Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tiếp cận sử thi

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Một hình ảnh trong sử thi. Ảnh: T.LVăn học dân gian có nhiều loại hình khác nhau. Mỗi loại hình lại có cách tiếp cận riêng không giống nhau. Vì vậy, giáo viên khi giảng ở loại hình nào cần chú ý tới đặc trưng của chúng để tránh sự suy biện và nhầm lẫn.

Người thầy phải có một kiến thức nhất định

Nhưng người dạy cũng cần đặt chúng trong loại hình văn học dân gian và có sự so sánh, đánh giá giữa các thể loại. Bởi vì, văn học dân gian loại hình xuất hiện trước sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới loại hình xuất hiện sau: các mô típ trong thần thoại sẽ có ảnh hưởng đến các mô típ có trong truyện cổ tích, hay mô típ có trong sử thi cũng có trong truyền thuyết,… Do vậy, người giáo viên cần có một kiến thức nhất định về văn học – văn hóa dân gian để khi tiếp cận và truyền thụ kiến thức cho học sinh đạt được cả hai bình diện: giảng sâu sắc tinh tế một vấn đề nhưng đồng thời qua một vấn đề đã biết học sinh có thể tự giải quyết những mẫu hình có trong những tác phẩm khác mà không cần đến sự trợ giúp của người dạy.

Đặc điểm của loại hình sử thi có phần khác so với các loại hình cổ tích, truyền thuyết, thần thoại… cho nên khi giảng về thể loại này cần chú ý tới đặc trưng của nó để tránh những suy luận mang tính ngụy biện, lấy cách phân tích các thể loại này áp dụng cho thể loại kia. Làm như vậy không những giảng sai về thể loại mà còn cả về kiến thức cơ bản. Tai hại hơn, nhiều vấn đề trong sử thi không thể giảng theo tư duy phân tích của thần thoại, truyền thuyết mà phải bắt nguồn từ tư duy suy luận đặc thù của sử thi. Đó là cách cảm nhận theo tư duy lưỡng hợp và biểu tượng văn hóa.

Cách tiếp cận sử thi

Với yêu cầu như vậy, chúng tôi muốn đưa ra cách tiếp cận sử thi phải xuất phát từ đặc trưng của loại hình. Trước hết, muốn nắm được đặc trưng của loại hình, phải hiểu được thời điểm xuất hiện, tư duy của sử thi và hiểu thế giới quan của con người thời cổ đại. Trong bài viết này chúng tôi đi vào tìm hiểu một số đặc điểm được cho là cơ bản nhất của thể loại này.

Trong bài viết, vì khuôn khổ hạn hẹp của một trang báo, chúng tôi chỉ thiên về hướng tiếp cận sử thi anh hùng còn sử thi thần thoại sẽ trao đổi vào dịp khác.

Thể loại sử thi có thể chia ra làm 2 loại: sử thi anh hùng và sử thi thần thoại. “Sử thi thần thoại kể về nguồn gốc và sự hình thành vũ trụ, con người và xã hội “. Sử thi anh hùng “kể về chiến công và sự nghiệp của người anh hùng đối với toàn thể cộng đồng”. (trích trong sách giáo khoa Văn học 10, tập 1, Tr.22, xuất bản năm 2002).

Sử thi anh hùng ra đời gắn với thời đại  – chế độ “dân chủ quân sự” khi mà chế độ thị tộc tan rã, trước khi nhà nước xuất hiện. Thời đại này đã có sự xuất hiện của kim loại và đóng vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng. Chứng tỏ sự hùng mạnh của cộng đồng. Trong xã hội đã có sự phân hóa về kinh tế đến mức tầng lớp quý tộc tự tách ra khỏi đời sống cộng đồng. Sở hữu tập thể công xã đã được thay thế bằng tư hữu, trước hết là tư hữu của tầng lớp trên. Đây cũng là giai đoạn chiến tranh diễn ra thường xuyên “Chiến tranh diễn ra như cơm bữa” (Ăng-ghen). Đó là chiến tranh giữ đất, cướp người đẹp, trả thù, đòi nợ… Thời kì mà cộng đồng đã bừng tỉnh, sống một cuộc sống không phẳng lặng, là thời kì anh hùng của cộng đồng, anh hùng trong lao động, sống chiến đấu chống lại kẻ thù, sức mạnh và danh dự của thủ lĩnh cũng chính là sức mạnh, danh dự của cộng đồng (thủ lĩnh mang tinh thần danh dự của cộng đồng).

Nội dung và cách xây dựng nhân vật của sử thi

Nội dung của sử thi nhằm kể về cuộc đời, chiến công hào hùng trong xây dựng và đặc biệt là trong chiến đấu chống lại kẻ thù đối kháng để thành lập một cộng đồng giàu về vật chất – mạnh về thể chất và tinh thần. Ví như sử thi Đăm San kể về những cuộc giao chiến đầy cam go của người anh hùng Đăm San, là phản ánh quang cảnh xây dựng làm cho buôn làng giàu mạnh, thể hiện những ước mơ, hành động muốn đi tới tận cùng của nhân vật anh hùng để trở thành người thủ lĩnh hùng mạnh nhất (đoạn trích đi bắt nữ thần mặt trời). Để thể hiện được một nội dung lớn như vậy, nghệ nhân dân gian đã phải sử dụng tới những biện pháp nghệ thuật như: Nhân vật anh hùng có một quá khứ tuyệt đối, là một nhân vật lý tưởng hoàn tất, toàn vẹn về mọi mặt, ví như chàng Đăm San, Xinh Nhã, … Nhà lý luận Bakhatin đã từng nói “giữa bản chất thật của nó và sự biểu hiện bên ngoài của nó không có mảy may sự khác biệt. Quan điểm của nó về bản thân nó trùng hợp hoàn toàn với những quan điểm của những người khác về nó”. Như vậy, hình tượng người anh hùng trong sử thi chính là hình mẫu về ước muốn của cộng đồng những con người chứ không riêng gì một con người. Có thể nói nhân vật anh hùng nó là nó mà nó lại không phải là nó ấy mới chính là nó.

Cách xây dựng nhân vật anh hùng trong sử thi khác với nhân vật truyện cổ tích, nguồn gốc xuất thân, thường có số phận, địa vị thấp kém, bị thua thiệt, khinh rẻ trong gia đình và xã hội. Nhân vật sử thi anh hùng ngay từ khi xuất hiện đã có một địa vị xã hội khác hẳn, họ là con, cháu của thần linh, con cháu của những tù trưởng, thủ lĩnh của cộng đồng trước đây. Ví dụ nhân vật Đăm San, Xinh Nhã, Kinh Dú trong những tác phẩm cùng tên. Nhân vật anh hùng đẹp toàn diện. Người anh hùng trước tiên phải là người đẹp, đẹp về hình thức, trang phục. Trong truyện cổ tích, mỹ học chưa miêu tả chân dung. Sử thi rất chú trọng miêu tả chân dung, trang phục nhân vật. Nhân vật anh hùng đã chứng tỏ được: trời cho cái giàu, thần cho cái sang. Chân dung của nó luôn là chân dung cường tráng, cân đối, hài hòa. Trang phục của nhân vật luôn thỏa mãn hai yêu cầu: yêu cầu đẹp, đa dạng, kiểu cách, nhiều màu sắc; biểu hiện sức mạnh, sự giàu sang, tỏ rõ một trang tù trưởng giàu mạnh. Sức mạnh nhân vật trong sử thi là người có sức mạnh phi thường. Hành động của nhân vật trong giao tranh đều là những hành động anh hùng. Nhân vật được đưa vào những biến cố thể hiện tính cách, ở đây nhân vật cũng luôn được so sánh với những nhân vật phản diện, so sánh về chân dung, sức mạnh, tính cách. Tất cả mọi hành động trong nhân vật đều được chứng tỏ, ước mơ cho cộng đồng mạnh lên, uy tín của cộng đồng vang dội.

Hôn nhân trong sử thi không đơn thuần phản ảnh việc thành lập gia đình mà để thể hiện sức mạnh cộng đồng. Nhân vật vượt qua những thử thách phi thường, hành động, ham muốn vinh quang đều có kích thước phi thường.

Nhân vật anh hùng lúc nào cũng xuất hiện trên một môi trường “tinh thần đặc biệt”: nhân vật xuất hiện trên nền cộng đồng; xuất hiện trên nền điều kiện địa lý, phong tục, tập quán của cộng đồng; nhân vật xuất hiện trên đầm lầy; cánh rừng sử thi; nhân vật anh hùng trong sử thi xuất hiện trong nhiều mối quan hệ: quan hệ với người đẹp, với kẻ thù đối kháng, quan hệ với cộng đồng. Ở mối quan hệ nào thì nó cũng bộc lộ là một nhân vật phi thường đầy tính cách, phóng túng, tự do vì cộng đồng.

Thi pháp sử thi

Sử thi thường sử dụng biện pháp phóng đại (phóng đại trong so sánh, trong miêu tả, trong cảm nhận, trong đánh giá…). Ví dụ: khi miêu tả về thiên nhiên và người anh hùng chúng ta nhận thấy, thiên nhiên để cho người anh hùng xuất hiện thường là một thiên nhiên kì vỹ (một bãi đất lớn, một đồi cỏ gianh, một khu rừng rậm, một con suối lớn, một cánh đồng thẳng cánh diều bay,…). Hình ảnh người anh hùng trước kẻ thù đối kháng thường được miêu tả dưới bút pháp tô đậm, phóng đại. Biện pháp này phục vụ mục đích sử thi nhằm miêu tả không gian hào hùng, sự tích anh hùng của người anh hùng để dựng lên một môi trường tinh thần đặc biệt cho người anh hùng xuất hiện. Trong sử thi tất cả phải là tuyệt đối chỉ có những giá trị tuyệt đối mới có những hình tượng tuyệt đối. Biện pháp phóng đại đã nhằm giúp cho sử thi vươn tới những mục đích của nghệ thuật đó.

Thi pháp sử thi còn hay sử dụng những mẫu hình quen thuộc có sẵn trong tự nhiên, thường gặp trong đời sống hay những vật dụng thường dùng để so sánh: So sánh thiên nhiên với con người (cái đẹp, ánh mắt của nữ thần mặt trời, đoàn quân của Đăm San đi lên rẫy, đi bắt cá… Hay so sánh thiên nhiên với thiên nhiên (cảnh sắc nơi trần thế – cảnh sắc nơi ông trời ở; cảnh sắc nơi nữ thần mặt trời sinh sống với cảnh sắc nơi buôn làng mà tù trưởng Đăm San lãnh đạo…). So sánh những cái nghe thấy với những cái nhìn thấy. Vì sao sử thi lại dùng nhiều biện pháp so sánh như vậy? Chúng tôi tạm đưa ra một vài giải đáp như sau: Tác phẩm sử thi vừa là văn xuôi vừa là văn vần. Tư duy của tác giả sử thi là tư duy cụ thể bên cạnh tư duy khái quát. Sử thi là tác phẩm dài hơi. Nó có mục đích ngoài yếu tố tô đậm về người anh hùng thì nó có một mục đích nữa làm sao để tác phẩm có âm hưởng hào hùng, kì vỹ, có độ dài gây ấn tượng cho người nghe.

Tóm lại: Sử thi là loại hình văn học dân gian ra đời khi xã hội đã thoát thai bầy đàn nguyên thủy, nó có cách tư duy và xây dựng lại hình tượng nhân vật khác với các loại hình văn học dân gian ra đời sau này. Vì vậy khi giảng sử thi, chúng ta phải xuất phát từ đặc trưng tư duy của nó. Giảng sử thi không chỉ giảng về văn hóa dân gian mà còn phải giảng cả những vấn đề nghệ thuật có trong tác phẩm. Muốn làm được điều này chúng ta phải cố gắng sưu tầm tài liệu không chỉ trong nước mà còn phải mở rộng ra nước ngoài để có sự so sánh đối chiếu giữa các loại tư duy với nhau để rút ra cái chung trong sử thi nhưng cũng biết cái riêng trong từng sử thi của mỗi nước. “Mọi vấn đề chỉ bộc lộ trong so sánh và chỉ trong so sánh nó mới bộc lộ hết bản chất của nó là gì”. Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Th.S Nguyễn Thanh Du

(Giáo viên Trường THPT Ngô Gia Tự, huyện Eakar, tỉnh Đắk Lắk)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)