Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tiếng nói học sinh THPT: Chương trình nặng, hướng nghiệp thiếu chiều sâu

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

HS bày tỏ ý kiến tại buổi tọa đàm

Đến những phút cuối cùng của buổi tọa đàm, vẫn còn rất nhiều cánh tay HS giơ lên mong được bày tỏ những điều các em “trăn trở”. Thời lượng buổi gặp gỡ giữa HS với lãnh đạo Sở GD-ĐT hôm 27-3 không nhiều nhưng cũng đủ thấy được tính trách nhiệm của HS thành phố với việc học tập, tương lai và sự đi lên của nền giáo dục…
Học tập để phục vụ tổ quốc
Khoảng 2/3 HS có mặt tại hội trường ủng hộ và có nguyện vọng du học nước ngoài. Bởi theo các em, du học nước ngoài có nhiều điều kiện để các em lĩnh hội kiến thức mới, được thụ hưởng nền giáo dục hiện đại. Em Phan Thị Yến Nhi (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) ý kiến: “Việc HS du học nước ngoài mà có được học bổng toàn phần 100% lại càng thuận lợi khi họ không chỉ được lo chỗ ở miễn phí, không tốn học phí mà còn có tiền gửi về gia đình”. Nhưng các em còn nhìn nhận vào thực tế là nhiều du HS sau khi du học lại không trở về cống hiến cho tổ quốc mà ở lại nước ngoài làm việc. Các em mong chính sách mở cửa thu hút nhân tài của nhà nước ngày càng rộng mở hơn nữa. Em Phương Thảo (Trường THPT Phú Nhuận) so sánh: “Nhiều bạn trẻ Việt Nam sẵn sàng ra nước ngoài làm việc trong một môi trường năng động, lương cao, có điều kiện rất tốt để rèn giũa nâng cao tay nghề. Trong khi đó, chế độ ưu đãi với công nhân viên chức tại nước ta còn quá hạn chế, 3-4 năm lên lương một bậc; khác hẳn với các công ty nước ngoài, tăng lương theo năng lực”.
Liên quan đến vấn đề việc làm cho người học sau khi ra trường, có HS nhắc đến “mối lo” sau khi ra trường nhiều SV vẫn thất nghiệp hoặc phải chấp nhận làm công việc trái nghề. Liệu đây có phải là một sự lãng phí thời gian và công sức đào tạo của cả người dạy lẫn người học? Ông Huỳnh Công Minh (Giám đốc Sở GD-ĐT) cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên một phần do SV muốn bám trụ lại làm việc tại các thành phố lớn. Thật ra, những vùng miền sâu – xa vẫn rất khát nhân lực. Nếu SV chịu về đó cống hiến thì tình trạng thất nghiệp sẽ giảm thiểu đáng kể.
Cần được trau dồi kỹ năng
Đa số học sinh cho rằng chương trình đào tạo hiện nay còn quá nặng, trong khi thiếu hẳn phần trau dồi kỹ năng cho HS. Những kỹ năng như bơi lội, xử lý tình huống khi gặp cháy, bị lạc giữa rừng lúc đi cắm trại… là rất cần nhưng vẫn chưa được chú trọng trong chương trình đào tạo. Em Lê Hoàng Vũ Linh (Trường THPT Bình Chánh) nhận xét: “Chương trình học môn giáo dục công dân lớp 10 có những bài về triết học rất trừu tượng và khó hiểu với chúng em. Em nghĩ nên thay những bài này bằng phần nội dung giáo dục tình yêu con người, quê hương đất nước”… Em Nguyễn Trung Nhân (Trường THPT Nguyễn Khuyến) nhận định rằng cách đánh giá HS khá – giỏi hiện nay chưa hợp lý lắm khi tiêu chí đánh giá lại dựa nhiều vào điểm số (điểm trung bình HS qua các bài kiểm tra một tiết, 15 phút…). Yêu cầu của các bài kiểm tra này lại chủ yếu dừng lại ở những kiến thức liên quan đến bài học. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều học sinh học tập thụ động nhưng chỉ cần nắm đủ nội dung bài học là có thể đạt điểm. Từ đó, hạn chế khả năng tìm tòi, sáng tạo của học sinh…
Em Đỗ Ngọc Tân (Trường THPT Trần Hưng Đạo) nêu lên thực trạng một bộ phận HS có cách ứng xử chưa văn hóa trong các mối quan hệ với gia đình, bạn bè và xã hội như nói bậy, chửi thề, lớn tiếng nơi công cộng… Gần đây nhất vụ giới trẻ vô tư hái hết hoa trong lễ hội hoa tại Hà Nội cho thấy nhiều bạn trẻ chưa có sự chuẩn bị và chưa có thái độ ứng xử tốt với các sự kiện văn hóa tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Tân đồng thuận với ý kiến nên tăng cường các bài học về giao tiếp ứng xử như thế này vào môn giáo dục công dân. Em cũng đề nghị với môn địa lý thay vì chỉ học nội dung liên quan đến vị trí địa lý, kinh tế hay du lịch từng vùng thì nên tăng cường bổ sung những nét văn hóa đặc trưng của vùng đó. Như vậy nếu có những dịp giao lưu với người nước ngoài, HS có thể giới thiệu những nét đẹp văn hóa đó với bạn bè năm châu.  
HS các trường đều mong muốn chương trình hướng nghiệp nên được tổ chức ngày càng chất lượng và hướng đến chiều sâu nhiều hơn. Đặc biệt nên tổ chức hướng nghiệp cho HS sớm hơn, từ lớp 10-11 chứ không chỉ nhắm vào đối tượng HS 12 như hiện nay. Đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT trao đổi thêm về vấn đề này. Việc hướng nghiệp cho HS vẫn được duy trì tại các trường thông qua các hoạt động giảng dạy các bộ môn; tổ chức cho HS tham quan, cắm trại… giao lưu, trao đổi để hướng nghiệp. Tuy nhiên, công tác hướng nghiệp thời gian qua có trường thực hiện tốt, có trường chưa tạo được sự đậm nét. Phía lãnh đạo Sở tiếp nhận ý kiến HS và sẽ có sự xem xét lại trong thời gian tới.
Những tiếng nói của HS sau buổi tọa đàm này sẽ được tổng hợp và mang tới hội thảo khoa học “Trường phổ thông với công tác giáo dục thanh thiếu niên trong tình hình mới” dự kiến diễn ra vào tháng 3-2009.
MÊ TÂM

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)