Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

“Tiếp bước trường thi” 2011: Học sinh đồng bằng quan tâm đến khối ngành kinh tế

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh đặt câu hỏi trong chương trình “Tiếp bước trường thi” tại Vĩnh Long
Trong 2 ngày 16 và 17-3, chương trình “Tiếp bước trường thi” do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức đã diễn ra tại Vĩnh Long và An Giang với sự tham dự của hàng ngàn học sinh (HS) đến từ các trường THPT trên địa bàn hai tỉnh. Tại đây các em HS đã có nhiều thắc mắc xoay quanh các ngành nghề “đắt giá” hiện nay như: tài chính – ngân hàng, quản trị kinh doanh, marketing…
Chương trình tư vấn có sự góp mặt của thầy Nguyễn Quốc Cường – chuyên viên tư vấn tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, thầy Lưu Thành Công – Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Long, cùng đại diện ban tư vấn tuyển sinh đến từ 30 trường ĐH, CĐ, TCCN có “thương hiệu” ở khu vực phía Nam…
HS vùng sâu được tiếp bước đến trường thi
12h trưa, từ TP. Vĩnh Long đoàn tư vấn tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN của Báo Giáo Dục TP.HCM vượt hơn 30km để về tư vấn tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa (huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long). Ngồi chung trên chuyến xe về Tam Bình, ông Lưu Thành Công – Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Long tâm sự: “Tam Bình là một huyện nghèo của tỉnh Vĩnh Long, và Trường THPT Trần Đại Nghĩa là một trong những trường THPT điển hình trong phong trào học tập tốt của huyện. Tuy mức sống ở đây rất nghèo, thế nhưng sự ham học của các em HS ở đây lại rất đáng tự hào. Nhiều em HS mỗi ngày phải đạp xe hàng chục cây số đến trường, đến bữa trưa các em phải nhịn ăn và chờ đến học ca chiều, có em không chịu nổi đã ngất xỉu. Thế nên, cứ đến mùa thi là trường lại vận động các mạnh thường quân, Hội cha mẹ HS lại cùng nhau đóng góp giúp cho các em có một bữa trưa “no”, để các em viết ước mơ vào giảng đường ĐH”.
13h, vượt qua nhiều con đường bụi mù, đoàn tư vấn đã có mặt tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa. Xe vừa chạy vào cổng trường, điều bất ngờ xảy ra đã khiến cho các thầy cô trong đoàn tư vấn hết sức xúc động, gần 1.000 em HS Trường THPT Trần Đại Nghĩa và THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Vĩnh Long đã có mặt và ùa ra chào đón đoàn. Thầy Trần Công Danh – Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa, bộc bạch: “Nghe tin có các thầy cô của hơn 30 trường ĐH, CĐ từ TP.HCM về tư vấn, các em đã tập trung từ rất sớm và chốc chốc lại ngóng ra cổng chờ đón đoàn, có em còn thắc mắc không biết các thầy cô có chịu về tận trường tư vấn hay không?”.
Sau gần bốn giờ đồng hồ, nhiều băn khoăn của các em HS về ngành nghề, chương trình đào tạo đã được các thầy cô trong đoàn tư vấn. Theo ghi nhận của chúng tôi, phần lớn HS ở đây đều quan tâm đến những ngành nghề ra trường dễ kiếm việc, mức lương khi ra trường, các hỗ trợ từ các trường dành cho HS nghèo… Em Nguyễn Thanh Hùng (Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Vĩnh Long), tâm sự: “Em thích học ngành bác sĩ đa khoa của ĐH Y dược. Thế nhưng, có lẽ em sẽ đăng ký học một ngành về chế biến hay nuôi trồng thủy sản ở một trường ĐH nào đó gần tỉnh Vĩnh Long để bớt chi phí đi lại, ăn ở. Chứ hoàn cảnh gia đình không cho phép em học ở xa, nhất là một thành phố có mức sống cao như TP.HCM”. Và, còn rất nhiều những tâm sự của các em về ước mơ nghề nghiệp được giãi bày cùng các thầy cô trong đoàn tư vấn. Ước mơ và trăn trở của các em, tuy đều xoáy vào vấn đề tiền lương với từng ngành nghề. Thế nhưng, có thấu hiểu hoàn cảnh của các em mới thấy được những ước mơ đó chân thực và đáng trân trọng biết bao…
Nhiều câu hỏi về khối ngành kinh tế
Ngay khi chương trình bắt đầu, em Nguyễn Hảo Xuân Trinh (Trường THPT Lưu Văn Liệt – Vĩnh Long) đã làm “nóng” chương trình với câu hỏi: “Em nghe nói ngành tài chính – ngân hàng đến giai đoạn 2015 thì nhu cầu nhân lực rất cao. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nếu em đăng ký học ngành này thì khi ra trường sẽ dễ tìm việc. Em đang rất phân vân, thầy cô có thể tư vấn giúp em?”. Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Nguyễn Đức Minh (Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM), cho biết: “Theo dự báo của Trung tâm Quốc gia Dự báo và Thông tin thị trường lao động thuộc Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB-XH thì đến năm 2015 có 9 ngành nghề sẽ tăng nhu cầu việc làm gồm: tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động khoa học công nghệ; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; hoạt động Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội; hoạt động làm thuê trong các hộ gia đình; các tổ chức quốc tế và các hoạt động dịch vụ khác. Chính vì vậy, nếu em thích ngành này thì có thể đăng ký dự thi”. Còn Ngọc Anh (Trường THPT Trần Đại Nghĩa) thì tâm tư: “Em sẽ chọn ngành tài chính – ngân hàng vì có lẽ ngành này ra trường sẽ dễ kiếm việc, lương cao. Ra trường sẽ phụ giúp được cho cha mẹ nuôi hai đứa em đi học”.
Thắc mắc về ngành tài chính – ngân hàng cũng là thắc mắc chung của nhiều HS mà chúng tôi ghi nhận được khi tiếp xúc trong chương trình tại hai tỉnh Vĩnh Long và An Giang. Bên cạnh đó, các khối ngành khác cũng liên quan đến lĩnh vực kinh tế như: kinh tế học, quản trị kinh doanh, marketing…cũng thu hút nhiều thí sinh quan tâm đặt câu hỏi. “Các em thí sinh phải cân nhắc kỹ trước khi chọn các ngành này bởi hiện nay, điểm chuẩn của khối các ngành này khá cao. Ngoài ra, hiện nay rất nhiều trường đã xin mở các ngành kinh tế để đào tạo, do đó, số lượng sinh viên tốt nghiệp các ngành này rất cao, đây cũng là yếu tố mà thí sinh cần cân nhắc khi chọn ngành”, TS. Phạm Lê Quang (Trường ĐH Tài chính – Marketing), nhắn nhủ.
“Lưu ý” điểm chuẩn
Cũng tại buổi tư vấn, nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề điểm chuẩn, tỉ lệ chọi… cũng được các em thí sinh đặc biệt quan tâm. Theo các chuyên gia tư vấn nhận định, các em thí sinh đã bắt đầu quan tâm nhiều tới việc chọn trường vừa sức, phù hợp với khả năng của mình.
Theo thầy La Hoàng Dũng (Trường ĐH Sài Gòn), nếu thí sinh yêu thích ngành nào cần xem xét học lực của mình trước khi đăng ký dự thi và chọn ngành đó ở những trường phù hợp với khả năng của mình. “Các em phải xem xét tố chất, sở thích của mình có phù hợp không trước khi lựa chọn ngành nghề, theo tôi, các em nên thử trắc nghiệm với lý thuyết Holland để xác định năng lực của mình”- thầy Dũng lưu ý. Còn với thầy Trần Lâm Bạch (Trường CĐ KT-KT Phú Lâm), thì lưu ý: “Khi lựa chọn ngành nghề, các em thí sinh nên tìm hiểu kỹ càng về điểm chuẩn ngành đó và tỉ lệ chọi của ngành đó trong mùa tuyển sinh 2010. Từ đó xem xét học lực của mình để đăng ký trường học phù hợp, tránh rủi ro”.
Nhóm PV

Bình luận (0)