Ngày 8/3, báo Giáo Dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh ĐH-CĐ 2011 “Tiếp bước đến trường thi”. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh BTV – Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Bình Thuận.
>> “Tiếp bước trường thi 2011”: Hàng chục ngàn thí sinh miền đất võ được tư vấn
Ông Nguyễn Quốc Cường – chuyên viên tư vấn tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, tư vấn tại chương trình "Tiếp bước trường thi"
Hàng chục ngàn học sinh lớp 12 của các trường THPT trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã được tư vấn và giải đáp các thông tin liên quan đến mùa tuyển sinh 2011, cách chọn ngành nghề phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân. Ban tư vấn của chương trình có thầy Nguyễn Quốc Cường – chuyên viên tư vấn tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM và các chuyên gia đến từ các trường: ĐH Công nghiệp, ĐH Sài Gòn, ĐH Hoa Sen, ĐH Tài chính – Marketing, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Bình Dương, CĐ Nguyễn Tất Thành, CĐ Quốc tế Kent, CĐ Phú Lâm, CĐ GTVT TP.HCM, CĐ Kinh tế Công nghệ TPHCM,…
Mở đầu chương trình, thầy Nguyễn Quốc Cường – chuyên viên tư vấn tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM đã nêu một số thông tin bổ ích, những điểm mới trong kỳ thi tuyển sinh ĐH- CĐ sắp tới như về cơ bản, vẫn tổ chức kỳ thi theo hướng 3 chung. Tuy nhiên, theo thầy Cường, năm nay cũng có những điểm mới gồm: mở rộng tuyển sinh đối với những học sinh khuyết tật. Bộ GD-ĐT sẽ giao cho các trường tự kiểm tra và xét tuyển đối với những thí sinh này theo nguyện vọng và năng lực mỗi em. Đối với học sinh là người nước ngoài, học sinh là Việt kiều, cũng giao cho các trường kiểm tra năng lực trình độ tiếng Việt để xét tuyển vào học.
Ngoài ra, để tránh tình trạng thí sinh hoang mang khi cùng lúc nhận được nhiều giấy báo tuyển sinh, năm nay, Bộ GD-ĐT bổ sung chế tài đối với người làm công tác tuyển sinh, cụ thể: Sẽ xử lý những người làm công tác tuyển sinh khi gửi giấy báo cho những thí sinh không tham gia xét tuyển tại trường. Với những thí sinh làm hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 (NV2) nộp cho nhà trường. Trường đó phải có trách nhiệm cập nhật website hàng ngày để thông báo về số lượng hồ sơ các thí sinh đã nộp. Nếu thí sinh cảm thấy áp lực với ngành xét tuyển thì được quyền rút hồ sơ. Thí sinh sẽ nộp hồ sơ xét tuyển thông qua đường bưu điện, hoặc đến trực tiếp tại trường.
HS tham gia đặt câu hỏi tư vấn trực tiếp tại chương trình
Báo Giáo dục TP.HCM xin trích dẫn một vài câu hỏi tại buổi tư vấn.
-Một HS trường THPT Phan Bội Châu , đặt câu hỏi : “Em nghe nói năm nay có nhiều trường áp dụng nguyện vọng 1B, thầy có thể giải thích?”. Thầy Nguyễn Quốc Cường, khẳng định: “Cho đến nay, Bộ GD&ĐT không công nhận NV 1B, vì vậy ĐH Quốc Gia TP.HCM sẽ không được áp dụng NV 1B như mùa tuyển sinh năm trước”.
Ngay sau những thông tin cơ bản mà Nguyễn Quốc Cường cung cấp, bạn Bùi Xuân Tình – Trường THPT Bùi Thị Xuân, làm sôi động hội trường với câu hỏi: “Học ngành tài chính – ngân hàng ra trường sẽ làm gì và các trường có hỗ trợ tìm việc cho SV khi ra trường không?”. Đại diện Trường ĐH Hoa Sen, cho biết: SV ngành tài chính – ngân hàng sau khi tốt nghiệp, đi làm sẽ trở thành những chuyên viên tài chính, giúp lãnh đạo nơi làm việc đưa ra kế hoạch, chiến lược về tài chính. Sau khi tốt nghiệp trường sẽ tạo điều kiện để giới thiệu việc làm cho các em. Hiện tại, Trường ĐH Hoa Sen có đào tạo ngành tài chính doanh nghiệp và kinh doanh ngân hàng.
Chia sẻ thêm về cơ hội việc làm của ngành Tài chính – Ngân hàng, Đại diện Trường ĐH Bình Dương, bổ sung: Trên 90% SV học những ngành này có việc làm sau khi ra trường. Đặc biệt, tỉnh Bình Dương đang có nhu cầu nhân lực rất cao. Trong khi đó, nguồn nhân lực do các trường trong địa bàn tỉnh cung ứng vẫn đang thiếu. Do vậy, học sinh hoàn toàn yên tâm về cơ hội việc làm.
Cũng liên quan đến cơ hội việc làm và mức lương khi ra trường, HS Trần Thị Ngọc Tú, THPT Phan Bội Châu, hỏi: “Ngành sư phạm cũng được đào tạo như những ngành khác nhưng sao lương giáo viên lại thấp hơn ngành khác?”, Đại diện Trường ĐH Sài Gòn, chia sẻ: Tại trường ĐH Sài Gòn, khi trúng tuyển ngành sư phạm sinh viên được miễn học phí. Nếu học lực khá trở lên sinh viên còn được nhận học bổng. Sau khi ra trường sinh viên phải thi công chức ở sở GD- ĐT nơi mình cư ngụ. Về lương giáo viên, điều này thuộc về chính sách của Nhà nước, hiện Bộ GD-ĐT cũng đang có nhiều chính sách để hỗ trợ kịp thời cho GV.
Ngoài những thắc mắc về cơ hội việc làm, mức thu nhập; nhiều ngành nghề được các bạn HS quan tâm cũng được các chuyên gia tư vấn tập trung giải thích.
-HS Đoàn Thanh Hiền, THPT Phan Chu Trinh, hỏi: “Trường ĐH Công nghiệp thu học phí ra sao? Trả lời câu hỏi này, đại diện Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết: ĐH Công nghiệp là trường ĐH công lập, do vậy mức học phí sẽ thu theo quy chế tín chỉ của Bộ GD&ĐT.
-Tiếp đến, bạn Lê Anh Thư, THPT Bùi Thị Xuân, thắc mắc: “Em nghe nói Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng là trường đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực. Thầy có thể cho biết thêm thông tin về trường? Thầy Ngô Trí Dũng, giải đáp: ĐH Quốc tế Hồng Bàng được phép đào tạo nhiều ngành nghề hiện đại, trong đó có một số ngành nghề mới thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội, kinh tế, ngoại thương, kế toán, tài chính ngân hàng, quản trị lữ hành và hướng dẫn viên du lịch, quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng, quản trị nhà bếp, quan hệ quốc tế, quản lý đô thị, ngữ văn truyền thông đa phương tiện, VN học, châu Á – Thái Bình Dương (Nhật Bản học, Hàn Quốc học, Trung Quốc học, Úc – New Zealand, Hoa Kỳ học), Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Indonesia).Ngòai ra, Trường cũng đào tạo một số ngành nghề thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ (kiến trúc sư công trình, kiến trúc sư thiết kế đô thị, kiến trúc sư cảnh quan, kỹ thuật công trình xây dựng, công nghệ môi trường, công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, cơ khí..), một số ngành mới quốc tế (võ thuật cổ truyền VN và Vovinam – Việt võ đạo, hoạt hình manga Nhật Bản, Mỹ, công nghệ spa – y sinh học,…). Bên cạnh đó, một số loại hình nghiên cứu đặc thù cũng được hình thành để phục vụ nội dung giảng dạy về lĩnh vực khoa học xã hội (cảm xạ địa sinh học, khí công, phong thủy, thiền, yoga…)…
Báo Giáo dục TP.HCM xin cảm ơn các đơn vị tài trợ: Nước khoáng Thạch Bích, ĐH Công nghiệp TP.HCM, đã đồng hành xuyên suốt chương trình "Tiếp bước trường thi 2011" |
-HS Nguyễn Thị Ngọc Anh, THPT Phan Bội Châu, hỏi: “Em được biết Trường CĐ Phú Lâm mạnh về chương trình liên kết nước ngoài. Nhà trường có thể cho em biết thêm thông tin về các chương trình liên kết không?”. Thầy Trần Lâm Bạch: Trường CĐ Phú Lâm có chương trình liên kết với Học viện Công nghiệp Quảng Tây, Trung Quốc. Sau 2 năm học tại Việt Nam, sinh viên sẽ học tại Học viện Công nghiệp Quảng Tây với mức học phí 13 ngàn nhân dân tệ/năm. Ngoài ra, trường còn có đào tạo chương trình tiên tiến với nghề cơ điện tử và đa phương tiện với Singapore. Học phí của các chương trình liên kết đều theo quy định của Bộ GD&ĐT.
-Trường Cao đẳng Nguyễn Tất Thành có ngành điều dưỡng và dược sĩ không? Điểm chuẩn có cao không?, HS Nguyễn Trần Anh Tuấn , THPT Bùi Thị Xuân, thắc mắc. Thầy Phan Hữu Tấn Đức, chia sẻ: Bốn tháng nữa, trường CĐ Nguyễn Tất Thành sẽ nâng cấp và trở thành trường ĐH. Các em đừng chủ quan mà không thi Cao đẳng vì các em có nhiều nguyện vọng, cơ hội để đi học. Năm vừa rồi, trường xét NV3 chỉ 10 điểm. Nếu rớt THPT vẫn có cơ hội học lên ĐH bằng các hình thức liên thông. Ngành điều dưỡng và dược sĩ hệ TCCN tại trường đào tạo trong thời gian 3 năm 3 tháng.
Theo đánh giá của các chuyên gia tư vấn, HS các tỉnh miền Trung và Nam Trung Bộ quan tâm nhiều đến các vấn đề như: Học phí, học bổng, cơ hội việc làm khi ra trường, mức thu nhập của ngành nghề đó, cơ hội liên thông… Ngoài ra, các vấn đề về ngành “hot”, ngành thời thượng không được HS đánh giá cao. Đây sẽ là một tín hiệu tốt trong việc cân đối nguồn nhân lực các ngành nghề trong thời gian tới.
Nhóm PV Giáo dục
Bình luận (0)