường đã được đầu tư, nâng cấp hệ thống thoát nước nhưng vẫn bị ngập trong thời gian mưa như các đường: Phan Xích Long, Trường Sơn, quốc lộ 22, Phan Văn Hớn, Nguyễn Ảnh Thủ, Tô Ngọc Vân… là do tình trạng xả rác xuống hệ thống thoát nước (miệng thu hầm ga, kênh rạch).
Khi mưa lớn, áp lực nước cao cuốn trôi rác vào lưới chắn rác làm cản trở dòng chảy. Ngoài ra, nạn lấn chiếm hệ thống thoát nước, cửa xả, kênh rạch xảy ra tràn lan nhưng xử lý còn chậm. Để ứng cứu trong lúc mưa, lực lượng công nhân của Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị và nhân viên của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước tiến hành vớt rác trước các miệng thu hầm ga, triển khai bố trí máy bơm và nhân sự để ứng cứu; đồng thời phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC ứng cứu khi xuất hiện ngập tại tầng hầm của các tòa nhà trên địa bàn thành phố.
Ngày 27-9, Cảnh sát PCCC TPHCM đã xử lý 44 sự cố ngập úng. Trong đó, có 21 điểm ngập úng tại tầng hầm các tòa nhà, cao ốc; 22 điểm tại nhà dân và 1 điểm tại hầm chui. Ước tính thiệt hại có 114 ô tô các loại và 1.228 xe gắn máy bị ngập nước đã được lực lượng Cảnh sát PCCC hút nước để cứu kịp thời. Đến 16 giờ cùng ngày, lực lượng này vẫn đang tiếp tục hút nước tại bãi xe trên đường Nguyễn Siêu (quận 1) và Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải (quận Tân Phú). |
QUỐC HÙNG/ SGGP
Bình luận (0)