Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”. Mục đích nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về sự nghiệp đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT về xây dựng xã hội học tập.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức phát biểu khai mạc Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2020, diễn ra tại Trường THCS Lương Định Của (Q.2, TP.HCM)
Đồng thời, vận động toàn dân tích cực tham gia phong trào thi đua công tác xây dựng xã hội học tập, gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua nhằm nâng cao dân trí, nhận thức nhân lực, góp phần phát triển sự nghiệp GD-ĐT của đất nước.
Để đạt được những mục đích này, Đề án yêu cầu Cục Thông tin cơ sở, Cục Báo chí, Cục phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục Thông tin đối ngoại, Cục Xuất bản, In và phát hành, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, sở thông tin và truyền thông các tỉnh, thành phải đảm bảo thông tin tuyên truyền về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Đề án đến các tầng lớp nhân dân trên cả nước bằng nhiều hình thức, phù hợp với điều kiện từng địa phương.
Theo đó, nội dung tập trung vào tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và toàn xã hội về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập trong điều kiện phát triển nền kinh tế số, xã hội số; thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, các thiết chế văn hóa.
Tuyên truyền “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời”, “Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam” hàng năm; các gương điển hình tiên tiến, cách làm hay, sáng kiến có giá trị trong phong trào khuyến học, khuyến tài; gương sáng về tự học, tự học thành tài để lập thân, lập nghiệp tại các địa phương…
Phương thức tuyên truyền tập trung vào xây dựng các chuyên mục về xã hội học tập; sản xuất các tin, bài, ảnh, phóng sự, trực tuyến media; tăng cường các chương trình phỏng vấn, tọa đàm, hình ảnh phản ánh trên các hệ phát thanh, kênh truyền hình; trên hệ thống cơ sở truyền thanh cấp huyện, xã và các phương tiện khác tại địa phương; thông tin trên bảng tin công cộng, tụ điểm sinh hoạt văn hóa, cộng đồng của người dân; trang thông tin điện tử…
N.Trinh
Bình luận (0)