Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Tiếng thở dài của làng kịch Bắc

Tạp Chí Giáo Dục

Cuối cùng, kịch Bắc cũng cất được gánh nặng sáp nhập, mối lo khiến suốt tháng nay nghệ sĩ Nhà hát Tuổi Trẻ cầm đơn đi gõ mọi cửa để đấu tranh.
Giấc mơ về một nhà hát kịch quốc gia đồ sộ trở thành “nhiệm vụ bất khả thi” của riêng đạo diễn kiêm giám đốc hai nhà hát – NSND Lê Hùng. Mọi việc trở về như cũ, cũng có nghĩa trở về với đời sống lắt lay. NSƯT Anh Tú thở than: “Kịch bây giờ bán vé có ai xem đâu, ở ngoài Bắc người ta đang xa lánh kịch”. Thế nên mới có chuyện nghệ sĩ phản đối sáp nhập nhưng cũng e dè trước phương án xã hội hóa vì “chẳng thể tự nuôi mình”.
Nhưng khán giả cũng lại than: lâu lắm rồi chẳng có vở kịch nào hay để xem, chả lẽ cứ đến rạp cười nhạt với nhau rồi về? Cái khó bó luôn cái khôn, kịch Bắc xưa nay vẫn chạy vòng quanh nhà hát của mình và rất dễ tổn thương nếu bị so sánh với kịch Nam sôi động. “Họ là tư nhân, họ có khán giả, họ nuôi được nghệ sĩ”, ai cũng nói vậy, từ lãnh đạo nhà hát đến nghệ sĩ, nhưng nói đến xã hội hóa thì cũng chừng đó người lắc đầu. Bởi vậy nên mới có chuyện NSND Lê Hùng tuyên bố thẳng: Nhà hát Tuổi Trẻ nếu xã hội hóa không “sống” quá ba năm.
Kịch tính xảy ra khi Bộ VH-TT&DL có quyết định sáp nhập Nhà hát Kịch VN và Nhà hát Tuổi Trẻ. Một quyết định mà chính trong cuộc gặp gỡ với đông đảo nghệ sĩ ngày 8-5, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cũng phải nhận: cách làm chưa đầy đủ, chưa toàn diện và bộ quá tin NSND Lê Hùng. Nhưng có thật là trong việc này Bộ VH-TT&DL hoàn toàn vô can khi phê duyệt cho một đề án tầm cỡ nhưng lại được đánh giá là “thiếu trình độ, thiếu hiểu biết”? Kể cả lộ trình sáp nhập cũng diễn ra mơ hồ và thiếu dân chủ, khiến các nghệ sĩ đồng loạt phản ứng.
Kịch Bắc cần lối thoát – đó là chuyện ai cũng biết nhưng thoát thế nào, ai sẽ cầm lái con tàu ấy thì không ai trả lời được.
Sân khấu chỉ có chừng đó món, sao trách khán giả thở dài quay lưng. Những Rừng trúc, Vũ Như Tô… mà nhiều nghệ sĩ Nhà hát Tuổi Trẻ tự hào đã là chuyện của nhiều năm về trước. Thời buổi khó khăn, liệu có ai cất công ra đường, bỏ tiền đi xem những vở kịch nhạt màu, trong khi “độc, hay thì hiếm chứ nhạt thì nhan nhản trên kênh truyền hình”. Cũng không biết khi đã quen với những vở kịch theo lối mòn, những tiểu phẩm hài định kỳ ra mắt, các nghệ sĩ còn đủ lực theo đuổi những dự án mới mẻ và dài hơi hay không?
Theo TTO

Bình luận (0)