Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Tiếp thị nông sản bằng phương thức kể chuyện

Tạp Chí Giáo Dục

Nông thôn miền Tây có quá nhiều câu chuyện hay về những sản phẩm nông sản nhưng người nông dân chưa biết dựa vào những câu chuyện này để tiếp thị cho những đặc sản của vùng. Ngành du lịch cũng chưa kết hợp, tận dụng được thế mạnh này để thiết kế những tour du lịch hấp dẫn du khách…
Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm BSA bày tỏ trăn trở về những tiềm năng của vùng ĐBSCL vẫn chưa được khai thác hiệu quả.
Theo bà Hạnh, truyện kể về những sản phẩm nông sản đặc sản của các vùng quê là một thứ tài nguyên vô giá. Nếu biết vận dụng những câu chuyện này sẽ thu hút được sự quan tâm và để lại dấu ấn đối với nhiều người. Qua đó góp phần tiếp thị hình ảnh thương hiệu của các sản phẩm nông sản, đồng thời thu hút được sự quan tâm của khách du lịch.
Phương thức tiếp thị thương hiệu nông sản mới và độc đáo này sẽ được áp dụng tại Hội chợ nông sản – sản phẩm làng nghề miền Nam tổ chức tại Đồng Tháp từ ngày 8 – 11/7.
Những câu chuyện về đường thốt nốt An Giang, sầu riêng Cái Mơn, gạo Nàng Thơm – chợ Đào (An Giang), bánh tét lá cẩm Cần Thơ, bánh pía Sóc Trăng… sẽ được kể lại một cách sinh động, dí dỏm qua cách thể hiện của các nghệ sĩ nổi tiếng như Hoàng Sơn, Trung Dân, nhà thơ Đỗ Trung Quân…
Hội chợ lần này thu hút sự tham gia của 12 tỉnh thành với 155 đơn vị và 379 gian hàng. Đây là họat động thuộc khuôn khổ Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước của Bộ Công thương, do Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ Hàng Việt tổ chức.
Chương trình được thực hiện với mục đích kết nối các yếu tố của chuỗi giá trị nông sản – sản phầm làng nghề và thực hiện Tháng hành động vì nông sản – đặc sản Việt Nam. Hội chợ sẽ là dịp để nối kết các nhà sản xuất nông sản, hợp tác xã và cơ sở làng nghề với các nhà phân phối, cung ứng dịch vụ hậu cần và các doanh nghiệp chế biến nhằm xây dựng thị trường tiêu thụ nông sản, đặc sản làng nghề vững mạnh, nâng cao năng lực thị trường của nhà sản xuất nông sản – đặc sản làng nghề để họ có thể sản xuất hiệu quả hơn, ít tốn kém và biết cách làm thương hiệu, với cái nhìn xa hơn là đem sản phẩm của mình lên tầm quốc tế.
“Hội chợ nhấn mạnh tính nguồn gốc xuất sứ của sản phẩm, giúp người nông dân truyền thông rõ hơn về sản phẩm nông sản của mình nhằm xây dựng những thương hiệu nông sản chứ không đơn thuần là nhãn hiệu” – ông Trần Anh Tuấn, Đối tác điều hành của BSA khẳng định.
Lê Dung / Bee.net

Bình luận (0)