Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tiếp sức mùa thi kiểu đồng hương

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Về tận Vạn Ninh, Khánh Hòa để mua vé xe đưa thí sinh lẫn phụ huynh lên TP.HCM, ở chung nhà trọ, thăm nom mỗi ngày, lo từng chuyến xe, giấc ngủ, bữa ăn ngày thi… là cách tiếp sức mùa thi chan chứa tình đồng hương mà CLB Kết nối sinh viên Vạn Ninh đang miệt mài thực hiện.

Chuẩn bị bữa trưa cho sĩ tử – Ảnh: Tịnh Nhân
“Tiếp sức” từ A-Z
CLB Kết nối sinh viên Vạn Ninh là địa chỉ kết nối, hỗ trợ nhau của các sinh viên quê huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa đang học tập tại TP.HCM. Hơn một tháng nay, CLB tất bật tiếp sức các sĩ tử đồng hương có hoàn cảnh khó khăn lên Sài Gòn thi đại học.
Ngày 1-7, một nhóm sinh viên đã “hành quân” về huyện Vạn Ninh đưa hơn 30 thí sinh, phụ huynh lên TP.HCM. Một lực lượng khác cũng đã trực sẵn tại bến xe miền Đông từ 4g sáng để đưa từng người đến chỗ trọ. Những ngày cùng ăn, cùng ngủ, cùng thi cử… giữa anh chị sinh viên đồng hương với các sĩ tử bắt đầu.
Những ngày thi đại học đợt 1, từ 5g sáng cả đội lục tục gọi nhau dậy chở từng em đến điểm thi. Khắp các quận 1, 3, 5, 7 đến quận Tân Phú, Thủ Đức, CLB huy động hết lực lượng túc trực. Sắp hết giờ môn thi đầu, các bạn lại tất tả lo cơm trưa cho các em. Nhận các suất ăn từ quán cơm 2.000 đồng xong, bạn Đoàn Ngọc Đỗ Quyên (sinh viên năm 2 CĐ Kinh tế TP.HCM) và Đoàn Việt Hưng (sinh viên năm 2 ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) đã chở nhau chạy xe khắp năm quận giữa trưa nắng gắt để đưa cơm đến từng em.
Nhìn Quyên mồ hôi lấm tấm, không kịp ăn sáng lẫn ăn trưa, gọi điện cho từng em hỏi thăm tình hình, lo cho các em từ chiếc áo mưa, chiếc đồng hồ đeo tay… cứ có cảm giác “bà chị” này đang có đến cả chục đứa em ruột đang thi đại học. Quyên cười rất tươi: “Nhiều em hỏi mình có cực không nhưng nói thật, nghe các em báo làm bài đạt 60-70% là thấy hết cực liền!”.
Cả đội còn cười kể nhau nghe chuyện Quyên xách vali cho các em mà mất cả dép trên xe buýt, chuyện Phan Khánh Nam (sinh viên ĐH Bách khoa TP.HCM) đạp xe từ Q.5 sang Q.7 đem cơm cho thí sinh…
Ấm lòng tình đồng hương
Vừa ra khỏi phòng thi đã được anh chị đón sẵn, em Võ Thị Kim Hạ, lớp 12 THPT Huỳnh Thúc Kháng (Vạn Ninh, Khánh Hòa, thi vào ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM), cười hồn nhiên:Lần đầu lên thành phố nhưng em chẳng phải lo lắng gì vì đã có các anh chị hỗ trợ nhiệt tình, chu đáo. Sự giúp đỡ ấy càng giúp em có thêm động lực thi cử".
Chú Võ Văn Thắng, cha của em Kim Hạ, chia sẻ:“Đưa con đi thi mà có sinh viên cùng quê lo từng li từng tí, từng chỗ ngủ, bữa ăn… thì an tâm lắm. Thấy tụi nhỏ chạy đôn chạy đáo tìm chỗ trọ, chỗ thi cho con mình, tôi xúc động mà không biết nói gì. Chỉ mong con mình đậu đại học, mai này còn cùng anh chị trợ giúp đàn em. Giữa đất Sài Gòn thấy các cháu sinh viên thương mến, bảo bọc nhau cũng tự hào”.
Bạn Đỗ Quyên (bìa trái) chăm sóc cho em Kim Hạ (bìa phải) sau giờ thi
Lê Vĩ Nhân (sinh viên Đại học Bách khoa TP.HCM), một thành viên chủ chốt của CLB, chia sẻ: “Ý tưởng về một CLB của sinh viên quê nhà đã được bọn mình ấp ủ từ những năm đầu đại học. Chuyện tư vấn chọn ngành, chọn nghề, chuyện thi cử, cuộc sống của sinh viên tỉnh mới lên Sài Gòn vất vả quá. Đồng hương vẫn dễ hiểu nhau hơn nên bọn mình muốn giúp các em”.
Về chương trình tiếp sức mùa thi “cây nhà lá vườn” nhưng không kém phần chuyên nghiệp, thiết thực này, Vĩ Nhân cho biết: Lần đầu làm tiếp sức mùa thi kiểu này, dù nhiều khó khăn, phải bỏ tiền túi sinh viên nhưng chúng mình không nản lòng. Quan trọng là tiếp sức đúng người, đúng việc. Xa hơn nữa là kết nối được các sinh viên đồng hương. Với bọn mình, đó cũng là cách phục vụ quê hương".
“Ăn cơm mà thấy ấm lòng" – chú Võ Văn Thắng vừa đón phần cơm trưa từ tay các sinh viên tình nguyện vừa tâm sự. Lời chia sẻ của người cha nghèo cũng là lời cảm ơn chân thành nhất đến những đêm không ngủ, những chuyến xe đi đi lại lại giữa TP.HCM – Khánh Hòa, những ngày tất bật đồng hành cùng đàn em, những tâm huyết của nhóm sinh viên luôn hướng về quê nhà.
TỊNH NHÂN / TTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)