Từ ngày 09 đến ngày 17/3, báo Giáo Dục TP.HCM đã tổ chức Chương trình tư vấn tuyển sinh năm 2010 với chủ đề “Tiếp bước trường thi”. Đồng hành cùng báo Giáo Dục tham gia tư vấn xuyên suốt 8 tỉnh khu vực ĐBSCL là các chuyên viên tuyển sinh đến từ 30 trường ĐH, CĐ, TC khu vực TP.HCM và các tỉnh thành lân cận…
Th.S Trần Minh Đức giải đáp thắc mắc về quy chế tuyển sinh của các em học sinh tại tỉnh Bến Tre |
Tại mỗi điểm đến của chương trình, không khí thực sự nóng bỏng khi hàng ngàn chỗ ngồi đã được các em HS chiếm hữu từ trước đó hàng giờ. Nhiều em HS còn chu đáo chuẩn bị tập ghi chép, thảo những câu hỏi thắc mắc sẵn để chờ các chuyên gia tuyển sinh giải đáp. Trước ngã rẽ cuộc đời, các em thật sự cần những lời khuyên bổ ích trong việc chọn ngành, chọn trường… sao cho phù hợp với năng lực cũng như sở thích của mình.
Nhiều HS vẫn chưa nắm rõ quy chế tuyển sinh
“Mặc dù rất muốn được trực tiếp tham gia buổi tư vấn, thế nhưng vì sức chứa của mỗi địa điểm mà báo Giáo Dục tổ chức có hạn, thế nên nhiều trường THPT trong tỉnh đành phải cử đại diện mỗi lớp chừng chục em tham gia, còn các em HS khác thì tham gia tư vấn qua truyền hình…” Thầy Đại Hùng, một GV tham gia dẫn các em HS trường mình đến nghe tư vấn, chia sẻ. Mặc dù vậy, nhiều em HS vẫn “lén” thầy cô để tự mình đạp xe hàng chục cây số. Khoảng cách địa lý xa xôi không còn là trở ngại với nhiều bạn vùng sâu, vùng xa. Có lẽ nhu cầu khám phá sở thích bản thân, cần định hướng lựa chọn nghề nghiệp một cách đúng đắn đã kéo ngắn khoảng cách… Địa điểm tư vấn như càng nhỏ lại bởi âm thanh rộn rã, phấn khởi của hàng ngàn học sinh.
Ông Trần Ngọc An – Phó ban tổ chức trao tặng Cẩm nang cho đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Long |
Nhìn anh Nguyễn Anh Tuấn (Trà Vinh), ghi chép chăm chú, các thầy trong ban tuyển sinh cứ ngỡ đó là thầy cô của trường THPT nào đó trên địa bàn tỉnh đang ghi chép tư liệu mang về cho trường. Hỏi ra mới biết, nhà anh cách xa điểm tư vấn gần 30 cây số, thế nhưng anh vẫn chạy xe đến để tìm hiểu thông tin cho con gái mình. Anh cho biết: “Con tôi đã nghe thông tin tư vấn này của báo cách đây đã mấy hôm trên truyền hình, thế mà sáng nay chuẩn bị đi thì cháu lại bị sốt. Thế nên cháu cứ nằng nặc kêu cha lên để nghe và ghi lại. Lâu nay không cầm bút giờ cầm cũng thấy khó.…”. |
Làm thế nào để dung hòa giữa sở thích và nhu cầu lao động của xã hội là mối quan tâm của hầu hết các em học sinh đang ngấp nghé trước sự lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Sau những giây phút ngại ngùng, e dè, không khí những buổi tư vấn trở nên sôi động khi nhiều cánh tay giơ lên, những câu hỏi xoay quanh ngành nghề, điều kiện tuyển sinh liên tục được đặt đến đại diện của các trường. Không chỉ dừng lại ở mối quan tâm chọn ngành trong trường đại học, nhiều câu hỏi còn đề cập đến tương quan nhu cầu xã hội về lao động cho từng ngành nghề với tình hình suy giảm kinh tế hiện tại. Đặc biệt, nhiều em HS còn thắc mắc rất nhiều về quy chế thi tuyển sinh, nguyện vọng… để giải đáp những thắc mắc này thay mặt ban tư vấn, chuyên viên tư vấn tuyển sinh – Th.S Trần Minh Đức đã chia sẻ cặn kẽ cho các em HS những quy chế, những đổi mới trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay.
Tháng 3, trời nắng chói chang, cả thầy và trò đều thấm mệt sau những câu hỏi “hóc búa”; mặc dù vã mồ hôi bởi cái nắng thế nhưng các em vẫn kiên trì chờ nghe lời giải đáp cho những thắc mắc của mình. Nhiều em chạy nắng vào cầu thang, hành lang nhưng vẫn chăm chú theo dõi để nghe kỹ tư vấn cách chọn lựa ngành cho kỳ thi đại học sắp tới.
Phải cân nhắc kỹ trước khi chọn nghề, chọn trường
Trước ngã rẽ vào đời, nhiều em HS không khỏi băn khoăn trong việc lựa chọn nghề nào, trường nào cho phù hợp với sở thích, năng lực cũng như khả năng tài chính của mình. Thế nhưng, vẫn có nhiều em HS thích chạy theo sở thích cảm tính, thời thượng hay theo “mốt” bạn bè mà không cần quan tâm đến khả năng học lực của mình, hoặc thậm chí không biết nghề đó làm gì? Nắm bắt tâm lý này, tại mỗi điểm đến tư vấn, cô Thanh – Hiệu trưởng Trường TC Tin học Kinh tế Sài Gòn, đều dành chút thời gian tư vấn cho các em lựa chọn ngành nghề phù hợp nhằm giảm được việc chọn trường theo tâm lý, xu hướng chung, không lãng phí tiền của, công sức người học. Cô tâm sự: “Các em lựa chọn nghề cho tương lai mà chỉ thấy vẻ lấp lánh, sang trọng bề ngoài mà không lường trước sự vất vả, nhọc nhằn, thậm chất vị đắng của “nghề”. Như thế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tương lai sau này của chính các em”.
Trao đổi với chúng tôi về ngành nghề mà mình chọn lựa, nhiều em HS cho biết thường tiếp cận thông tin về ngành nghề thông qua báo, đài, internet và sự hướng dẫn của các thầy cô, tuy vậy, các em chỉ hiểu được phần nào, các em cũng chỉ biết được “sơ sơ” thông tin về ngành nghề chứ chưa thực sự hiểu được căn bản. Trao đổi về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh, cho biết: “Nhu cầu được tư vấn hướng nghiệp của các em không phải lúc nào cũng được đáp ứng. Nhiều trường quan tâm đến phần trăm tỉ lệ đậu tốt nghiệp, ĐH hơn là có bao nhiêu HS của mình chọn đúng ngành nghề phù hợp với năng lực, nhu cầu xã hội, bao nhiêu HS ra trường có việc làm…”. Thế nên, các em cần phải được hướng nghiệp từ lớp 10 để HS có nhiều thời gian tìm hiểu sâu nghề nghiệp sau này của các em. Nếu được cọ xát thực tế, cảm thấy không thích hợp với ngành nghề mình thích, các em sẽ kịp thời điều chỉnh…
Một vài số liệu của chương trình “Tiếp bước trường thi” 2010
– Thu hút 14.000 học sinh tham dự trực tiếp chương trình
– Trao tặng 140 suất học bổng cho hàng trăm học sinh vượt khó tại các địa điểm tư vấn
– Trao tặng 3.000 cuốn Cẩm nang Tư vấn Hướng nghiệp – Tuyển sinh ĐH-CĐ-TCCN 2010
– 30 trường ĐH-CĐ-TC tham gia chương trình
|
Q.HẢI (thực hiện)
Bình luận (0)