Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tiếp cận kiến thức pháp luật qua phiên tòa giả định

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng trăm học sinh trong trường xem một hoạt cảnh tại phiên tòa giả định. Ảnh: Y.Hoa

Sáng 15-1, Trường THPT Thủ Thiêm (TP.HCM) phối hợp với Chi đoàn TAND Q.2 tổ chức phiên tòa giả định “Tội cố ý gây thương tích” nhằm đưa những kiến thức pháp luật đến gần với học sinh, từ mức độ vi phạm, khung hình phạt đến hệ lụy liên đới. Phiên tòa không chỉ tạo sự hứng thú với học sinh trong việc tiếp cận pháp luật dưới hình thức sân khấu hóa mà còn giáo dục cho các em kỹ năng sống, cách sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, hiệu quả.

Theo đó, tình huống được đưa ra xuất phát từ mâu thuẫn trong việc comment (bình luận) với những lời lẽ thô tục, khiếm nhã của Trung sau khi Phong đăng hình của mình lên facebook. Tức giận với những lời nói của Trung nên Phong đã rủ rê thêm bạn mình là Toàn cùng chặn đánh Trung trên đường đi học về. Hậu quả, Trung bị thương tích với tỷ lệ là 9%, Phong và Toàn bị truy tố về tội “Cố ý gây thương tích” với khung hình phạt là 9 đến 12 tháng tù treo. Đồng thời, gia đình Phong và Toàn phải bồi thường cho Trung số tiền 20 triệu đồng.

Chăm chú theo dõi phiên tòa, em Nguyễn Thị Khánh Như (lớp 11T7) cho biết bản thân đã rút ra được bài học về việc sử dụng mạng xã hội. Khi có mâu thuẫn nên tìm cách hòa giải nhẹ nhàng hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ của người lớn. “Những kiến thức về pháp luật không còn khô khan, lý thuyết mà đã được hiện thực hóa bằng một tình huống cụ thể để học sinh dễ dàng hình dung ra hậu quả của việc không kìm chế được bản thân, từ đó giúp các em điều chỉnh hành vi cho phù hợp”, cô Nguyễn Thị Ngọc Anh (Tổ phó tổ công dân Trường THPT Thủ Thiêm) chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo thầy Nguyễn Tấn Tài (Hiệu trưởng nhà trường), phiên tòa giả định ngoài trang bị kiến thức pháp luật còn giáo dục cho học sinh những kỹ năng sống để hướng tới một môi trường học tập thân thiện. Đặc biệt là định hướng cho các em cách sử dụng mạng xã hội để hạn chế những mâu thuẫn, xích mích. Mạng xã hội không xấu nếu các em biết dùng đúng mục đích trong học tập, giao lưu, kết bạn.

Kiểm sát viên Nguyễn Công Hưng (Đại diện Viện kiểm soát Nhân dân Q.2) cho biết đã có rất nhiều vụ án đáng tiếc ở lứa tuổi học sinh xảy ra cũng chỉ bắt nguồn từ những mâu thuẫn rất nhỏ trên mạng xã hội. Đôi khi chỉ là những lời bông đùa về ngoại hình, về tính cách… nhưng lại bị đẩy đi quá xa do sự bốc đồng của tuổi trẻ để rồi dẫn đến hậu quả khôn lường cho bản thân, liên lụy đến cả gia đình. “Mức án cho hành vi xúc phạm người khác trên mạng xã hội tùy vào mức độ mà xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, ông Hưng nhấn mạnh.

Trần Yến

Bình luận (0)