Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

“Tiếp bước đến trường thi 2011”: Đến với tỉnh Bình Dương

Tạp Chí Giáo Dục

 

Đúng 15 giờ chiều nay 28-2, Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương chính thức khởi động chương trình tư vấn tuyển sinh ĐH-CĐ 2011 “Tiếp bước đến trường thi”. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên đài phát thanh và truyền hình tỉnh Bình Dương.

Thầy Nguyễn Quốc Cường – Chuyên viên Tư vấn tuyển sinh, Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, tư vấn tại chương trình.

Ngay từ 14 giờ, gần 1.000 học sinh đến từ các trường THPT trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã tập trung về tại Trường Đại học Bình Dương (504 Đại lộ Bình Dương, TX Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) háo hức chờ đợi được tư vấn.Ban tư vấn của chương trình có thầy Nguyễn Quốc Cường – chuyên viên tư vấn tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM và các chuyên gia đến từ các trường ĐH KHXH&NV, ĐH Sài Gòn, ĐH Hoa Sen, ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Công nghiệp, ĐH Tài chính – Marketing, ĐH Bình Dương, ĐH Hùng Vương, CĐ Quốc tế Kent, CĐ Phú Lâm, CĐ Kinh tế Công nghệ TPHCM, CĐ nghề Việt Mỹ,…
15 giờ, chương trình được bắt đầu. Đại diện ban tổ chức, ông Trần Phúc Hậu – Thư ký Tòa soạn báo Giáo dục Online TP.HCM, cho biết: “Chương trình tư vấn tuyển sinh nhằm góp phần cung cấp cho các em học sinh, các bậc phụ huynh những thông tin mới nhất về kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2011, giúp cho các em có thể định hướng chọn ngành, chọn trường phù hợp với sức học, sở thích. Thay mặt ban tổ chức, xin cảm ơn đài PT-TH, Sở GD-ĐT địa phương, các thầy cô trong ban tư vấn đã hỗ trợ, đồng hành cùng báo Giáo dục TP.HCM trong chương trình tiếp bước trường thi 2011”.
HS tham gia tư vấn tại chương trình
Thầy Nguyễn Quốc Cường – chuyên viên tư vấn tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, cho biết kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2011 Bộ GD-ĐT tiếp tục thực hiện thi 3 chung. Tuy không có gì mới nhưng với học sinh thi lần đầu (70%), nên nhớ 3 chung là thi chung đợt (3 đợt), dùng chung đề và sử dụng chung kết quả để xét tuyển. Đề thi do Cục khảo thí Bộ GD-ĐT ra, cấu trúc đề thi đã được công bố trên mạng, học sinh căn cứ vào đó để ôn tập.
Thí sinh trúng nguyện vọng 1 không được đăng ký xét tuyển NV 2, 3; chỉ thí sinh không trúng NV 1 mới xét tuyển NV 2, 3.
Ngay sau khi MC Anh Bình giới thiệu thành phần ban tư vấn, nhiều học sinh đã mạnh dạn đưa tay đặt câu hỏi.
– Một học sinh trường THPT Dĩ An "mở hàng" ngay bằng câu hỏi cho thầy Nguyễn Quốc Cường: “Khi đăng ký vào các trường ĐH có tổ chức thi thì địa điểm sẽ thi ở đâu? Nếu không đậu NV1 thì xét NV2 năm nay có khác so với năm 2010 hay không?
Thầy Nguyễn Quốc Cường: Trong giấy báo thi do trường ĐH gửi về em sẽ thông báo cho em địa chỉ tổ chức thi tuyển sinh của trường, do đó em không phải lo lắng về vấn đề này. Riêng việc xét tuyển NV, nếu em đạt đủ điểm sàn theo quy định của Bộ GD-ĐT nhưng không đậu NV1 thì sẽ được Trường cấp phiếu điểm để em xét tuyển NV2 giống như năm 2010.
Một HS trường THPT Nguyễn Huệ hỏi, trường ĐH Sài Gòn ngành nào đóng học phí? Ngành nào không? Ngành Kinh tế Gia đình có phải học xong sẽ về quản lý kinh tế của gia đình mình hay không?
ĐH Sài Gòn: Tất cả các ngành thuộc khối sư phạm của ĐH Sài Gòn đều không phải đóng học phí. Riêng các chuyên ngành khác như: Công nghệ Thông tin, Kế toán, Quản trị Kinh doanh… thì vẫn phải đóng học phí theo cơ chế tín chỉ quy định của Bộ GD-ĐT.
Riêng với chuyên ngành Kinh tế Gia đình, Trường ĐH Sài Gòn sẽ đào tạo hệ cao đẳng với các môn học như cắt may, nấu ăn, làm bánh, cắm hoa … Sau khi tốt nghiệp có thể mở các tiệm bánh gia đình, đi dạy môn nữ công gia chánh hoặc mở các lớp dạy cắm hoa…
– HS Trần Thị Thúy Vy, Trường THPT Hùng Vương, hỏi: Ngành Công tác Xã hội của Trường ĐH KHXH&NV đào tạo về lĩnh vực gì? Sau khi ra trường có thể làm việc ở đâu?
ĐH KHXH&NV: Ngành công tác xã hội là ngành làm những công việc giúp đỡ những nhóm người yếu thế trong xã hội. Những nhóm người không được như những nhóm người khác, đó là: những người già không có khả năng nuôi sống bản thân, những người tàn tật gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và làm việc, những trẻ em mồ côi lang thang cơ nhở, những người nghèo không có khả năng cho con đi học, không có cơ hội về vốn để làm ăn… Sau khi tốt nghiệp, các em có thể làm việc cho một số các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế trên các lĩnh vực an sinh xã hội, các cơ quan nhà nước, các tổ chức làm công tác xã hội, mặt trận tổ quốc, chữ thập đỏ, dân số – gia đình – trẻ em, lao động – thương binh – xã hội, văn hóa – thông tin, khoa học công nghệ – môi trường, pháp lý, xóa đói giảm nghèo – phát triển nông thôn, phụ nữ, thanh niên…Ngoài ra, các em còn có thể làm việc trong các công trình nghiên cứu xã hội, quy hoạch đô thị, cải tiến dân sinh, chương trình tài trợ, bảo vệ môi trường, hợp tác quốc tế và phát triển xã hội, phát triển cộng đồng của các tổ chức chính phủ và các tổ chức phi chính phủ, giảng dạy tại các trường Đại học, các địa phương, cán bộ nghiên cứu…
Học sinh tham gia tìm hiểu về ngành nghề tại chương trình
HS Trường THPT Hùynh Văn Nghệ hỏi Ngành QTKD của trường Kent có những hệ đào tạo nào?
CĐ Quốc tế Kent: Chương trình QTKD có hai hệ đào tạo bằng tiếng Việt, Anh. Với chương trình tiếng Việt, học sinh tốt nghiệp THPT, với chương trình tiếng Anh thì có yêu cầu thêm trình độ tiếng Anh. Mức học phí 2.000-4000 USD/khóa. Sau khi học xong SV có thể đi du học ở nơi có tiếng Anh la ngôn ngữ chính.
Ngành quản lý khách sạn của ĐH Hoa Sen, sau khi em hoàn thành và muốn học thêm ở Thụy Sĩ trường có hỗ trợ?
ĐH Hoa Sen: Trường này có tổ chức học bằng tiếng Anh từ năm 3 nếu các em đăng ký. Trường có trách nhiệm hỗ trợ cho sinh viên khi đi du học nước ngoài.
– Một HS Trường THPT Lê Lợi hỏi, Trường ĐH Sài Gòn có đào tạo ngành nghiên cứu văn hóa Việt Nam, chỉ tiêu năm 2011 là bao nhiêu?
ĐH Sài Gòn: Trường có ngành Việt Nam học, học kiến thức văn hóa và du lịch, chỉ tiêu 2011 là 100.
Một HS trường THPT Pétrus Ký hỏi, ĐH Công nghiệp TP.HCM có mức học phí ra sao? Ngành Thực phẩm của Trường có phải là thi khối A và V hay không?Hiện tại nguồn nhân lực kỹ thuật đang rất thiếu, liệu một vài năm nữa ngành này có bão hòa hay không?
ĐH Công nghiệp: ĐH Công nghiệp thu học phí theo quy chế tín chỉ của Bộ GD-ĐT. Ngành Thực phẩm của ĐH Công Nghiệp thi khối A và V. Tuy tuyển sinh ở cả hai khối nhưng khi trúng tuyển, SV sẽ học chung một chương trình đào tạo. Hiện tại nguồn nhân lực kỹ thuật có trình độ chuyên môn tốt đang thiếu rất nhiều, do đó nguồn nhân lực khối ngành kỹ thuật đang là điểm nóng và sẽ rất cần trong những năm tiếp theo, do vậy các em đừng lo vấn đề bão hòa ở ngành này.
Báo Giáo dục TP.HCM xin cảm ơn các đơn vị tài trợ: Nước khoáng Thạch Bích, ĐH Công nghiệp TP.HCM, đã đồng hành xuyên suốt chương trình "Tiếp bước trường thi 2011"
– Học sinh Thúy An, Trường THPT Dĩ An hỏi: Học ở trường CĐ Phú Lâm có thể liên thông, học phí, trường có ký túc xá?
CĐ Phú Lâm: Ngành kinh tế, sau khi SV học xong CĐ có thể liên thông lên ĐH tại ĐH Sài Gòn. Ký túc xá có giới hạn nên chỉ ưu tiên cho học sinh gia đình chính sách. Học phí theo quy định của Bộ GD-ĐT.
HS Lê Thị Giang, THPT Dĩ An, hỏi: Khi học xong 1 trường ĐH thì việc học tiếp văn bằng 2 sẽ học tiếp tại trường mới học xong hay có thể học ở trường khác? Thời gian học là bao lâu?
Thầy Nguyễn Quốc Cường: Bạn hoàn toàn có thể đăng ký văn bằng 2 ở trường em vừa tốt nghiệp hoặc trường khác. Lưu ý, khi em chọn trường khác thì phải thi những môn cơ sở do trường đó quy định. Thời gian học kéo dài từ 2 đến 2,5 năm tùy theo ngành, trường.
Sau gần 3 giờ đồng hồ tổ chức, chương trình đã nhận được hàng trăm câu hỏi của học sinh tại hội trường và qua số điện thoại đường dây nóng của chương trình. Tuy nhiên, do thời gian có hạn nên ban tư vấn chỉ có thể giải đáp những câu hỏi được nhiều học sinh đề cập. Những câu hỏi khác chưa được trả lời trong buổi tư vấn hôm nay sẽ được chúng tôi trả lời trên Báo Giáo dục điện tử tại địa chỉ: www.giaoduc.edu.vn Mời quý vị phụ huynh và học sinh đón xem.
Nhóm PV Giáo dục 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)