Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Tiếp thị bản thân, chủ động chọn việc

Tạp Chí Giáo Dục

Thị trường lao động (LĐ) rộng mở, giao dịch, tuyển dụng đã có nhiều thay đổi khi người LĐ không thụ động ngồi chờ doanh nghiệp (DN) mời phỏng vấn hay photo hồ sơ ra nhiều bộ rải khắp các nơi cầu may mà chủ động tiếp thị bản thân, sẵn sàng bỏ ra chi phí không nhỏ để tự quảng cáo, thu hút các nhà tuyển dụng.
Biết “địch” biết ta…
Theo các chuyên viên nhân sự, 30% SV ra trường hiện nay chọn nghề không phù hợp hoặc làm trái chuyên môn. Điều này dẫn đến khả năng LĐ bám trụ công việc không cao, sức phấn đấu và tinh thần thăng tiến giảm sút. Kết quả khảo sát của Công ty Loan Lê cho thấy: 41% nhân viên nghỉ việc hoặc bị cho nghỉ ở sáu tháng đầu tiên. Nguyên nhân từ cả hai phía: DN không đánh giá đúng năng lực của ứng viên và  người LĐ không hiểu biết về chính bản thân mình. Vì thế, giữa một “núi” hồ sơ ứng viên, mẩu quảng cáo “người cần việc” với thông tin hấp dẫn đã trở nên “đắt hàng”. Anh Trần Đức Trung (kiểm toán viên cao cấp, một CEO từng giữ chức quản lý cấp vùng, khu vực) sau khi bỏ khoảng 10 triệu đồng/tuần đăng “người cần việc” trên mục quảng cáo của một tờ báo, anh đã nhận được rất nhiều lời mời tuyển dụng. Anh Trung nhận xét: “Người quản lý nào cũng từng đi tuyển người, tâm lý chờ đợi, tìm kiếm ứng viên rất mệt mỏi. DN tuyển người thường nôn nóng mà hồ sơ người LĐ lại chưa phản ánh đúng khả năng. Khi hai bên về “sống thử” với nhau mới “biết vàng, biết đá”, nếu không phù hợp sẽ hao tổn cho cả hai. Với các nhà quản lý thì thời gian là chi phí tốn kém nhất, bởi nó không chỉ gây tổn thất về tài chính mà mất đi cơ hội, làm sai lệch mục tiêu, phương hướng hoạt động. Tôi quyết định tiếp thị bản thân sau khi nghiên cứu nhu cầu tuyển dụng và rất vui bởi kết quả tốt hơn mong đợi”.
Thay cho những phương pháp truyền thống, nhiều DN đã thử việc người
lao động thông qua Teambuilding
Bạn Nguyễn Đình Nam (SV năm cuối khoa Quản trị kinh doanh, trường ĐHKT TP.HCM) sau ba kỳ đăng quảng cáo “người cần việc” với chi phí gần ba triệu đồng đã chọn được một DN (trong số năm đơn vị mời phỏng vấn) để ký kết hợp đồng. Nam rút ra bài học: “SV ra trường thường than phiền không tìm được việc vì DN hay làm khó, đòi hỏi phải có kinh nghiệm. Song thực tế khi bước vào môi trường DN nhiều SV mới tốt nghiệp lúng túng, không thể hiện được khả năng vì không đánh giá đúng bản thân, không biết mình phù hợp với loại việc gì nên sớm thất bại”. Nam cho rằng, để thành công, phải biết kiểm tra năng lực bản thân, sở trường, sở đoản sau đó mạnh dạn đề xuất loại công việc phù hợp. Nhờ vậy nhà tuyển dụng không mất thời gian thử thách và người LĐ cũng nhanh chóng thích nghi môi trường mới.
Lửa thử vàng
Trước tình hình “người tìm việc có xu hướng tự PR mình như hiện nay, các nhà tuyển dụng cũng không “dại dột” nói gì nghe nấy. Họ cũng có những phương thức mới để "thử lửa" trước khi tuyển dụng, thay cho cách làm cũ: đọc hồ sơ, cho thử việc… Cụ thể, từ những phương pháp truyền thống được DN thực hiện như phỏng vấn trực tiếp, thử tay nghề, các nhà tuyển dụng nhân sự còn dùng thêm công cụ mới: tuyển người qua trò chơi, sinh hoạt tập thể, thậm chí qua bữa ăn, lễ tiệc…
Xuất phát điểm là mô hình huấn luyện đào tạo Teambuilding (xây dựng nhóm) DN áp dụng để tuyển người và chấp nhận với chi phí cao (từ 30-80 USD/người). Mô hình này chủ yếu cho việc tuyển nhân sự trung cao cấp, những ngành mang tính đặc thù chẳng hạn như: chứng khoán, quảng cáo, truyền thông hoặc du lịch, kinh doanh, quản trị… Có khi, người LĐ vốn rất thạo nghề, giỏi việc nhưng lại “rớt đài” sau khi được thử lửa qua Team building. Bởi khuyết điểm của họ là không thể hiện tinh thần làm việc tập thể.
Anh Nguyễn Hòa An (Giám đốc Công ty AQL – chuyên về huấn luyện Teambuilding) cho biết: “Nhu cầu DN đặt hàng những Game vận động, kỹ năng để tuyển dụng ngày càng nhiều hơn, đồng thời với mức độ đòi hỏi cao hơn ở người LĐ.  Thông qua các chương trình tương tác tập thể hay sinh hoạt đời thường (ăn uống) các nhà nhân sự chọn người gián tiếp, để người LĐ quyết định việc làm phù hợp năng lực cá nhân và nhân sự không quyết định thay họ bằng sự nhận xét đánh giá chủ quan như trước”.
Nguyễn Bay / Phụ Nữ
Thị trường LĐ sau thời gian bấp bênh đã dần hồi phục, người LĐ có nhiều cơ hội chọn việc và thu nhập cao hơn. Bên cạnh những thuận lợi đang nghiêng về phía người LĐ, thị trường cũng đang diễn ra những “cơn sóng” LĐ nước ngoài dịch chuyển về VN theo các dự án đầu tư, liên doanh. Ông Dương Xuân Giao (Giám đốc Công ty nhân lực NetViet) nhận định: “Đây chính là thách thức lớn đối với LĐ Việt Nam. Để cạnh tranh hiệu quả, LĐ Việt cần có sự thích nghi trước những đổi thay và điều chỉnh cho phù hợp, nâng cao trình độ, không sớm thỏa mãn và cần biết tiếp thị hình ảnh, khẳng định giá trị bản thân”.

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)