Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tiếng than từ một làng biển

Tạp Chí Giáo Dục

Hằng ngày các chị phải dầm mưa dãi nắng để kiếm sống qua ngàyDưới cái nắng gay gắt vào đầu giờ chiều, em Lê Hồng Nhung, 15 tuổi vừa quệt mồ hôi đang lăn trên gò má, vừa nói: “Nghề đập hào này cực lắm, hai mẹ con em đập miệt mài từ 6 giờ sáng đến 3 giờ chiều mà cũng chỉ đủ sống qua ngày. Bao công sức mồ hôi đổ trên bãi biển, thậm chí đôi khi phải đổi cả mạng sống chỉ để kiếm miếng cơm, manh áo”. Chúng tôi liền theo chân những người đi đập hào từ sáng đến chiều tại bãi biển Công viên Cần Thạnh (Cần Giờ – TP.HCM), mới thấy được phần nào nỗi vất vả, truân chuyên mà những người sống bằng nghề này phải trải qua.

Đói no theo con nước

“Con phải để ý chứ, những con hào nhỏ để nó lớn mới đập, ngày sau nó lớn còn nuôi lại mình, phải tìm đúng miệng hào mà đập chứ đập vào phần thân và ruột hào vỡ nát thì không ai mua”. Tiếng của chị Nga đang dạy cho đứa cháu mới 13 tuổi của mình đang theo nghề hòa cùng tiếng sóng biển. Thấy chúng tôi tò mò, chị Nga hạ giọng: “Cả xóm người nào không đi cào nghêu thì đi đập hào, chúng tôi đập quanh năm suốt tháng, cứ chỗ nào có hào là chúng tôi tìm đến đập”. Ở xa xa nhiều nhóm phụ nữ vẫn cần mẫn đập hào theo tiếng sóng biển vỗ bờ. Chúng tôi làm quen với một nhóm phụ nữ trung niên từ miền Trung vào đây kiếm sống. Vén chiếc khẩu trang ướt đẫm mồ hôi chị Đỗ Thị Tươi kể trong tiếng thở dài: “Ngày trước, gia đình tôi có 6 người theo nghề này. Nhưng hiện nay chỉ còn ba mẹ con, ba đứa lớn chuyển sang nghề cào nghêu thuê ở bãi biển bên kia. Tui thấy tội cho tụi nhỏ lắm. Mấy đứa nhỏ nhà tui, đứa nào cũng lấy bờ biển làm nhà, lớn lên với biển. Thằng lớn nhà tui nó sống ở đây gần 21 năm rồi. Từ cái ngày nó lên 3 tuổi đã theo tôi ra đây đập hào, nên giờ nó giỏi nhất nhà, mỗi ngày nó kiếm được gần 100 ngàn đồng”. Còn gia đình của Nhung thì có 5 người nhưng đến 4 người làm nghề đập hào có thâm niên. Riêng mẹ của Nhung, chị Thanh tính đến nay đã hơn 20 năm làm nghề đập hào. Ngay cả đứa con nhỏ hiện đang học Trường Tiểu học Cần Thạnh cũng bắt đầu theo mẹ và chị ra bãi biển mưu sinh. Chị Thanh tâm sự: “Mỗi ngày hai mẹ con đập được khoảng 6-7 kg, giá mỗi ký hào hơn 20 ngàn đồng. Nhưng không phải ngày nào cũng “thắng” như thế vì phải phụ thuộc vào con nước, nước xuống vào ban ngày thì gia đình tôi mới có thu nhập. Còn những tháng nước xuống về đêm thì bữa đói bữa no. Nhiều lúc cũng tủi thân lắm nhưng cực chẳng đã mới theo nghề này”.

Ngày nào cũng vậy cứ con nước xuống là họ khăn gói ra biển đập hào. Mỗi người có một hoàn cảnh nhưng lại giống nhau vì tất cả đều nghèo. Để duy trì cuộc sống cho gia đình, họ đành trông chờ vào số tiền trời cho. Cứ giờ triều xuống là họ ra bãi hào “trực chiến” bất kể nắng mưa, sớm tối. “Tui cũng muốn đổi nghề lắm chứ nhưng ngặt nỗi không biết làm nghề gì và không trình độ, không vốn liếng. Trong khi đó nghề này chỉ cần bỏ sức ra “cày” là có thể kiếm gạo cho cả gia đình”, chị Thanh Hằng phân trần. Chính vì lý do đó mà nhiều gia đình trong xã Cần Thạnh cùng một số lao động từ các tỉnh khác tới bãi biển này mưu sinh. Họ cứ nối nhau từ thế hệ này qua thế hệ khác bám lấy nghề như gia đình của chị Tươi, em Nhung là một điển hình.

Mong manh phận đời

Nhung vừa nói, vừa kéo quần cho tôi xem “chiến tích” về những lần do sơ suất đã phải vào bệnh viện. Nhung kể: “Năm ngoái, một lần đang đập hào, do sơ ý em đã bị té đụng vào tảng đá bị hào cắt nhiều nhát phải vào bệnh viện khâu mấy mũi. Không những vậy, người theo nghề này còn bị mắc bệnh đau lưng, đau cột sống”. Vì miếng cơm manh áo nhiều người phải lặn lội thân cò ra bãi biển từ sáng sớm và đến khi con nước dâng lên ngập đá mới chịu quay về. Người theo nghề này dù mưa hay nắng họ vẫn không quan tâm. Họ chỉ biết miệt mài đập hào để có tiền trang trải cho gia đình ở ngày hôm sau. Chị Nguyễn Thị Tím, vừa chỉ cho tôi về “thành quả” một ngày của chị, vừa nói như độc thoại với chính mình: “Trời nắng dù oi bức nhưng còn đỡ hơn vào ngày trời mưa to, nước mưa xối vào mắt không còn thấy gì để đập. Rồi nhiều hôm trời giông tố ngồi chông chênh giữa những mỏm đá người như muốn bị gió cuốn ra biển”. Rồi chị lấy vạt áo lau những giọt nước mắt chảy dài trên má, kể cho tôi nghe về một chuyện đau thương vào mùa hè năm trước: “Đứa cháu tôi vừa học hết lớp 11 ở quê, nghỉ hè nên muốn theo dì và mẹ ra biển kiếm ít tiền để mua sách vở vào đầu năm học. Một lần giông tố cháu muốn ngồi lại đập thêm ít hào, nhưng do gió lớn cháu vừa đứng dậy tính quay về thì bị té, đập đầu vào đá qua đời”.

Chuyện mưu sinh bằng nghề đập hào đã là công việc vất vả đối với người lớn, còn đối với những đứa trẻ sớm theo nghề lại càng cực hơn. Nhiều em ra bãi biển mưu sinh khi tuổi đời chỉ 12-15 tuổi. Để có tiền phụ giúp gia đình các em đã phải đánh đổi ước mơ đến trường của mình. Em Phan Như Quang hiện đang là học sinh Trường Tiểu học Cần Thạnh nhưng cũng bắt đầu bén duyên với nghề đập hào từ mùa hè vừa qua. Còn Huỳnh Văn Sang thì đã nghỉ học được hai năm nay. “Ngày trước cha mẹ em bảo cố học giỏi kiếm cái chữ để ngày sau đỡ khổ. Thế nhưng hai năm trước cha em thiệt mạng sau một lần đi biển, em đành nghỉ học ra đây đập hào phụ mẹ nuôi hai em nhỏ”, Quang bần thần.

Chúng tôi rời làng biển Cần Giờ khi trời chiều đổ bóng, nhìn những phụ nữ, trẻ em vẫn lầm lũi bám biển mưu sinh mà lòng quá đỗi xót xa. Họ biết để dành những chú hào con lớn lên nuôi sống họ, nhưng tương lai của những đứa trẻ lại bị lãng quên trong sự tối tăm, dốt nát. Bao đời của những người làm nghề đập hào vẫn thế, xem ra khó có cuộc đổi đời cho những phận người ở làng biển này.

n Mạnh

Bình luận (0)