Chương trình tư vấn hướng nghiệp, xét tuyển ĐH, CĐ năm 2022 “Tiếp bước trường thi” vừa diễn ra tại tỉnh Gia Lai. Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM tổ chức với sự phối hợp của Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh Gia Lai, Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai. Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF) là những đơn vị đồng hành.
Ban Tư vấn
Thêm sự lựa chọn cho thí sinh
Lý giải cho học sinh về việc vừa muốn đăng ký học ngành Sư phạm Văn vừa muốn đăng ký thêm Sư phạm Lịch sử, TS. Trần Hữu Duy (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đà Lạt) cho biết, theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, thí sinh không bị giới hạn số lượng nguyện vọng và phương thức tuyển sinh. Trong một ngành có tối đa 4 tổ hợp môn xét tuyển, một tổ hợp môn sử dụng cho nhiều ngành. Tại Trường ĐH Đà Lạt, tổ hợp môn C00 không chỉ dùng để xét tuyển ngành lịch sử, văn học mà còn cho 11 ngành liên quan đến lĩnh vực xã hội nhân văn, du lịch và luật. “Đối với ngành sư phạm, điểm chuẩn đầu vào cao. Tuy nhiên năm nay thí sinh có thuận lợi là đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT. Lúc này, các em đã biết được điểm thi cũng như khả năng của mình nên có thể so sánh với điểm sàn để đặt nguyện vọng cho phù hợp. Nếu các em muốn học sư phạm văn nhưng vẫn lo lắng có thể đặt ngành sư phạm văn cho nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 đăng ký cho ngành cử nhân văn học, nguyện vọng 3 là cử nhân lịch sử. Như vậy, nếu không trúng tuyển vào ngành sư phạm văn, các em có thể trúng tuyển vào ngành văn học hoặc lịch sử. “Hiện nay, Bộ GD-ĐT cho phép cử nhân các ngành khoa học cơ bản học thêm nghiệp vụ sư phạm để giảng dạy, vì vậy những em không đậu vào ngành sư phạm có thể theo hướng này. Đặc biệt, từ năm 2022, nhà trường có chương trình đào tạo song ngành. Trong quá trình sinh viên học ngành chính quy, bước sang năm 2 trở đi có thể đăng ký thêm một ngành học nữa, tốt nghiệp được cấp 2 bằng đại học chính quy, cơ hội việc làm rộng mở”, TS Duy cho hay.
TS. Trần Hữu Duy
ThS. Phạm Việt Hùng (Phó Giám đốc phụ trách, phân hiệu Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM tại Quảng Ngãi) thông tin, nhà trường linh hoạt trong các phương thức đào tạo, trong đó có 2 phương thức: 2+2 và 1+3. 2+2 nghĩa là sinh viên học 2 năm tại phân hiệu Quảng Ngãi, 2 năm chuyển vào TP.HCM; 1+3 là 1 năm học tại phân hiệu Quảng Ngãi, 3 năm học tại TP.HCM. “Khi học tại phân hiệu Quảng Ngãi, sinh viên được miễn 50% học phí, sinh hoạt phí thấp. Bên cạnh đó, khả năng trúng tuyển vào phân hiệu Quảng Ngãi cao hơn so với TP.HCM. Ngoài ra, các em còn có cơ hội trải nghiệm ở 2 môi trường học tập khác nhau để có tổng quan về vị trí địa lý ở nhiều vùng miền của Tổ quốc”, ThS. Hùng chia sẻ.
ThS. Phạm Việt Hùng
Nói về chương trình học, TS. Trần Cao Bảo (Phó Giám đốc phân hiệu Trường ĐH Nông lâm TP.HCM tại Gia Lai) cho rằng, các trường ĐH hiện nay có nhiều chương đào tạo như: chương trình đại trà; chất lượng cao; chương trình tiên tiến; chương trình liên kết nước ngoài… Trường ĐH Nông lâm TP.HCM có chương trình tiên tiến ngành công nghệ thực phẩm đối với Trường ĐH ở Hoa Kỳ và ngành bác sĩ thú y liên kết với chương trình ĐH ở Úc. Về học phí, chương trình tiên tiến và chương trình chất lượng cao dao động từ 30-60 triệu/năm. Với mức học phí này, điều kiện học tập của sinh viên khác hơn, môi trường học tốt, trang thiết bị hiện đại”, TS. Bảo khẳng định.
TS. Trần Cao Bảo
Ban Tư vấn
Chú ý phương thức xét tuyển riêng
Lưu ý đến học sinh, ThS. Võ Song Toàn (Phó trưởng khoa Luật kinh tế Trường ĐH Ngân hàng) cho biết, bên cạnh những phương thức tuyển sinh truyền thống, năm 2022 nhà trường còn có phương thức xét tuyển tổng hợp hay còn gọi là phương thức xét tuyển đặc biệt. Phương thức này chiếm 50% chỉ tiêu xét tuyển của trường, tập trung cho 2 chương trình: chính quy chất lượng cao và quốc tế song bằng. Phương thức xét tuyển đặc biệt này dựa trên học bạ 2 học kỳ năm lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12, cộng thêm điểm ưu tiên: Chứng chỉ IELTS; học sinh trường chuyên; đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. “Phương thức này giúp thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển, thực hiện ước mơ trên giảng đường ĐH”, ThS. Toàn cho hay.
ThS. Võ Song Toàn
TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM) nhìn nhận, 2 năm qua tình hình dịch bệnh Covid-19 đã tác động rất lớn, không chỉ việc thi cử của các em học sinh mà còn ảnh hưởng đến việc xét tuyển của các trường ĐH. Do đó, ngoài các phương thức xét tuyển truyền thống, việc các trường ĐH tổ chức kỳ thi riêng là xu thế tất yếu, tạo cơ hội cho thí sinh.
TS. Nguyễn Đức Nghĩa
Hiện nay, có nhiều trường ĐH có nhu cầu tuyển đối tượng thí sinh mang tính chất đặc thù hoặc năng lực chuyên biệt nên tổ chức kỳ thi riêng như: ĐHQG Hà Nội; ĐH Bách Khoa Hà Nội; ĐHQG TP.HCM; ĐH Sư phạm TP.HCM; ĐH Việt Đức… Trong đó, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM là kỳ thi lớn nhất trong các kỳ thi riêng của các trường. Đợt 1 tổ chức vào ngày 27-3 với hơn 85 ngàn học sinh tham dự. Đợt 2 diễn ra trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tới thời điểm này đã có hơn 80 trường ĐH đăng ký sử dụng phương thức của kỳ thi đánh giá năng lực trong việc xét tuyển. “Theo thống kê, trong năm 2021, tỉnh Gia Lai, tiêu biểu là Trường THPT chuyên Hùng Vương và Trường THPT Chi Lăng có số học sinh trúng tuyển vào các trường ĐH đạt 100%. Điều này do các em tham gia nhiều phương thức tuyển sinh, nhiều nhất là ở 2 phương thức: dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQG”, TS. Nghĩa thông tin.
PV
Bình luận (0)