Du lịch - Thể thaoThể thao Quốc tế

Tiếng khóc than của những bóng hồng sân cỏ

Tạp Chí Giáo Dục

Khi sự bình đẳng nam nữ đã được nhiều quốc gia công nhận, ngoại trừ một số lãnh thổ đặc thù, thì điều này gần như không có trong bóng đá.
Từ những đất nước còn mông muội cho đến những nơi được coi là trung tâm văn minh của thế giới, họ đều dành ánh mắt khinh miệt đối với những bóng hồng chơi bóng đá.
Khi quân đội phải đưa trực thăng đến sân để nhanh chóng giải tán một trận bóng đá thì theo bạn, nguyên nhân có thể là chuyện gì? Chẳng có gì trớ trêu cả. Đấy chẳng qua là một trận bóng đá nữ tại Afghanistan!
Gọi là trận đấu cho ra vẻ chứ thật ra thì đấy chỉ là một đội chia thành 2 phe để tập với nhau. Đó là ĐTQG Afghanistan – đội bóng đá nữ duy nhất tại đất nước này. Chế độ Taliban đã sụp đổ rồi, nhưng không vì thế mà phụ nữ Afghanistan được phép chơi bóng. Trên lý thuyết, họ không bị pháp luật cấm cản, và đấy là lý do duy nhất để đội tuyển nữ Afghanistan tồn tại. Còn trên thực tế, người ta lập tức giải tán buổi tập của ĐTQG, trớ trêu thay, vì chính sự an toàn của các cầu thủ. Phụ nữ muốn tập chơi bóng, phải kiếm một xó nào đấy khuất, chứ đâu thể tập chơi bóng ngay tại trung tâm thủ đô Kabul, trước mắt bàn dân thiên hạ! Dân chúng mà thấy phụ nữ chơi bóng thì hậu quả nhẹ nhất là bị dọa giết (“dọa” hãy còn là nhẹ)!
Ngoài sự đe dọa của xã hội, còn biết bao nhiêu rào cản khác: gia đình cấm cản, thiếu thốn sân bãi… Bây giờ, thủ quân Khalida Popal và đồng đội đã kiếm được nơi duy nhất có thể thông cảm, giúp họ tập luyện. Đấy là một trại lính của NATO ở Kabul. Họ mượn được một khoảnh đất có cỏ phía trong 4 bức tường cao, được cảnh giới nghiêm ngặt. Tất nhiên, họ phải giải tán khi những chiếc Black Hawks hạ hoặc cất cánh.
Vì sao các nữ cầu thủ không sợ gia đình tống cổ hoặc dân chúng giết chết? Khalida tâm sự: “Tôi chẳng còn gì để sợ nữa. Tôi đã tự tử vì bị cấm chơi bóng mà”
Chia tay Afghanistan, chúng ta hãy đến nước Anh, xem phụ nữ bị đối xử thế nào ngay tại quê hương bóng đá. Cách đây vài tháng, 2 BLV vào loại nổi tiếng nhất Premiership là Andy Gray và Richard Keys gây tranh cãi lớn khi cho rằng trọng tài nữ không thể điều khiển các trận bóng đá nam. Dĩ nhiên, Anh quốc phải khác Afghanistan, nên các BLV Gray và Keys đã bị đài Sky sa thải. Dù sao đi nữa, đấy không phải là những nhân vật bóng đá duy nhất ở Anh tỏ rõ quan điểm: Không thể công nhận bóng đá nữ, hoặc sự tham gia của nữ giới vào bóng đá. Cựu HLV Mike Newell của Luton Town đã bị phạt tiền vì chỉ trích một trọng tài nữ là quá dốt. Chuyên gia Ron Atkinson có câu bất hủ: “Chỗ của phụ nữ là nhà bếp, sàn nhẩy hoặc cửa hàng. Phụ nữ không nên xuất hiện trong môn bóng đá”. Xin nhắc lại: đấy là cái nhìn thực tế từ xã hội, từ giới bóng đá. Ai thấy Atkinson nói quá xúc phạm thì cứ mở luật ra xem ông ta vi phạm chỗ nào, sẽ phạt chỗ ấy. Còn ông ta vẫn cứ nói thế và sẵn lòng nộp phạt!
BLV Gray của đài Sky hỏi: “Phụ nữ liệu có hiểu luật việt vị?”. Rồi Gray lại tự trả lời: “Không”!    
Nếu như Anh quốc là quê hương bóng đá thì Brazil được gọi là đất nước của bóng đá. Không có quốc gia nào nổi tiếng hơn Brazil về bóng đá. Nhưng Brazil không phải là đất nước của bóng đá nữ. Tại đây, người ta chưa hề tổ chức giải vô địch bóng đá nữ quốc gia. Siêu sao bóng đá nữ Marta, và những cầu thủ nổi tiếng khác, phải đi khắp nơi – đến nước nào cũng được, trừ Brazil – để kiếm sống bằng nghề đá bóng, hoặc đơn giản là để thỏa niềm đam mê bóng đá.
Tất nhiên, cũng có nhiều đội bóng đá nữ ở Brazil, đa phần là một chi nhánh của một CLB nổi tiếng nào đó. Đội nữ Vasco da Gama chẳng hạn. Nhưng cầu thủ nữ tại Brazil phải chọn lựa. Nếu vẫn ở lại trong nước, họ sẽ không có cơ hội tranh chức VĐQG, không thể kiếm sống nhờ bóng đá, cũng không có nhiều cơ hội so tài với các đối thủ ở những nền bóng đá khác.
Nói về bóng đá Brazil, cứ phải nói đến huyền thoại Zico. Ông từng sang Nhật Bản, mở trường dạy bóng đá sau khi kết thúc sự nghiệp ở giải J.League, và trở thành khai quốc công thần của bóng đá Nhật, được xem là người đã đặt nền móng đầu tiên cho thành công lớn của bóng đá Nhật ngày nay.
Zico cũng mở trường dạy bóng đá tại Brazil, đào tạo bước đầu cho hàng trăm cầu thủ năng khiếu. Chỉ tính riêng các “lò” xung quanh Rio, Zico đã có khoảng 70 học trò là… nữ.
“Bọn trẻ rất mê bóng đá, kỹ thuật rất giỏi, tư duy chiến thuật xuất sắc, nhất là đối với các cô thông minh”, Zico bình luận. Nhưng ông không thể trả lời câu hỏi đơn giản: các cô học chơi bóng… để làm gì.   
Tất cả các cầu thủ nữ mà Zico đào tạo đều chấm dứt sự nghiệp ở độ tuổi 16-17. Không hợp đồng. Không có đội bóng. Không có giải đấu. Vậy những cầu thủ nữ mà Zico đào tạo rút cuộc sẽ kiếm sống bằng cách nào?
Hồi năm 1995, FIFA tổ chức giải World Cup nữ lần thứ 2. Xét về mức độ chú ý của công chúng, giải này đã có một bước tiến dài, phát triển hơn hẳn về mọi mặt so với lần giải đầu tiên vào năm 1991. Sepp Blatter khi ấy còn là TTK chứ chưa giữ chức chủ tịch FIFA. Ông phát biểu trong lễ tổng kết của kỳ World Cup nữ vang dội ấy: “Tương lai của bóng đá thuộc về nữ giới”! Báo chí giật tít to đùng. Giới chuyên môn nhảy vào phân tích: tình huống có thể ghi bàn xuất hiện trong bóng đá nữ nhiều hơn bóng đá nam. Đường nét uyển chuyển và sự hiếm hoi của những tình huống va chạm nẩy lửa làm cho hình ảnh của bóng đá nữ có vẻ đẹp hơn bóng đá nam, trong một khía cạnh nào đó.
Nhưng rồi, chính ngài Blatter khi đã là chủ tịch FIFA lại có câu bất hủ: “Bóng đá nữ nên cải thiện hình ảnh bằng cách sử dụng trang phục thi đấu sexy hơn để lôi kéo khán giả”! Hóa ra, Blatter cũng chỉ là người phàm, là người đàn ông đã có 3 đời vợ. Ông cũng phải nhìn bóng đá nữ bằng cặp mắt của một tu mi nam tử chứ!
Năm nay, World Cup bóng đá nữ lần thứ 6 sẽ được FIFA tổ chức tại Đức từ ngày 26/6 đến 17/7, gồm 16 đội. Người Đức nổi tiếng thế giới về tinh thần kỷ luật, sự chắc chắn, tính kiên trì và có tính hài hước thấp nhất thế giới (theo một cuộc thăm dò gần đây với quy mô rộng lớn). Người ta hỏi chủ tịch LĐBĐ Đức Theo Zwanziger BCH FIFA nói ngay: “Bóng đá nữ là môn thể thao đồng đội đang phát triển với mức độ nhanh nhất hiện nay”. Rồi ông cho biết thêm: “Năm 1989, đội vô địch nữ châu Âu được Villeroy & Boch thưởng ngay một chầu cà phê. Còn bây giờ, mỗi thành viên của đội vô địch World Cup nữ được thưởng 60.000 euro!”.
Theo Khương Duy
(Bongdaplus)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)