Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

“Tiếp bước trường thi” thí sinh Tây Ninh, mở màn chuỗi tư vấn 28 tỉnh thành

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 18-2, Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp Sở GD-ĐT Tây Ninh tổ chức khai mạc chương trình tư vấn hướng nghiệp, xét tuyển ĐH-CĐ năm 2023 chủ đề “Tiếp bước trường thi” được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh với sự tham gia trực tiếp của gần 1.000 học sinh.


Ông Nguyễn Văn Phước (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Tây Ninh) phát biểu tại buổi khai mạc chương trình

Đây là chương trình mở đầu cho chuỗi tư vấn hướng nghiệp, xét tuyển ĐH-CĐ được tổ chức xuyên suốt 28 tỉnh thành cho tới 2-4.

Chương trình lan tỏa thông tin đến nhiều học sinh

Tham dự và phát biểu mở đầu chương trình, ông Nguyễn Văn Phước (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Tây Ninh) chia sẻ, ở năm học cuối cấp, học sinh thường có nhiều lo lắng, tâm tư cho việc lựa chọn nghề nghiệp vào đời. Các em hiện nay có điều kiện để tiếp cận nhiều kênh để tìm hiểu thông tin về tuyển sinh, hướng nghiệp như qua trang web các trường, định hướng của gia đình, thầy cô hay qua các phương tiện thông tin đại chúng…  Và chương trình tư vấn hôm nay là cơ hội quý để thí sinh được trực tiếp gặp gỡ, đặt câu hỏi với các trường, từ đó được giải đáp băn khoăn, thắc mắc phục vụ việc chọn nghề, chọn trường phù hợp.

“Thời điểm đặt bút chọn ngành, chọn trường đối với thí sinh năm nay đã đến gần. Tôi hy vọng, qua chương trình và qua sóng truyền hình, thông tin sẽ được lan tỏa đến học sinh toàn tỉnh, từ đó làm cơ sở để các em định hướng nghề nghiệp và chọn được lối phù hợp vào đời” – Ông Phước nói.


Ban tư vấn giải đáp câu hỏi của các thí sinh Tây Ninh

Tham gia giải đáp câu hỏi, thắc mắc của thí sinh là đại diện đến từ nhiều trường như: ĐH Luật TP.HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Nông Lâm TP.HCM, ĐH Mở TP.HCM, ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, ĐH Công nghệ TP.HCM… và các chuyên gia tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp.

Với mối quan tâm của thí sinh về cơ sở nào để lựa chọn ngành nghề, ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cho hay, việc chọn ngành, trường hiện nay không khó. Cái khó là chọn ngành nghề thực sự phù hợp. Để xác định mức độ phù hợp ngành nghề, thí sinh cần dựa trên 3 định vị, gồm: Định vị bản thân (xem bản thân có tố chất nào phù hợp); định vị ngành nghề (những yêu cầu cần có đối với ngành nghề), định vị thị trường lao động (công việc đó có tính chất thế nào, mục tiêu bản thân, cơ hội nghề nghiệp…). Từ đó, các em đưa ra lựa chọn phù hợp. Ngoài những định vị trên, thí sinh còn cần chuẩn bị nhiều thông tin khác như tìm hiểu điểm sàn, điểm chuẩn 3 năm gần nhất của ngành, trường mình cần chọn, đối chiếu với học lực bản thân; so sánh với những trường đào tạo cùng lĩnh vực… Khi chọn trường ĐH, các em căn cứ trên nhiều yếu tố như môi trường, sự kết nối doanh nghiệp, điều kiện cơ sở vật chất, vị trí địa lý…

Học sinh Nguyễn Thị Hương Trang (Trường THPT Trần Đại Nghĩa, TP. Tây Ninh) đặt câu hỏi: “Trường ĐH Luật TP.HCM năm nay có thực hiện những phương thức xét tuyển sớm không”?. ThS. Phan Lê Hoàng Toàn (Giám đốc Trung tâm khảo thí Trường ĐH Luật TP.HCM) cho hay Trường ĐH Luật TP.HCM năm nay không xét các phương thức sớm như những trường khác như xét học bạ THPT hay kết quả thi đánh giá năng lực từ các đơn vị tổ chức mà chỉ xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Đây là một lưu ý quan trọng đối với thí sinh.


Thí sinh Tây Ninh đặt câu hỏi với ban tư vấn

Ông Toàn cho biết thêm, ngoại ngữ là lợi thế đối với thí sinh trong bất cứ ngành nghề nào, trong đó có ngành luật. Nếu đạt trình độ ngoại ngữ tốt, từ năm thứ 3, các em đã có thể tham gia ứng tuyển, làm việc tại các công ty luật nước ngoài với mức thu nhập mong muốn.

Cũng trước những quan tâm của thí sinh về những phương thức xét tuyển sớm, ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung (Giám đốc Trung tâm Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) lưu ý, theo quy chế, năm nay các trường ĐH tiếp tục được xét tuyển sớm. Hiện, tại trường đã nhận hồ sơ xét tuyển ĐH theo phương thức học bạ, thí sinh có thể đăng ký ngay thời điểm này nếu đã có sự chuẩn bị, lựa chọn kỹ. Năm nay, thí sinh đăng ký xét tuyển sớm và nhập học theo thời gian quy định vào trường sẽ có cơ hội nhận được học bổng trị giá 5 triệu đồng/suất.

Cơ hội việc làm nào ngay tại “sân nhà”?

Tại chương trình, cũng có những thí sinh bày tỏ tâm tư, mong mỏi được trở về quê hương làm việc cùng với nguyện vọng chọn nghề có nhiều cơ hội việc làm. ThS. Đặng Kiên Cường (Trưởng phòng Công tác chính trị sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM) chia sẻ, theo định hướng phát triển, tỉnh Tây Ninh thời gian tới sẽ tập trung phát triển 4 lĩnh vực trọng điểm gồm: Công nghiệp (theo hướng phát triển toàn diện bền vững, tương lai sẽ có 6 khu công nghiệp trọng điểm được hình thành); nông nghiệp (phát triển trọng tâm về cây công nghiệp như cây mía, khoai mì…); thương mại dịch vụ (với nhiều cửa ngõ giao thương quan trọng); du lịch (với nhiều lợi thế phát triển như khu núi Bà Đen, cửa khẩu Mộc Bài…).

Từ những lĩnh vực này, thí sinh có thể tham khảo những nhóm ngành nghề liên quan để lựa chọn như: Công nghệ, chế biến, nông nghiệp, môi trường, thương mại, dịch vụ, thông tin… Ngoài thị trường lao động nội tỉnh, người học có thể tham khảo nhiều thị trường lao động sôi động thuộc các vùng lân cận như: Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Bình Phước…

Một học sinh nêu câu hỏi về sự khác biệt giữa chương trình đào tạo chất lượng cao và đại trà. TS. Nguyễn Thụy Ngọc Thủy (Trưởng Bộ môn Công nghệ vật liệu Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) giải đáp, tại trường, chương trình đào tạo chất lượng cao, sinh viên được một số ưu tiên về sĩ số lớp, điều kiện học nhưng điểm chuẩn thấp hơn từ nửa điểm tới 1 điểm. Học phí chương trình này gần 30 triệu/ năm; cao hơn hệ đại trà 10 triệu năm. Còn về chương trình đào tạo của hai hệ cơ bản tương đương nhau.


Học sinh hào hứng khi tham gia chương trình

Để thí sinh có thêm cơ sở chọn nghề, TS. Phạm Hà (Trưởng khoa Tài chính – Ngân hàng Trường ĐH Mở TP.HCM) cũng đưa thêm lời khuyên rằng, các em cần tìm hiểu kỹ phương thức xét tuyển của các trường, mỗi trường sẽ áp dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Khi lựa chọn ngành cần dựa trên thế mạnh của bản thân, sở thích để đặt thứ tự ưu tiên ngành, trường. Mỗi trường cũng sẽ có những đặc trưng riêng về chương trình đào tạo, mức điểm chuẩn, các em sẽ căn cứ điểm chuẩn những năm gần đây vì mức điểm chuẩn cũng thể hiện một phần sở thích ngành nghề của thí sinh. Thời gian qua cũng đã có nhiều trường hợp thí sinh đặt nguyện vọng cao hơn khả năng của mình dẫn đến khả năng trúng tuyển thấp.

“Tiếp bước trường thi” 28 tỉnh thành

Từ nay đến 2-4, chương trình sẽ tư vấn, giải đáp thông tin về tuyển sinh, hướng nghiệp với thí sinh 28 tỉnh thành gồm: Tây Ninh, Tiền Giang, Long An, Cần Thơ, Đồng Tháp, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Bến Tre, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Vĩnh Long, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Thuận.

Chuỗi chương trình tư vấn sẽ được truyền hình trực tiếp trên đài phát thanh – truyền hình 28 tỉnh thành.

“Hiện các trường ĐH đều tập trung ưu tiên xét thí sinh đạt chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Tại Trường ĐH Mở TP.HCM, chứng chỉ này là tiêu chí ưu tiên xét tuyển nhằm đáp ứng năng lực học những chương trình đào tạo tiếng Anh cũng như đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng sau khi các em tốt nghiệp. Thí sinh khi chọn ngành cần lưu ý điều này”- TS. Hà nhấn mạnh.

Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)