Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tiền tỷ trôi theo… triều cường

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng ngàn gốc mai đang chuẩn bị xuống lá nhưng triều cường bất ngờ nhấn chìm vào rạng sáng 5-1 khiến những hộ dân ở làng mai Q.Thủ Đức, Q.Bình Thạnh  (TP.HCM) rơi vào cảnh bế tắc.

Ông Nguyễn Thanh Tùng đang tưới rửa mai

Đến ngày 6-1, cảnh ngập úng nhà cửa, vườn mai không còn nữa, thay vào đó là cảnh xác xơ và những ánh mắt đượm buồn, bước chân nặng trĩu của người nông dân.

Làng mai tiêu điều

Sau hai đêm mất ngủ, ông Nguyễn Thanh Tùng (hẻm 41, KP.2, P.Tam Phú, Q.Thủ Đức) kéo vòi nước tưới như nặng nề hơn. Ông Tùng mất ngủ vì lo không biết lấy đâu để xoay xở tiền phân, giống cho vụ mai tới, bởi hầu hết các hộ đều ít vốn, đầu tư theo kiểu cuốn chiếu.

Giọng của ông chậm rãi, mỏi mệt: “Chỉ còn vài ngày nữa là xuống lá, năm nay thời tiết có xấu nhưng dày công chăm sóc vẫn còn chút hy vọng nhưng nay thì không mong chi nữa”. Hỏi về mức độ thiệt hại, ông Tùng nhẩm tính: “Vườn nhà hầu hết là gốc lớn có tuổi trên chục năm trở lên, thiệt hại trên dưới 200 triệu đồng. Tuy nhiên còn phải chờ vài hôm nữa mới có đánh giá chính xác. Mai gặp triều cường, ngấm nước bẩn xem như hỏng, rất ít gốc gượng được”.

Thông thường, thời điểm này những người trồng mai ở đây không phải lo lắng về triều cường nữa mà chỉ tập trung chăm sóc, xuống lá. Hơn nữa thời điểm nước ngập là gần sáng, khiến không kịp trở tay.

Cùng cảnh ngộ như ông Tùng, ông Nguyễn Danh (ngụ đường D1, Q.Bình Thạnh) đã đổ xuống vườn mai của mình hàng trăm triệu đồng và trông chờ lấy lại chút vốn liếng vào dịp Tết này. Tuy nhiên, triều cường ập tràn bất ngờ khiến ông không kịp trở tay, hàng trăm gốc mai lớn nhỏ ngập sâu trong nước hàng giờ. “Tính vô phân, xuống lá nhưng giờ phải chờ tưới rửa phèn kéo dài thời gian nên chắc chắn ảnh hưởng đến thời điểm mai ra hoa, rồi thiệt hại cho vụ mùa tới nữa. Hầu hết là mai ghép nên việc chăm sóc, dưỡng, đặc biệt là thời tiết thất thường trong những năm gần đây rất khó, giờ lại ngập nước ô nhiễm chỉ biết kêu trời”, ông Danh nói.

Chỉ tay vào hồ nước âm ở góc vườn, ông Danh nói tiếp: “Nước tưới mai phải thật sạch. Chúng tôi cho nước máy xuống hồ và thả cá vào đó. Mỗi sáng, trước khi tưới phải kiểm tra trong hồ cá có chết không. Nếu cá chết thì không thể lấy nước đó tưới cây. Trong khi đó mai bị ngập nước thải công nghiệp của các nhà máy, xí nghiệp thì làm sao sống nổi”.

Sau khi triều cường gây ngập, chính quyền P.Tam Bình (Q.Thủ Đức) cho cải tạo, nạo vét kênh mương để thoát nước  

Ghi nhận của phóng viên, hàng chục hộ dân tại hẻm 19, hẻm 41 thuộc KP.2, P.Tam Phú đều bị ngập sâu. Công tác nạo vét, khai thông cống rãnh quanh khu vực cũng đã được địa phương triển khai ngay trong sáng 5-1, tuy nhiên thiệt hại của mỗi gia đình là không nhỏ. “Tủ lạnh, quạt máy và các đồ đạc khác giờ chỉ có bán ve chai. Để hạn chế thiệt hại, người dân phải sử dụng máy bơm tạm thời để bơm nước ra ngoài. Nền nhà tôi khá cao, thấy nước mới mấp mé ngoài sân nên vợ chồng đóng cửa đi làm. Đến gần trưa, người thân gọi báo nước đã lênh láng trong nhà”, ông Nguyễn Văn Lành rầu rĩ nói.

Nông dân chới với

Ông Nguyễn Văn Ba (thành viên Tổ đê điều P.Tam Phú, Q.Thủ Đức) cho biết: Nước triều dâng cao, chảy mạnh trong khi cống thoát ra rạch Đỉa thì bị vật cản chắn nên nước đổ vào nhà dân. Thời điểm này người dân đang ngủ nên khi phát hiện thì nhiều vật dụng trong gia đình bị hư hỏng. Nặng nhất là các hộ trồng mai chỉ còn vài ngày nữa là thu hoạch.

Theo Hội Nông dân P.Tam Bình (Q.Thủ Đức), phường có hàng trăm hộ trồng mai, nghề truyền thống của gia đình. Hộ nào ít nhất cũng 500-700 gốc, hộ nhiều từ 1.000 gốc trở lên với chi phí đầu tư khá nặng và chỉ trông chờ vào một vụ Tết. “Chúng tôi luôn sát cánh với người dân. Hiểu được khó khăn của các hộ dân, chúng tôi đã kiến nghị và được chấp thuận cho người dân chỉ trả một giá nước, không tính vượt định mức. Sự cố vừa rồi là ngoài ý muốn và cũng đang bàn bạc tìm giải pháp để hỗ trợ người dân”, đại diện Hội Nông dân P.Tam Bình thông tin.

Sáng 6-1, Hội Nông dân và UBND P.Tam Phú cũng đã đến thăm hỏi, động viên các hộ trồng mai bị thiệt hại nặng. Tại đây, ông Tùng cho biết khi phát hiện nước ngập sâu, ông có báo với tổ đê điều của địa phương, tuy nhiên công tác khắc phục hạn chế thiệt hại lại không kịp thời. Trong khi đó, đại diện UBND P.Tam Phú cho biết, nếu có báo với chính quyền thì chúng tôi sẽ huy động lực lượng đến di chuyển gốc mai, bơm nước kịp thời, đó là trách nhiệm của địa phương.

T.Tri

Bình luận (0)