Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tiếp tục khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 20-2, Ban Chỉ đạo Trung ương tổ chức hội thảo khoa học về tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.


Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại hội thảo

Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Võ Văn Thưởng – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 23-NQ/TW; Nguyễn Văn Nên – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 23-NQ/TW; Bùi Thị Minh Hoài – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 23-NQ/TW; Phạm Tất Thắng – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương, Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 23-NQ/TW.

Đến dự hội thảo có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và các đại biểu khác.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, đại đoàn kết toàn dân tộc giữ vị trí đặc biệt quan trọng, nhất quán và xuyên suốt trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.


Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại hội thảo

Đến nay, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW và các chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc đã đạt được nhiều kết quả tích cực, như báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định: “Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố; dân chủ xã hội chủ nghĩa tiếp tục được phát huy; ban hành và thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. MTTQ và các đoàn thể nhân dân tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, vận động đông đảo nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát huy ngày càng tốt hơn vai trò đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân; chủ động tham gia giám sát và phản biện xã hội; làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, góp phần tích cực vào những thành tựu chung của đất nước”.

Tuy nhiên, “sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc có lúc, có nơi chưa được quan tâm phát huy đầy đủ. Các nguồn lực, tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chưa được phát huy tốt”, ông Đỗ Văn Chiến cho hay; đồng thời ông nhấn mạnh: “Thời gian tới, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới, để tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải quán triệt trong nhận thức và hoạt động thực tiễn 5 quan điểm cơ bản, trong đó có quan điểm “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc””.

Tại hội thảo, các tỉnh thành, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận với tinh thần khoa học, cởi mở, thẳng thắn, là cơ sở để Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 23-NQ/TW tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản tổng kết, nhất là những vấn đề cần bổ sung trong lý luận về đại đoàn kết toàn dân tộc và những vấn đề, yêu cầu mới do thực tiễn đặt ra; trên cơ sở đó, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương ban hành văn bản về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới.

Tại TP.HCM, có 54 dân tộc đang sống và làm việc, mỗi đồng bào dân tộc luôn giữ gìn và phát huy tốt bản sắc văn hóa của dân tộc mình, đây là yếu tố quan trọng để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; tạo nên sự đa dạng văn hóa cũng như nét văn hóa đặc trưng của TP.


Quang cảnh hội thảo

Ông Nguyễn Hồ Hải – Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết, nhân dân các địa phương đến TP sống và làm việc đã có nhiều đóng góp quý báu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội; đặc biệt phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, nghĩa tình, chung tay, đồng lòng cùng TP tham gia công tác phòng, chống, vượt qua đại dịch Covid-19. Sau khi đại dịch được kiểm soát, các lực lượng, cộng đồng doanh nghiệp đã chung tay thực hiện các mục tiêu phục hồi kinh tế TP.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW vẫn còn những hạn chế, khó khăn chung của một số tỉnh, thành, như việc cải tiến, đổi mới phương thức lãnh đạo phù hợp thực tiễn; công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai, xây dựng, đô thị và công tác quản lý cán bộ còn hạn chế, chưa sâu sát, không kịp thời; đặc biệt, hạn chế lớn nhất của thành phố là tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác hiệu quả; tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt đối với vùng và cả nước…

Với bối cảnh, những thách thức, dự báo trong những năm tới, tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi rất phức tạp, nhanh chóng, khó lường, theo Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải, thì hệ thống chính trị TP, nhất là hệ thống MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội các cấp phải đổi mới mạnh mẽ hành động quyết liệt, sáng tạo; xác định đúng các mục tiêu, nội dung chương trình hành động của các cấp, tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn TP.

N.Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)