Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tiếng Anh chuyên ngành chưa được quan tâm

Tạp Chí Giáo Dục

ThS. Ngô Thị Lan Chi, Trưởng bộ môn ngoại ngữ của Trường TC Du lịch và Khách sạn Saigontourist chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo

Chương trình, tài liệu, đội ngũ giáo viên, thiết bị dạy học… còn nhiều khó khăn, bất cập khiến cho việc dạy – học tiếng Anh chuyên ngành (TACN) trong các trường chuyên nghiệp chưa đạt được kết quả cao. Một số ít trường dạy TACN cho vài ngành đào tạo, còn lại đa số chưa thực sự quan tâm.

Đây là các vấn đề được ông Lưu Đức Tiến, Phó trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp và ĐH (Sở GD-ĐT TP.HCM) đưa ra tại Hội thảo giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học TACN tại các trường chuyên nghiệp TP.HCM do Sở GD-ĐT tổ chức ngày 13-11.

Nhìn đâu cũng thấy khó

Chương trình hiện tại của các trường được xây dựng theo khung của Bộ GD-ĐT, thời lượng từ 90-210 tiết, dựa trên hệ tuyển, thời gian đào tạo. Việc giảng dạy tập trung vào kiến thức tổng quát, chú trọng nhiều đến ngôn ngữ hơn là phát triển kỹ năng nên người học mới chỉ được cung cấp kiến thức ngữ pháp, đọc tài liệu chuyên môn hoặc giao tiếp ở cấp độ đơn giản.

Theo ThS. Trần Kim Thu Liễu (Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng), hiện nay chương trình và mục tiêu đào tạo không phù hợp với thực tế, thiếu cập nhật thông tin. Thời lượng phân bổ chưa phù hợp với nhu cầu truyền đạt kiến thức, đa số giảng dạy tiếng Anh cơ bản (TACB) nhiều hơn TACN. “Hiện tỉ lệ phân bổ thời lượng giảng dạy giữa TACN và TACB ở một số trường là 3:5, 4:5; 9:10, 5:8… Thời lượng không phù hợp là khó khăn trong dạy – học một giáo trình nguyên bản gốc”, ThS. Liễu cho biết.

Đứng ở góc độ người học, TS. Lê Thị Kiều Vân (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nhận định: TACN mới chỉ được xem là môn học tự chọn trong hệ thống tín chỉ để HS-SV phải tích lũy, vì thế các em thiếu động cơ, không xem TACN là phương tiện sử dụng trong học tập và làm việc. Trong khi đó, TS. Huỳnh Công Minh Hùng (Trường ĐH Mở TP.HCM) chia sẻ: Theo lộ trình triển khai Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, đến năm học 2015-2016 có 60% HS-SV các trường ĐH, CĐ và TCCN tại TP được triển khai chương trình đào tạo tăng cường ngoại ngữ, trong đó có dạy các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh. Nhưng đây mới là con số ta đang hướng tới vì hiện tại chỉ đạt 35-40%.

Theo đánh giá, hiện tài liệu dành cho dạy và học còn thiếu, nội dung đa số chú trọng ngữ pháp, từ vựng cơ bản, chưa khoa học, chưa thống nhất mà còn mang tính chủ quan, rời rạc, thiếu tính liên tục. Như hiện nay, chuyên ngành công nghệ kỹ thuật nhiệt, công nghệ may tại Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng không có giáo trình phù hợp. Hoặc tại Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, giáo trình chuyên ngành không theo một chuẩn nào cả. Cụ thể, ngành hàng hải thì dùng của Tổ chức Hàng hải thế giới; ngành CNTT thì dùng một giáo trình của Anh; một số ngành thì tập hợp từ nhiều môn khác nhau, nếu không kiếm được tài liệu thì giảng viên tự soạn nên chất lượng chuyên môn phụ thuộc vào… người soạn.

Đội ngũ giáo viên là yếu tố góp phần rất lớn trong việc dạy học nhưng hiện lại chưa được đào tạo chuyên sâu về chuyên ngành, thiếu bồi dưỡng dẫn đến năng lực không đồng đều. Ông Nguyễn Hà Thanh (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng, giáo viên được đào tạo dạy TACB không thể dạy được TACN. Vì bản thân họ chưa chắc hiểu các thuật ngữ chuyên ngành mang nghĩa đầy đủ như thế nào.

Ngoài những khó khăn trên, còn phải kể đến cơ sở vật chất chưa đáp ứng việc giảng dạy theo phương pháp mới, công tác tổ chức hiện vẫn theo hình thức truyền thống, sĩ số lớp học đông, trình độ đầu vào của HS-SV không đồng đều…

Khó thì không làm được?

Khoa Kỹ thuật hóa học của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, học kỳ II năm học 2013-2014 tiến hành giảng dạy bằng tiếng Anh cho môn hóa học hữu cơ A và hóa học xanh với 3 lớp đại trà. Đặc biệt, môn luận văn tốt nghiệp cũng được tiến hành bằng tiếng Anh. Kết quả, gần 60 SV thực hiện luận văn tốt nghiệp bằng tiếng Anh và hoàn thành tốt các nội dung trong học kỳ này. Để có kết quả trên, khoa này đã chọn môn học phù hợp, chương trình giảng dạy trên lớp giảm bớt, tận dụng ưu điểm chương trình tín chỉ cho người học thực hành, đọc tài liệu ngoài lớp, tập trung vào môn luận văn tốt nghiệp. Với đội ngũ giảng dạy, lãnh đạo khoa đưa giáo viên nhiều kinh nghiệm và giáo viên có khả năng giảng dạy bằng tiếng Anh cùng tham gia tại một lớp, chú trọng xây dựng tinh thần tự bồi dưỡng năng lực, tự học cho người dạy, người học. Sau khi lên chương trình, lãnh đạo khoa làm việc với giáo viên nhằm đánh giá khó khăn, phương thức thực hiện…

Tại Trường TC Du lịch và Khách sạn Saigontourist cũng xây dựng chương trình TACN phù hợp với học viên, đáp ứng năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh trong môi trường làm việc sau khi ra trường. ThS. Ngô Thị Lan Chi, Trưởng bộ môn ngoại ngữ của trường, chia sẻ: Trường bắt đầu giảng dạy TACN ngay sau khi học viên kết thúc 90 tiết TACB, chú trọng khâu kiểm tra đầu vào để xếp lớp. Đối với đội ngũ giáo viên, ngoài đạt chuẩn kiến thức, giáo viên còn am hiểu về chuyên ngành phụ trách. Trong khi đó giáo trình nhà trường được chọn lọc kỹ để người học rèn luyện tốt 4 kỹ năng…

Dạy học tiếng Anh, đặc biệt là TACN nhằm đạt mục tiêu đáp ứng nhu cầu tiếp nhận kiến thức chuyên ngành trong lao động, học tập, nghiên cứu mang tính chuyên môn cao. Trước tầm quan trọng này, ông Lưu Đức Tiến cho rằng, tiếng Anh nói chung và TACN nói riêng cần được quan tâm, đánh giá đúng mức, đưa ra định hướng, lộ trình thực hiện nghiêm túc.

Theo ông Tiến, các trường cần phải đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp, tổ chức dạy học, ưu tiên xây dựng triển khai ở một số ngành trọng điểm. Ngoài ra cần rà soát, tiến hành đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên giáo viên để đảm bảo về số lượng, phát triển về năng lực. Và phải nâng cao nhận thức, ban hành các chính sách chế độ phù hợp đối với người dạy, người học. Từng bước trang bị thiết bị dạy học, đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Sở GD-ĐT khuyến khích nhà trường mời giảng viên du học về giảng dạy, tăng cường hợp tác quốc tế…

Bài, ảnh: Ngọc Trinh

“Hiện chúng ta đang dạy cái chúng ta có chứ chưa dạy cái HS-SV cần. Người học, học xong có khi lại không vững kiến thức về chính chuyên ngành của mình”, ông Nguyễn Hà Thanh (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), tâm tư.

 

Bình luận (0)