Tại phiên họp thường kỳ tháng 9, thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội tháng 9 và 9 tháng của năm 2011, ngoài các vấn đề nóng như việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, lạm phát, thì hoạt động của các doanh nghiệp (DN) nhà nước lại được tiếp tục “mổ xẻ”.
Thảo luận về thực trạng hoạt động của DN nhà nước trong 5 năm qua và phương hướng mục tiêu trong 5 năm tới, các thành viên Chính phủ cho rằng, quy định liên quan đến công tác quản lý vốn, tài sản tại các DN do Nhà nước làm chủ sở hữu trong thời gian qua cơ bản đã tạo lập môi trường và điều kiện hoạt động kinh doanh cho DN.
Đa số các tập đoàn, tổng công ty kinh doanh có hiệu quả, đóng góp số thu lớn cho ngân sách nhà nước như: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Lương thực Miền Nam, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn… Nhiều tập đoàn, tổng công ty đóng vai trò quan trọng trong việc cung ứng những mặt hàng quan trọng như: điện, than, xăng dầu…, tham gia vào việc bình ổn giá…
Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp còn chồng chéo, chưa có quy định cơ quan chịu trách nhiệm trong việc quản lý…
Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán báo cáo tài chính của doanh nghiệp chồng chéo. Một số tập đoàn, tổng công ty trong những năm qua đã tham gia góp vốn vào ngân hàng thương mại cổ phần, công ty chứng khoán, bất động sản…, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh chính.
Các thành viên Chính phủ kiến nghị, cần khẩn trương xây dựng và ban hành cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện và trách nhiệm của doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu, sắp xếp lại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước…; kiên quyết xử lý dứt điểm các DN nhà nước thua lỗ kéo dài, rút vốn khỏi ngành nghề sản xuất kinh doanh chính.
Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định trong quý IV này, Bộ Giao thông Vận tải sẽ xử lý dứt điểm tình trạng thua lỗ kéo dài tại Tổng công ty Xây dựng đường thủy. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Chính phủ tập trung xử lý những tồn tại ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó sắp xếp lại tổ chức bộ máy gắn với cổ phần hóa, xây dựng phương án xử lý nợ, đồng thời xử lý dứt điểm các DN thua lỗ kéo dài.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, xây dựng Đề án đổi mới DN nhà nước, trong đó tập trung vào sắp xếp tái cơ cấu của từng tập đoàn và tổng công ty, song song với việc đưa ra mô hình đổi mới cơ chế quản lý, cần quy định rõ trách nhiệm chủ sở hữu (kiểm tra giám sát chấp hành pháp luật và công tác cán bộ).
Thủ tướng yêu cầu các tập đoàn rút vốn ra ngoài ngành sản xuất kinh doanh chính, dẹp bỏ các công ty tài chính thuộc tập đoàn và đẩy mạnh sắp xếp cổ phần hóa DN…
ĐÌNH TÙNG / DNSG
Bình luận (0)