Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tiếng Anh bắt buộc từ lớp 3: Khó từ cơ sở vật chất đến giáo viên

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Theo Dự thảo chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2008-2020, môn tiếng Anh sẽ trở thành môn học bắt buộc từ năm 2010 (hiện nay là môn học tự chọn) đối với các trường tiểu học từ lớp 3. Nhưng thực tế, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên (GV) hiện tại khó có thể thực hiện được mục tiêu này trong vòng hai năm nữa.
Hà Nội than khó, vùng sâu vùng xa kham sao nổi!
Ông Phạm Xuân Tiến – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học – Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Việc dạy học tiếng Anh cho học sinh (HS) lớp 3 như một môn học tự chọn đã được Hà Nội thực hiện từ năm học 1991-1992. Nghĩa là đã gần 20 năm, đến nay ngay trong địa bàn thủ đô Hà Nội cũng không phải tất cả các trường tiểu học đã thực hiện được đại trà môn học này.
Ông Tiến cho biết: nhu cầu của phụ huynh về việc học ngoại ngữ cho trẻ là rất lớn, nếu không muốn nói là 100% phụ huynh ở thành phố đều muốn con mình được học ngoại ngữ từ nhỏ, thậm chí học từ lớp 1. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất của một bộ phận nhà trường hiện nay đã không đáp ứng được mong mỏi đó. Số trường tổ chức được việc dạy học ngoại ngữ cũng chính là số trường HS được học 2 buổi/ngày bởi lẽ nếu chỉ được học 1 buổi/ngày thì chưa tính những môn học tự chọn, trẻ đã phải học 5 tiết/buổi. Nếu không có buổi học thứ hai để giãn thời khóa biểu và đưa thêm môn học tự chọn thì dù có mong muốn đến mấy cũng không thể “nhồi” thêm cho trẻ học đến 6-7 tiết chỉ trong một buổi sáng hoặc chiều. Theo ông Tiến: Tính về số trường thì Hà Nội có 67,8% có tổ chức dạy học 2 buổi/ngày nhưng thực chất trong số đó chỉ có 53,7% trường có 100% HS được học 2 buổi/ngày. Không ít trường phải thuê phòng học ở bên ngoài nhà trường để HS được học thêm buổi 2 và đưa vào giảng dạy các môn tự chọn, trong đó có tin học và ngoại ngữ.
Ngay giữa thủ đô đã vậy, ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa thì khó khăn này còn lớn hơn gấp nhiều lần. Bà Trần Thị Thắm – Phó giám đốc Sở GD-ĐT Lào Cai cho biết: Hiện nay việc dạy học môn tự chọn tiếng Anh mới chỉ thực hiện được trong một số ít trường (khoảng 20 trên tổng số hơn 200 trường tiểu học của Lào Cai). Những trường này tập trung toàn bộ ở khu vực thành phố, thị trấn, còn hầu hết những trường nằm ở vùng sâu, vùng xa chưa có trường nào đưa vào giảng dạy được môn học này. Buổi học thứ hai của các trường vùng dân tộc thiểu số thì để củng cố cho HS về môn tiếng Việt cũng đã rất chật vật rồi – Bà Thắm chia sẻ. Còn bà Nguyễn Thị Hòa – Phó giám đốc Sở GD-ĐT Lạng Sơn thì cho biết: Toàn tỉnh hiện mới có 82/266 trường tiểu học được học 2 buổi/ngày và chỉ những trường này mới có thể xếp thời khóa biểu cho những môn tự chọn.
Giáo viên: đào đâu ra?
Bà Nguyễn Thị Hòa cho rằng: Cần tiến hành từng bước, ở đâu có điều kiện thì thực hiện tới đó và cũng không nên chờ đợi đến khi tất cả các nơi có điều kiện như nhau mới tiến hành đồng loạt. Bà Hòa nêu dẫn chứng: Ba năm gần đây dù tỉnh Lạng Sơn đã rất nỗ lực nhưng mỗi năm cũng chỉ thêm được chưa đầy 10% trường học được học 2 buổi/ngày, mà càng ở vùng sâu, vùng xa thì để cải thiện tình hình càng mất nhiều thời gian hơn. Ngay trong một tỉnh, nếu vùng thuận lợi cứ ngồi đợi vùng khó khăn thì đến hàng chục năm nữa cũng chưa chắc đã đưa môn ngoại ngữ vào giảng dạy được.
Đó là chưa kể tới, việc quản lý chất lượng dạy và học môn học này khi đưa vào giảng dạy sẽ ra sao khi mà các phòng GD-ĐT ở Hà Nội cũng chưa có lấy một chuyên viên phụ trách, chỉ đạo chuyên môn về môn tiếng Anh. Hiệu trưởng các trường tiểu học thì hầu hết đều có trình độ “i tờ” về ngoại ngữ, có dự giờ thì cũng không thể kiểm soát được GV của mình dạy có đạt yêu cầu hay chưa, có đúng nội dung kiến thức mà chương trình yêu cầu hay không?… Vậy thì ai sẽ là người đủ trình độ để giám sát chất lượng trong việc dạy và học môn học này đây? – ông Tiến nêu vấn đề. Hơn nữa, để đưa môn tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3 thì ở điểm khởi đầu, ít nhất trong 15.000 trường tiểu học của cả nước phải có 15.000 GV có trình độ dạy tiếng Anh, sau đó tăng dần theo từng năm, để có đủ GV cho mục tiêu này phải có 30.000- 40.000 GV trở lên. Hiện nay cả nước chỉ có khoảng 6.000 GV dạy tiếng Anh trong trường tiểu học. Mỗi năm các trường sư phạm cũng chỉ cung cấp 300- 500 GV mới. Như vậy cho dù các trường sư phạm có “tăng tốc” đào tạo cũng phải một thời gian dài nữa mới có đủ số GV cần thiết. Một khó khăn nữa là thời gian học, điều kiện cơ sở vật chất. Cả nước hiện nay chỉ có khoảng 35% HS được học 2 buổi/ngày. Và thực tế tại các tỉnh miền núi, nguồn GV tiếng Anh cũng là cả vấn đề bởi ngay GV ở những môn chính vẫn còn rơi vào khủng hoảng…

Nghiêm Huê

Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” đã được Bộ GD-ĐT ban hành mới đây. Theo đó, từ năm 2010-2011 triển khai dạy ngoại ngữ theo chương trình mới cho khoảng 20% số lượng HS lớp 3 và mở rộng dần quy mô để đạt khoảng 70% vào năm học 2015-2016; 100% vào năm 2018-2019. Tổng kinh phí để thực hiện đề án này là 9.378 tỷ đồng. Các chương trình dạy – học ngoại ngữ phổ thông 10 năm, bắt đầu từ lớp 3 đến lớp 12 sẽ được biên soạn: sách giáo khoa, tài liệu học tập, giảng dạy, phù hợp với quy định về năng lực trình độ của mỗi cấp lớp học. Ngoài chương trình đào tạo môn ngoại ngữ bắt buộc (ngoại ngữ 1), học sinh có thể tự chọn học thêm một ngoại ngữ khác (ngoại ngữ 2). Các trường THPT sẽ được xây dựng và triển khai các chương trình dạy và học bằng ngoại ngữ cho một số môn như: toán và một số môn phù hợp.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)