Đó là khẳng định của PGS.TS Đỗ Ngọc Thống (Chủ biên Chương trình tiếng Việt và ngữ văn 2018) tại Hội thảo khoa học “Người giáo viên phổ thông với sứ mệnh làm tiếng Việt trong sáng hơn” do Hệ thống Trường EMASI Việt Nam và Trường ĐH Sư phạm TP.HCM phối hợp tổ chức mới đây.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống (Chủ biên Chương trình tiếng Việt và ngữ văn 2018) phát biểu tại hội thảo
Theo ông Thống, tiếng Việt đang bị mất trong sáng rất nhiều, lỗi tràn lan trên các phương tiện truyền thông đại chúng (báo giấy, báo điện tử…). Còn trong trường học, học sinh không chỉ nói sai mà còn viết sai chính tả, ngữ pháp… Thậm chí nhiều em sử dụng tiếng mẹ đẻ rất ngu ngơ, làm vẩn đục sự trong sáng của tiếng Việt. “Từ thực tiễn nhà trường cho thấy, kết quả dạy viết còn rất nhiều hạn chế, rất đáng suy nghĩ, nếu không muốn nói là từ lâu đã đến mức báo động”, ông Thống tâm tư. Nói về hậu quả của tình trạng này, ông Thống lo lắng: Không chỉ là tiếng Việt đang bị hỏng mà còn ảnh hưởng đến nhân cách, tư tưởng, đạo đức, lối sống của học sinh. Bởi ngôn ngữ rất quan trọng đối với con người…
Để tiếng Việt lấy lại sự trong sáng vốn có, ông Thống nhấn mạnh: “Nói và nghe thể hiện văn hóa, đạo đức, nhân cách của chủ thể phát ngôn. Do vậy cũng phải học, phải rèn luyện. Qua học nói và nghe, giáo viên không chỉ giúp học sinh rèn luyện kỹ năng, năng lực trình bày và tiếp nhận bằng lời mà còn giáo dục thái độ, nhân cách của các em. Yêu cầu nói và nghe thể hiện trên 2 bình diện: nội dung, kỹ thuật nói – nghe và thái độ nghe – nói. Nói gì, nói như thế nào đều liên quan đến giáo dục đạo đức và nhân cách học sinh. Trước một vấn đề, một hiện tượng trong cuộc sống, xã hội hay văn học nghệ thuật, học sinh biết xác định các nội dung nói sao cho phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh; biết chia sẻ, trao đổi những cảm xúc, thái độ, suy nghĩ của mình đối với những vấn đề được nói đến. Dạy cho học sinh các nghi thức lời nói, biết xưng hô, chào hỏi một cách lễ phép; biết nhường lời người đối thoại… Cũng như nói, dạy học sinh biết chăm chú lắng nghe người khác, hướng về phía người nói, có thái độ, cử chỉ đồng tình ủng hộ người nói; biết đặt câu hỏi một cách nhã nhặn, lịch sự; biết tranh luận, trao đổi một cách có văn hóa… Tất cả các yêu cầu trên đều góp phần giáo dục đạo đức, nhân cách học sinh”.
Ở Chương trình tiếng Việt và ngữ văn 2018, với tư cách là chủ biên, ông Thống khẳng định: Chương trình ra đời với mục tiêu và những kỳ vọng mới. Cái đích cuối cùng của việc học ngữ văn là học sinh biết sử dụng tiếng Việt một cách hiệu quả, từ việc sử dụng ngôn ngữ tự nhiên qua giao tiếp hàng ngày đến đọc, viết, nói và nghe các văn bản thông thường. Không những thế, các em còn có năng lực tiếp nhận, giải mã cái hay, cái đẹp của văn bản văn học, thể hiện chủ yếu ở việc biết đọc hiểu ngôn ngữ từ nghệ thuật của các văn bản văn học; nhận thức, lý giải, nhận xét và đánh giá những đặc sắc về hình thức văn bản văn học. Từ đó biết tiếp nhận đúng và sáng tạo các thông điệp nội dung. Học sinh có năng lực văn học còn thể hiện ở khả năng tạo lập, biết cách biểu đạt (viết và nói) kết quả cảm nhận, hiểu và lý giải giá trị thẩm mỹ của văn học; bước đầu có thể tạo ra các tác phẩm văn học.
Tại hội thảo “Người giáo viên phổ thông với sứ mệnh làm tiếng Việt trong sáng hơn”, TS. Huỳnh Thị Hồng Hạnh (Trưởng khoa Ngôn ngữ học Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM) nhìn nhận: Truyền thống văn hóa của một dân tộc tồn tại nhờ giáo dục. Văn hóa thực hiện chức năng giáo dục không chỉ bằng các giá trị đã ổn định (truyền thống) mà còn bằng cả những giá trị đang hình thành. Hai loại giá trị này tạo thành một hệ thống chuẩn mực mà con người hướng tới. Nhờ đó mà văn hóa đóng vai trò quyết định trong việc hình thành nhân cách con người. Tích hợp giáo dục nhận thức văn hóa, bồi đắp tình yêu đối với tiếng Việt cho học sinh trong các giờ dạy tiếng Việt ở nhà trường là trách nhiệm không chỉ của riêng giáo viên mà còn của cả hệ thống giáo dục quốc gia. |
Giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh trong môn ngữ văn hiệu quả nhất chính là dạy đọc, viết, nói và nghe một cách đúng hướng. Nói cách khác, giáo viên cứ dạy văn cho đúng là giờ văn, theo đúng các yêu cầu đổi mới, tạo được hứng thú cho học sinh thì đã góp phần giáo dục đạo đức, hoàn thiện nhân cách cho các em. Giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh thông qua việc giúp các em hiểu cái hay, cái đẹp hàm chứa trong tác phẩm văn học; tiếp đến là giúp học sinh tạo ra cái hay cái đẹp trong khi đọc, viết, nói và nghe. Cao hơn nữa là các em biết biến cái hay, cái đẹp trong tác phẩm thành lẽ sống, niềm tin, tình cảm, tư tưởng, và nhất là thể hiện ra thành hành động trong mỗi hành vi, cử chỉ, các ứng xử hàng ngày. Đó chính là bằng chứng về giáo dục nhân cách qua môn ngữ văn đạt hiệu quả cao nhất.
“Những yêu cầu và định hướng về đọc, viết, nói và nghe đã thể hiện rất rõ ràng, cụ thể trong chương trình môn ngữ văn 2018. Chúng tôi coi đây như là các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục học sinh cả về năng lực giao tiếp và phẩm chất, nhân cách. Đó cũng là những kỳ vọng vào việc tạo ra một lớp công chúng có văn hóa. Tất nhiên chất lượng và hiệu quả còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác mà trước hết là năng lực của đội ngũ giáo viên dạy ngữ văn trong toàn quốc. Không có họ, dù chương trình và sách ngữ văn có hay đến mấy cũng không tạo ra được chất lượng thực sự”, ông Thống nói.
Bài, ảnh: Kim Anh
Bình luận (0)