Cuối tháng 3 năm 2010, Giáo Dục TP.HCM đã công bố kế hoạch cuộc thi Giải quyết tình huống giáo dục (GQTHGD) lần thứ XI, đã đăng đề thi và cơ cấu giải thưởng. Hàng trăm bài dự thi của giáo viên và cán bộ quản lý đã gửi đến tòa soạn, một số đã được chọn đăng. Do trang báo có hạn, bài thi lại nhiều; đồng thời có ý kiến đề nghị tiếp tục cuộc thi nhằm hưởng ứng chủ đề năm học 2010-2011 do bộ phát động “Tiếp tục đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục”, nay Ban biên tập quyết định kéo dài cuộc thi đến cuối tháng 4-2011 để chọn đăng tiếp các bài đã nhận và kêu gọi các thầy cô, các trường và bạn đọc tiếp tục tham gia cuộc thi này. Buổi tổng kết và trao giải sẽ tổ chức vào tháng 5-2011, nhằm chào mừng kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ.
Báo Giáo Dục TP.HCM
Điều lệ của cuộc thi
Điều kiện tham dự:
– Người tham dự gửi bài viết dự thi. Nội dung bài nêu biện pháp, kinh nghiệm giải quyết tình huống đã được nêu trên báo (nêu nhận thức, lý luận, biện pháp tiến hành, kết quả).
Cơ cấu giải thưởng:
+ Cá nhân:
– 1 giải nhất: trị giá 4 triệu đồng và quà tặng.
– 1 giải nhì: trị giá 3 triệu đồng và quà tặng.
– 1 giải ba: trị giá 2 triệu đồng và quà tặng.
– 10 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 500 ngàn đồng và quà tặng.
+ Tập thể: Giải thưởng là 1 máy vi tính dành cho đơn vị có số lượng giáo viên tham gia nhiều nhất.
Những điều cần lưu ý:
– Để dự thi: tác giả cắt “phiếu tham dự cuộc thi giải quyết tình huống giáo dục” lần 10 đã được đăng trên báo, dán vào bài dự thi, điền đầy đủ chi tiết của phiếu. Bạn đọc không có báo in, có thể lấy đề thi trên Báo Giáo Dục điện tử www.giaoduc. edu.vn.
– Bài viết trên một mặt giấy A4 (hoặc giấy tập học sinh); hoặc gửi email: giaoductphcm @gmail.com hoặc tantruc_tg @yahoo.com. Bài gửi email cũng cần ghi rõ các chi tiết theo yêu cầu của “phiếu tham dự”.
BTC
|
Đề thi giải quyết tình huống giáo dục lần XI
Hiệu trưởng toàn năng?
Ông hiệu trưởng trường A nổi tiếng về sự nhiệt tình xăng xái và khó tính. Việc gì dù nhỏ đến đâu ông cũng tìm cách quan tâm quán xuyến đến từng chi tiết. Vốn là giáo viên dạy ngoại ngữ, song ông luôn có mặt dự giờ thường xuyên ở mọi bộ môn và luôn góp ý chỉ đạo xem ra rất bài bản. Ngay việc xếp hàng chào cờ đầu tuần, ông cũng đứng ra hò hét đốc thúc từng lớp chỉnh đốn đội ngũ. Văn nghệ, thể thao và nhiều cuộc thi thố khác của trường, ông chẳng những là người trực tiếp thiết kế, đạo diễn mà còn thực sự là thành viên đầu tàu không thể thiếu. Người ta phong cho ông là “một hiệu trưởng toàn năng”. Song xem ra mọi chuyện lại không như ý. Cứ có ông thì mọi việc đâu vào đó. Còn cứ khi nào vì lý do nào đó ông không có mặt là mọi chuyện lại rối tung.
Ông hiệu trưởng trường B lại có phong cách chỉ đạo khác. Giờ chào cờ đầu tuần ông cứ ung dung ngồi trong phòng uống nước. Tổng phụ trách cho học sinh xếp hàng đâu ra đấy, rồi trịnh trọng giới thiệu danh xưng của mình, ông mới thủng thẳng bước ra phía lễ đài trong tràng pháo tay giòn giã của cả trường. Việc to việc nhỏ, ông đều quản lý theo kế hoạch và phân định rõ trách nhiệm cho từng bộ phận quản lý và báo cáo. Song không ít người lại chê bai cách quản lý của ông là quan liêu, thiếu sâu sát.
Bạn vui lòng bộc lộ chính kiến của mình về cách quản lý của hai vị hiệu trưởng trên. Theo bạn một hiệu trưởng mẫu mực cần hội đủ những tiêu chí gì để đáp ứng yêu cầu của chủ đề năm học 2009-2010 và 2010-2011 là Đổi mới công tác quản lý nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện?Và bản thân bạn cần làm gì để góp phần tích cực thực hiện chủ đề ấy?
NGƯT NGUYỄN NGỌC KÝ
|
Bình luận (0)