Du lịch - Thể thaoThể thao trong nước

Tiền vệ Nguyễn Minh Phương: Từ “nghiệp dư” thành vô địch Đông Nam Á

Tạp Chí Giáo Dục

Phương có thể chơi tốt ở nhiều vị trí

Cách đây hơn 10 năm, trong nỗi buồn thi trượt đại học, Nguyễn Minh Phương không bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày anh và đồng đội lại trở thành những người hùng trong buổi tối 28.12.2008 lịch sử của bóng đá VN.

Từ cái nôi Cảng Sài Gòn

Trong số các tuyển thủ bóng đá VN hiện nay, Minh Phương là một trong số ít được học hành đầy đủ và nghiêm túc nhất. Dù mê bóng đá từ nhỏ, nhưng Phương không hề bê trễ chuyện học hành. Gia đình Phương ở Bình Long (Bình Phước), ba làm nhân viên công ty cao su còn mẹ buôn bán nhỏ.

Nhà nghèo nên ba mẹ luôn ao ước con mình trở thành kỹ sư, bác sĩ để hy vọng đổi đời. Chính vì vậy, Phương chưa hề trải qua trường lớp đào tạo năng khiếu bóng đá để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, mà đích đến của anh vẫn là giảng đường đại học.

Năm 18 tuổi, lần đầu đến TP.HCM thi đại học, Phương bị trượt. Buồn nhưng không nản chí, Phương xin ba mẹ ở lại TP.HCM luyện thi tiếp. Trong thời gian này, thỉnh thoảng anh đi xem đội Cảng Sài Gòn (CSG) đá ở sân Thống Nhất, và niềm đam mê từ lâu trỗi dậy. Bước ngoặt lớn đã đến với chàng trai Đông Nam Bộ khi thông qua sự giới thiệu của cựu trọng tài Bùi Như Đức, đội CSG nhận Minh Phương vào thử việc.

Không ngờ chỉ sau vài tháng tập luyện, Phương đã được các HLV Tam Lang, Đặng Trần Chỉnh khen ngợi vì có kỹ thuật khá, tư duy chiến thuật tốt. Phương nhớ lại: "Ngày đó, được chơi cho CSG là niềm đam mê lớn nhất đời tôi. Tôi đã quyết định không thi tiếp đại học lần 2 để được đứng vào hàng ngũ đội bóng có truyền thống lẫy lừng này.

Ban đầu mẹ cũng buồn vì tôi không thi đại học nữa, nhưng sau khi tôi giải thích bà cũng nguôi ngoai. Cũng vì thế mà tôi tự nhủ phải cố gắng trong con đường đã chọn, phải làm sao xứng đáng với sự mong đợi của gia đình".

Phương khởi đầu sự nghiệp bằng việc thi đấu trong đội tuyển TP.HCM do HLV Vũ Tiến Thành dẫn dắt tại vòng chung kết Giải U.21 Báo Thanh Niên năm 1998, còn trận đấu chính thức của Phương trong màu áo CSG là gặp Long An trên sân khách năm 1999 (hòa 0-0) với vai hậu vệ trái. Phương không ngờ rằng, sau này Long An lại chính là điểm đến của anh khi phong độ ở đỉnh cao.
3 tháng kỷ luật

Nhớ lại những tháng ngày dùng dằng giữa đi và ở đầu năm 2000, Phương tâm sự: "Đời cầu thủ rất ngắn, nên ai cũng muốn chọn cho mình con đường tốt nhất để có điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ gia đình. Trong trái tim tôi, CSG vẫn là nơi bắt đầu sự nghiệp, đào tạo tôi nên người. Không bao giờ tôi quên ơn cô Thái, chú Tam Lang, anh Chỉnh và nhiều đồng đội khác. Nhưng tôi phải tìm nơi nào đảm bảo tương lai cho mình".

Sau khi tham gia đội Olympic dự Cúp mùa đông ở Ý và chơi rất hay ở Tiger Cup 2002 – ghi bàn quyết định giúp VN thắng Malaysia 2-1 giành huy chương đồng – Phương được bầu Thắng của ĐTLA mời về đầu quân với giá 400 triệu đồng. CSG không chấp nhận và đôi bên mâu thuẫn nhau xung quanh chuyện hợp đồng lao động hay hợp đồng cầu thủ chuyên nghiệp, giằng xé Minh Phương bằng tình và lý.

Rốt cuộc Minh Phương "lãnh đủ" khi LĐBĐVN lúc đó treo giò anh 6 tháng vì "tội" bỏ CSG! Khi đó Thanh Niên và một số tờ báo khác đã đấu tranh rất dữ dội về chuyện này với LĐBĐVN và ĐTLA cũng kiện lên đến Ủy ban TDTT. Cuối cùng, Minh Phương được giảm nửa án và bắt đầu khoác áo ĐTLA từ giai đoạn 2.

Gác lại những ngày buồn, Phương trở thành một hậu vệ lên công về thủ xuất sắc, đóng góp lớn vào thành công của ĐTLA với 2 ngôi á quân 2 mùa bóng (chỉ sau Hoàng Anh Gia Lai). Sau đó, HLV Calisto đã nhìn thấy sự sáng tạo trong lối chơi của Minh Phương nên đưa anh lên tiền vệ trung tâm đá cặp cùng với Tài Em, và cả hai đã giúp ĐTLA 2 lần vô địch V-League.

Phương nhớ lại: "Nhờ bàn tay của thầy Tô mà tôi đã thi đấu ngày một khởi sắc, đóng góp được nhiều cho CLB cũng như đội tuyển, ghi được nhiều bàn thắng". Còn nỗi thất vọng lớn nhất của anh khi khoác áo tuyển quốc gia là tại Tiger Cup 2004, VN thua đậm Indonesia 0-3 ngay trên sân nhà.

Cú đá phạt nổi tiếng Đông Nam Á

Đặc điểm nổi trội ở Minh Phương khiến anh khác với nhiều tiền vệ khác là chơi vừa tận tụy, vừa "sáng". Bóng đến chân Minh Phương là y như rằng khung thành đối phương bị uy hiếp. Các đường chuyền từ chân của Phương luôn tạo ra sóng gió bởi tốc độ bay của bóng, điểm rơi đạt độ chính xác rất cao. Cho đến nay người hâm mộ vẫn chưa quên bàn thắng mở tỷ số của Quang Thanh trong trận thắng UAE 2-0 tại vòng chung kết Asian Cup. Chính Minh Phương là người đã có cú bấm bóng điệu nghệ và đúng tầm cho Quang Thanh lao xuống sút tung lưới.

Phương cùng vợ trong lễ khen thưởng của tỉnh Long An

Tuy nhiên chính những cú đá phạt của Minh Phương mới thật sự tạo nên "thương hiệu" của anh. Phút cuối cùng trận chung kết lượt về AFF Cup 2008, Phương tiến tới điểm đặt bóng chuẩn bị đá phạt… "Thấy Minh Phương đá phạt, tôi đã nói khẽ với Peter Reid là nguy rồi vì tôi biết cậu ta là cầu thủ đá phạt rất hay của VN", trợ lý HLV Steven Darby của Thái Lan sau này kể lại. Điều đó chính là sự thừa nhận vì không ít lần Minh Phương đã kiến tạo hoặc tự mình ghi bàn từ những tình huống đá phạt như vậy. Bàn gỡ 2-2 trước Thái Lan ở T&T Cup cũng chính từ cú đá phạt của Minh Phương, nên BHL Thái Lan không lo sao được! Và linh cảm của ông Darby đã trở thành cơn ác mộng của Thái Lan…

Còn Minh Phương kể lại tỉ mỉ pha đá phạt này: "Tôi thường được giao đá phạt nên cố gắng tập thuần thục nhiều tình huống sút ở các cự ly khác nhau. Thật ra, cũng như cú chuyền bóng cho Việt Thắng mở tỷ số trong trận hòa Thái Lan 2-2 ở T&T Cup, để thành bàn còn phụ thuộc vào sự nhạy cảm của các tiền đạo. Về cú đá phạt phút cuối trận chung kết, khi thực hiện cú sút tôi thoáng thấy Vinh chạy vào lôi theo hậu vệ Suree Sukha, ngay sau đó khựng lại đánh lừa đối phương.

Thế là tôi biết Vinh sẽ di chuyển tiếp vài mét nữa, nên chuyền đúng vào "tọa độ" đó và chính tài năng của Vinh đã đem lại bàn thắng quý giá này". Nhìn lại hành trình vinh quang của tuyển VN, Phương tỏ ra hạnh phúc: "Dù chỉ đá 3 trận vòng bảng và ra sân khoảng 30 phút trong 4 trận bán kết, chung kết AFF Cup, nhưng tôi hết sức tự hào vì đã góp phần vào chiến thắng này. Tôi cám ơn HLV Calisto đã cho tôi cơ hội đúng lúc ở trận chung kết".

 

Nguyễn Minh Phương sinh ngày 5.7.1980 tại Bình Long (Bình Phước), cao 1m72, gia đình có 3 anh em (em trai đang đá cho đội Kiên Giang), hiện khoác áo ĐTLA.

– Thành tích trong nước: Vô địch V-League 2005, 2006; vô địch Cúp quốc gia 2006 và Siêu cúp 2006, 2 lần giành Quả bóng bạc VN.

– Thành tích quốc tế: Vô địch AFF Cup 2008, huy chương đồng AFF Cup 2007, á quân SEA Games 22.

Phương chơi tốt nhiều vị trí từ hậu vệ lên tiền vệ, từ đá cánh đến trung tâm. Thi đấu chững chạc nên anh được HLV tin tưởng và đồng đội cảm mến, liên tục bầu anh làm đội trưởng đội tuyển quốc gia. Phương thường có sút xa rất lợi hại, hay ghi bàn từ xa và nổi tiếng với những cú đá phạt.

Hiện tại Phương vẫn còn bị đau cơ lưng và phải uống thuốc mỗi ngày để chữa bệnh thận, nên thể lực không thật tốt. Phương đã có vợ và 1 con trai 5 tháng. Ngoài bóng đá anh còn một shop bán dụng cụ thể thao mang tên mình tại Bình Long.

Quang Tuyến (theo thanhnien)

Bình luận (0)