Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tiếng Việt – hai tiếng tự hào

Tạp Chí Giáo Dục

Ngôn ngữ là cầu nối giao tiếp của con người với nhau, là kết tinh của nền văn hóa mang bản sắc của từng dân tộc, của mỗi vùng miền. Những lời ru ầu ơ đã vỗ về giấc ngủ khi ta mới lọt lòng qua từng nhịp đưa nôi. Một câu hát quan họ, một điệu lý hay một câu vọng cổ cũng làm lòng người náo nức. Đất nước ta trải qua những giai đoạn lịch sử thăng trầm với ý đồ xâm lấn của ngoại bang, nhưng dân tộc ta vẫn luôn ý thức bảo vệ độc lập chủ quyền, bảo tồn bản sắc văn hóa đã hình thành và phát triển để tạo nên chữ viết cho người Việt Nam. Một điều thú vị là tiếng Việt sử dụng dấu thanh cho 5 thanh điệu, được các nhà truyền giáo phương Tây sáng tạo thành các dấu “sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng” càng làm cho tiếng Việt phong phú. Chỉ cần thay đổi các thanh âm đã tạo ra những từ có ngữ nghĩa khác nhau. Bởi vậy mới có câu đúc kết: “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” để chỉ sự phong phú của tiếng Việt.

Tại chuyên đề “Tiếng Việt trong đời sống hiện nay” do Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) tổ chức mới đây, TS. Huỳnh Thị Hồng Hạnh (Trưởng bộ môn ngôn ngữ học Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM) đưa ra một trò chơi viết đúng chính tả những từ quen thuộc mà các thầy cô giáo vẫn thường sử dụng. Ấy vậy, thật không đơn giản để viết đúng khi ta chưa hiểu hết ý nghĩa và nguồn gốc của từ đó, cũng như cách phát âm của mỗi vùng miền là khác nhau. Viết đúng, viết sai không phải là mục đích của trò chơi, nhưng qua đó để thấy được rằng ông bà ta ngày xưa rất tinh tế, cẩn trọng trong ngôn từ, mang cái đẹp của tiếng mẹ đẻ vào từng câu ca dao, đi vào những áng văn chương bất hủ mà ở đó tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du được vinh danh và công nhận là một tài sản văn học chung của thế giới, được dịch ra hàng chục thứ tiếng khác nhau. TS. Hồng Hạnh chia sẻ những mẩu chuyện vui khi mà người ta dễ nhầm lẫn hoặc không biết đến các sự kiện hay những nhân vật lịch sử của đất nước cũng là điều đáng để chúng ta suy ngẫm. Câu chuyện kể về GS. Trần Văn Khê đã làm cho một cựu Đề đốc thủy sư người Pháp phải sửng sốt và khâm phục trước học thức uyên thâm và tấm lòng yêu quê hương đất nước, một ý chí tự hào dân tộc, là tấm gương cho giới trẻ Việt Nam noi theo. Dù hội nhập với quốc tế, đang sử dụng ngôn ngữ nước ngoài để học tập và giao tiếp thì chúng ta cũng không được phép quên cội nguồn của mình. Chúng ta có thể quên cách cầm đũa để ăn nhưng không thể quên tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ của mình. Đó là giá trị văn hóa, là giá trị đạo đức và là hơi thở mà chúng ta vẫn đang sử dụng hàng ngày.

Lâm Vũ Công Chính
(giáo viên Trưng THPT Nguyn Du, TP.HCM)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)