Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

“Tiếp bước trường thi 2011”: Nhiều khó khăn trước ngưỡng cửa vào đời

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 15/3, chương trình “Tiếp bước trường thi 2011” về với học sinh tỉnh Vĩnh Long. Và, những gì chúng tôi chứng kiến về sự vượt khó vươn lên của các em HS  khi đến huyện Tam Bình tư vấn đã để lại trong lòng chúng tôi nhiều cảm xúc…

HS Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Vĩnh Long chăm chú nghe tư vấn
12h trưa, từ TP Vĩnh Long đoàn Tư vấn tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN của báo Giáo dục TP.HCM vượt hơn 30 km để về tư vấn tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa (huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long). Ngay từ trên xe, chúng tôi đã được nghe những tâm sự của ông Lưu Thành Công – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long: “Tam Bình là một huyện nghèo của tỉnh Vĩnh Long, và Trường THPT Trần Đại Nghĩa là một trong những trường THPT điển hình trong phong trào học tập tốt của huyện. Tuy mức sống ở đây rất nghèo, thế nhưng sự ham học của các em HS ở đây lại rất đáng tự hào. Nhiều em HS mỗi ngày phải đạp xe hàng chục cây số đến trường, đến bữa trưa các em phải nhịn ăn và chờ đến học ca chiều, có em không chịu nổi đã ngất xỉu. Thế nên, cứ đến mùa thi là Trường lại vận động các Mạnh Thường Quân, Hội Phụ huynh HS lại cùng nhau đóng góp giúp cho các em có một bữa trưa “no”, để các em viết ước mơ vào giảng đường ĐH”, thầy Công, giọng trầm buồn: “Chỉ mong mức sống ở đây sẽ khá hơn, để các em HS không phải bỏ rơi ước mơ của mình vì gánh nặng cơm áo”. Nghe thầy Công tâm sự, các thầy cô trong đoàn càng thêm háo hức. Chỉ mong xe chạy nhanh hơn để sớm đến trường, cùng chia sẻ cho các em những thông tin ngành nghề, để các em vững bước vào đời và xây dựng tương lai cho bản thân, cho gia đình và góp phần vào xây dựng quê hương, đất nước.
Các thầy cô trong ban tư vấn đang trả lời thắc mắc về ngành, nghề của các em HS
13h, vượt qua nhiều con đường bụi mù, đoàn tư vấn đã có mặt tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa. Xe vừa chạy vào cổng trường, điều bất ngờ xảy ra đã khiến cho các thầy cô trong đoàn tư vấn hết sức xúc động, gần 1.000 em HS Trường THPT Trần Đại Nghĩa và THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Vĩnh Long đã có mặt và ùa ra chào đón đoàn. Thầy Trần Công Danh – Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa, bộc bạch: “Nghe tin có các thầy cô của hơn 30 trường ĐH, CĐ từ TP.HCM về tư vấn, các em đã tập trung từ rất sớm và chốc chốc lại ngóng ra cổng chờ đón đoàn, có em còn thắc mắc không biết các thầy cô có chịu về tận trường tư vấn hay không. Thế nên, chúng tôi phải trấn an các em rằng đường xa nên các thầy cô sẽ đến trễ hơn một chút so với dự định. Các em cứ yên tâm, các thầy cô không ngại đường xa mà về trường tư vấn đâu”. Vừa nói, thầy Danh vừa hướng dẫn đoàn vào hội trường để bắt đầu ngay chương trình tư vấn.
HS Trường THPT Trần Đại Nghĩa tham gia đặt câu hỏi tư vấn
Sau gần 4h đồng hồ tư vấn, các thầy cô trong đoàn tư vấn đã phần nào giải đáp được nhiều băn khoăn của các em HS về ngành nghề, chương trình đào tạo. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, phần nhiều các câu hỏi của các em HS huyện Tam Bình nói chung, HS trường THPT Trần Đại Nghĩa nói riêng, đều “xoáy” vào những ngành nghề ra trường dễ kiếm việc, mức lương khi ra trường, các hỗ trợ từ các trường dành cho HS nghèo… Em Nguyễn Thanh Hùng (PTTH Nội Trú tỉnh Vĩnh Long), tâm sự: “Em thích học ngành Bác sĩ đa khoa của ĐH Y Dược. Thế nhưng, có lẽ em sẽ đăng ký học một ngành về chế biến hay nuôi trồng thủy sản ở một trường ĐH nào đó gần tỉnh Vĩnh Long để bớt chi phí đi lại, ăn ở. Chứ hoàn cảnh gia đình không cho phép em học ở xa, nhất là một TP có mức sống cao như TP.HCM” . Cũng như Hùng, Ngọc Anh (THPT Trần Đại Nghĩa), tâm tư: “Em sẽ chọn ngành Tài chính – Ngân hàng vì có lẽ ngành này ra trường sẽ dễ kiếm việc, lương cao. Ra trường sẽ phụ giúp được cho cha mẹ nuôi hai đứa em đi học”.
Và, còn rất nhiều những tâm sự của các em về ước mơ nghề nghiệp được giãi bày cùng các thầy cô trong đoàn tư vấn. Ước mơ và trăn trở của các em, tuy đều xoáy vào vấn đề tiền lương với từng ngành nghề. Thế nhưng, có thấu hiểu hoàn cảnh của các em mới thấy được những ước mơ đó chân thực và đáng trân trọng biết bao…
Nhóm PV Giáo dục

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)