Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tiếng hát hướng về nơi “đầu sóng ngọn gió”

Tạp Chí Giáo Dục

Trong giai đoạn cả nước đang hướng về Trường Sa và Hoàng Sa thiêng liêng, nhiều ca khúc về biển đảo được ra đời, thật sự nhanh chóng đi sâu vào đời sống âm nhạc của mọi ngành và được mọi giới ủng hộ, nhất là tại các trường học hiện nay.
Tại lễ khai giảng năm học 2012-2013 của Trường THPT Ngô Thời Nhiệm (Q.9, TP.HCM), nhiều đại biểu lấy làm xúc động khi được xem chương trình văn nghệ do các em HS biểu diễn. Sức cuốn hút của những lời ca điệu múa không chỉ ở trang phục, phong cách mà bắt đầu từ đề tài và nội dung của mỗi bài hát. Chương trình có 6 tiết mục thì cả 6 đều hướng về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ngoài những bài hát quen thuộc như Gần lắm Trường Sa, Nghĩ về người lính đảo xa…, những bài hát mới sáng tác gần đây như Đảo chìm, Góp đá xây Trường Sa… đã không còn xa lạ với người thưởng thức âm nhạc. Bài hát Đảo chìm của nhạc sĩ Quỳnh Hợp hôm ấy đã thật sự để lại những ấn tượng đẹp. Ca khúc đặc biệt này do tốp ca nam nữ trình bày nên vừa có âm sắc mượt mà nữ tính của những con sóng đại dương bạc đầu vừa có phong cách mạnh mẽ, hùng tráng của chàng trai lính biển trẻ trung. Với giai điệu vui tươi, yêu đời bài hát đã phác họa được một bức tranh hiện thực vô cùng sống động và cụ thể về cuộc sống của bộ đội Trường Sa. Không ai khác, chính những công dân trẻ Việt Nam đã sinh ra những hòn đảo nổi từ nền móng đảo chìm vốn là “một bãi san hô ngập dưới biển”. Không nói nhiều lời nhưng bài hát ngắn đã khắc họa được nghĩa tình sâu nặng giữa đất liền và biển đảo: “Gạch từ đất liền cõng ra xây dần”.
Là một thành viên trong nhóm nhạc của Trường THPT Ngô Thời Nhiệm, em Thúy Nga – HS lớp 10 lại thích bài Gần lắm Trường Sa của nhạc sĩ Hình Phước Long. Với giai điệu mênh mông dàn trải, bài hát thật sự chiếm được rất nhiều tình cảm của người nghe, nhất là những ai đang có người thân làm nhiệm vụ thiêng liêng giữa trùng khơi nắng gió.
Đó cũng là tâm sự của các sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM sau khi biểu diễn chương trình văn nghệ vào ngày lễ khai giảng năm học mới 11-10-2012. Không quá lạm dụng múa minh họa, các em đã biết dàn dựng một không gian thiêng liêng về biển đảo ngay giữa sân khấu đất liền. Bài hát đã làm cho mọi người như đang ngồi trên một con tàu hướng ra biển Đông. Nơi đó có những anh lính hải quân trẻ măng vì nghĩa vụ thiêng liêng mà ôm chặt tay súng trước hàng ngàn con sóng vỗ vào bờ đá san hô. Dù biết bao gian khó nhưng người chiến sĩ vẫn một lòng trung thành với Tổ quốc và không bao giờ nguôi tắt tinh thần lạc quan yêu đời. “Tiết mục văn nghệ hôm nay đã làm cho em hiểu hơn về cuộc sống người lính đảo và thấy mình có trách nhiệm hơn với nền độc lập tự do của đất nước”, Lê Quốc Mẫn – sinh viên Khoa Thủy sản tâm sự.
Thuộc thế hệ thanh niên trưởng thành trong khói lửa những năm kháng chiến chống Mỹ, cô Vũ Thúy Ba – giáo viên Trường THPT Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã mê những bài hát một thời nổi tiếng về biển như: Tình em biển cả của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, Biển hát chiều nay của nhạc sĩ Hồng Đăng, Chiều trên bến cảng của Hồ Bắc… Mỗi lần nhắc tới là cô Thúy Ba rất hào hứng: “Khi tôi nghe ca sĩ hát trên sóng phát thanh câu: “Đất nước quê hương lồng lộng gió bốn phương/  Những câu hát về hòn đảo xa hùng vĩ,/ Những năm tháng là bản hùng ca biển khơi dũng sĩ / Như ngọn hải đăng sáng chói chiến công” là thấy lòng mình phơi phới niềm vui và thấy quê hương, đất nước cứ dài rộng thêm”.
“Dù thời gian có trôi qua nhưng những bài ca về tình yêu Tổ quốc, trong đó có tình yêu biển đảo luôn có sức sống lâu bền và trở thành động lực, niềm tin cho các anh chiến sĩ ngoài đảo xa. Âm nhạc sẽ là cầu nối vững bền giữa những tâm hồn đồng điệu và mãi mãi giúp chúng ta sống đẹp và có ý nghĩa hơn”, sinh viên Lê Quốc Mẫn thổ lộ.
Phan Ngọc Quang

Bình luận (0)