Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tiếng Anh là môn điều kiện xét tốt nghiệp trung cấp và cao đẳng nghề

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Tiếng Anh là môn bắt buộc đối với bậc CĐ-TC nghề. Trong ảnh: Học sinh khoa Điều dưỡng, Trường TC Bách Khoa Sài Gòn trong giờ thực hành

Đó là yêu cầu của ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc sở LĐ TB-XH TP.HCM tại buổi làm việc với các trường CĐ-TC được lựa chọn trường chất lượng cao và trường có nghề trọng điểm vào sáng 3-11.

Ông Lâm cho rằng lâu nay các trường TC-CĐ nghề có đào tạo tiếng Anh cho học sinh, sinh viên, tuy nhiên ra trường trình độ ngoại ngữ vẫn còn kém. Với yêu cầu của thị trường lao động hội nhập, nguồn nhân lực cần được nâng cao hơn nữa về ngoại ngữ, đề nghị các trường đưa môn tiếng Anh là môn điều kiện để xét tốt nghiệp đối với các nghề trọng điểm.

Theo đó, các trường có thể tổ chức dạy trực tiếp, liên kết với các đơn vị dạy hoặc người học có thể học ở bất kỳ đâu và mang bằng nộp cho trường, tuy nhiên bằng phải theo chuẩn của Quyết định 761/ QĐ-TTg/ 2014 phê duyệt đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020, với trình độ TOEIC 350 với bậc TC và TOEIC 450 với trình độ CĐ.

Tại đây, bà Hoàng Thị Thu Sương, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TP.HCM lo ngại số tiền học phí quá lớn, sinh viên không kham nỗi. Cụ thể, để lấy chứng chỉ TOIEC 350 trong thời gian khoảng 9 tháng mất gần 10 triệu đồng. Hơn nữa, sinh viên bậc CĐ có thể học xong chương trình (cả tiếng Anh) trong thời gian 2,5 đến 3 năm theo quy định nhưng với bậc TC thì không thể. Bởi hiện nay phụ huynh mong muốn con em vừa học nghề vừa học phổ thông, nay thêm học tiếng Anh thì thời gian học sẽ kéo dài ra.

Tương tự, bà Phạm Quang Trang Thủy, Hiệu trưởng Trường TC Nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương cũng tỏ ra lo lắng về thời gian cũng như sức học của các em, đặc biệt là học sinh nghề trình độ THCS. Liên quan đến học phí tiếng Anh, đại diện Trường TC Nghề Củ Chi đề xuất hướng xã hội hóa 50-50 giữa nhà nước và phụ huynh.

Để giải quyết khó khăn về tài chính của người học, ông Lâm yêu cầu không dạy tiếng Anh ở tất cả các nghề, trước mắt chọn một nghề và trong quá trình thực hiện gặp khó khăn gì thì báo cáo để sở đề xuất UBND TP có hướng tháo gỡ. Trường TC-CĐ nào có nhu cầu thành lập trung tâm ngoại ngữ, sở sẽ hướng dẫn làm thủ tục, tuy nhiên phải đảm bảo trình độ giáo viên cũng như chất lượng đầu ra.

Cùng với hai ngoại ngữ tự chọn là tiếng Hàn và tiếng Nhật, ông Lâm yêu cầu các trường triển khai thực hiện ngay trong năm học này.

Trước đó, UBND TP.HCM có văn bản 6592/ UBND-VX ngày 21-10, chấp thuận đề nghị của sở LĐ TB-XH về việc bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề cho giảng viên, giáo viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp năm 2017.

Văn bản này cho phép các trường CĐ-TC được lựa chọn xây dựng trường chất lượng cao, trường có nghề trọng điểm tổ chức giảng dạy môn ngoại ngữ tự chọn là tiếng Hàn hoặc tiếng Nhật bên cạnh môn ngoại ngữ tiếng Anh bắt buộc. UBND giao giám đốc sở LĐ TB-XH thương thảo và ký hợp đồng đào tạo với trường ĐH Bách Khoa Hàn Quốc và sở chịu trách nhiệm rà soát, thẩm định danh sách giáo viên cử đi học năm 2017 do các trường đề xuất, đảm bảo đúng đối tượng và đạt kết quả cao.

Trần Anh 

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)