Chương trình tư vấn hướng nghiệp, xét tuyển ĐH, CĐ năm 2022 “Tiếp bước trường thi” do Tạp chí Giáo dục TP.HCM tổ chức đã đến với học sinh tỉnh Cà Mau. Chương trình đã gỡ rối cho nhiều học sinh về việc lựa chọn ngành nghề để vào ĐH, CĐ.
Chương trình có sự phối hợp của Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh Cà Mau, Sở GD-ĐT Cà Mau., Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF) và Greenwich Việt Nam cơ sở Cần Thơ là những đơn vị đồng hành.
Thông tin cho học sinh, ThS. Lê Vĩnh Phát (Trưởng ban tuyển sinh Greenwich Việt Nam cơ sở Cần Thơ) cho biết, học sinh muốn trúng tuyển vào Greenwich Việt Nam phải đạt IELTS từ 6.0. Với các em trình độ tiếng Anh còn hạn chế cũng như chưa có môi trường để trao đổi tiếng Anh có thể tham gia khóa hỗ trợ tiếng Anh với lộ trình 1 năm. Trong khóa học, các em được tham gia sinh hoạt chuyên đề, tham dự các chương trình hỗ trợ tiếng Anh để giao lưu, trao đổi, nâng cao khả năng tiếng Anh. Các chương trình học của Greenwich Việt Nam đào tạo trong thời gian 3 năm. Trong thời gian đó, sinh viên được tiếp cận nhiều phương pháp học tập tiên tiến, được tham gia các sự kiện, chương trình trao đổi sinh viên, học tập doanh nghiệp cọ xát với thực tế, có thêm nhiều kỹ năng, kinh nghiệm.
Với câu hỏi của một học sinh về ngành thương mại điện tử, ThS. Phạm Doãn Nguyên (Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) khẳng định, trong những năm gần đây, ngành thương mại điện tử có số lượng sinh viên đăng ký đông, nhất là tại Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM. Các hoạt động trao đổi mua bán, sale, quảng cáo, phân tích thị trường đều diễn ra trên internet. Đây là giải pháp để doanh nghiệp tăng nguồn thu, tăng lượng khách hàng trong tương lai. Đối với ngành thương mại điện tử tại Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM có các tổ hợp môn xét tuyển: Toán, lý, hóa; toán, lý, anh; toán, văn, anh và toán, văn, lý. 4 phương thức xét tuyển của trường gồm dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT; dựa vào học bạ; kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG; tuyển thẳng. “Nếu các em có khả năng giao tiếp tốt, có khả năng phân tích, đánh giá, đam mê công nghệ, thích kinh doanh có thể lựa chọn ngành thương mại điện tử. Đặc biệt, người học giỏi ngoại ngữ sẽ có cơ hội làm việc với các công ty quốc gia, tăng giá trị hành nghề”, ThS. Nguyên chia sẻ.
Giải đáp thắc mắc cho một học sinh về ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường và ngành Quản lý tài nguyên môi trường, ThS. Trần Ký (Phó Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường) cho biết, ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường trang bị đầy đủ kiến thức về công nghệ kỹ thuật môi trường và quá trình vận hành thiết bị. Ngành này có 2 chuyên ngành: Chuyên ngành kỹ thuật môi trường, điều khiển thiết bị và công nghệ. Trong khi đó, ngành Quản lý tài nguyên môi trường có 3 chuyên ngành: Ngành quản lý tài nguyên môi trường đào tạo kỹ năng đánh giá, xác định nguyên nhân, các vấn đề về ô nhiễm và suy thoái môi trường, đưa ra các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm hoặc xây dựng các kế hoạch về tài nguyên và môi trường; Chuyên ngành môi trường và sức khỏe cập nhật cho sinh viên kiến thức về môi trường và sự an toàn cho con người; Chuyên ngành thứ 3 là kỹ thuật quản lý môi trường đô thị, sinh viên được học kỹ năng đánh giá các vấn đề quản lý môi trường đô thị và khả năng quản lý vận hành hệ thống, kiểm soát ô nhiễm cho đô thị. Ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường đào tạo cả cử nhân và kỹ sư. Nếu học cử nhân, sinh viên sẽ hoàn thành từ 132-135 tín chỉ, tương đương 3,5-4 năm. Ở trình độ kỹ sư, sinh viên phải học từ 155 tín chỉ trở lên trong thời gian từ 4,5-5 năm. “Với những ngành này, các em học giỏi môn hóa học sẽ rất có lợi thế, nếu không giỏi vẫn có thể học vì khi vào trường sẽ trải qua từ 1,5-2 năm học đại cương. Giảng viên sẽ hỗ trợ sinh viên học các môn cơ bản. Học sinh nào muốn học hai ngành này cứ tự tin đăng ký xét tuyển”, ThS. Ký gợi ý.
Trong chương trình, một nữ sinh bày tỏ quan tâm với ngành kinh tế nông nghiệp. Giải đáp cho em, ThS. Nguyễn Hứa Duy Khang (Phó Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Cần Thơ) cho rằng, kinh tế nông nghiệp là ngành kinh tế phù hợp với đặc điểm của Đồng bằng sông Cửu Long cũng như Cà Mau. Với ngành này, sinh viên sẽ được học những kiến thức liên quan đến ngành kinh tế nhưng vẫn có thêm những kiến thức về lợi nhuận, việc kinh doanh, giao thương sản phẩm thủy sản, sản phẩm nông nghiệp. Sinh viên tốt nghiệp ngành này sẽ có cơ hội nghề nghiệp rộng mở ở Đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí ở Cao Nguyên. “Ngành kinh tế nông nghiệp không chỉ phù hợp với nam mà nữ học cũng rất phù hợp. Vấn đề là chúng ta có thích, đam mê lĩnh vực này hay không để phát triển kinh tế địa phương”, ThS. Khang chia sẻ.
Thông tin cho học sinh về ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, ThS. Tô Thị Ngọc Trầm (Phó Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Nam Cần Thơ) cho hay, ngành này rất phát triển, tốc độ tăng trưởng từ 35-40%. Theo thống kê, đến năm 2022 cả nước có trên 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng. Điều này đã làm nên sự sôi động trong thị trường lao động logistics Việt Nam. Sinh viên học ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tại Trường ĐH Nam Cần Thơ sẽ được truyền đạt kiến thức từ cơ bản đến nâng cao như: về giao dịch thương mại, vận tải nội địa quốc tế… “Thí sinh xét tuyển vào ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng phải đạt từ 18 điểm trở lên đối với phương thức xét tuyển học bạ, ra trường nhiều cơ hội việc làm. Tuy nhiên, các em cần lưu ý, khi học ngành nào cũng vậy, các em phải biết điểm mạnh của mình ở đâu, sở thích thế nào. Có những ngành học đầu vào vô dễ nhưng đầu ra không như mong muốn. Vì vậy, các em học sinh cần cân nhắc, lựa chọn ngành học phù hợp”, cô Trầm khuyên.
PV
Bình luận (0)