Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Tiếp tục kiểm tra và xử lý nghiêm những trường vi phạm

Tạp Chí Giáo Dục

Sau khi kiểm tra 24 trường ĐH, CĐ trong quý 4/2011, Bộ GD-ĐT đã đình chỉ 3 trường ĐH, CĐ, 12 ngành đào tạo. Năm 2012, Bộ thực hiện kiểm tra tiếp các trường thành lập từ năm 1998 đến nay và sẽ tiếp tục xử lý nghiêm các vi phạm.

Công bố đình chỉ tuyển sinh 3 trường ĐH, CĐ và 12 ngành đào tạo không thực hiện đúng cam kết thành lập trường của Bộ GD-ĐT như tiếng chuông cảnh tỉnh với nhiều trường ĐH, CĐ. Có lẽ đây là đợt xử lý nghiêm nhất từ trước tới này của Bộ GD-ĐT với các trường vi phạm.
 
Trao đổi với báo chí về lý do kiểm tra, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết: “Bộ thực hiện theo Nghị quyết số 50/2010/NQ-QH 12 ngày 19/6/2010 của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật, về thành lập trường, đầu tư đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học; Chỉ thị số 296/CT-TTg ngày 27/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 – 2012. Khi kiểm tra, bộ dựa vào báo cáo của các trường và chọn một số trường tốt, trường trung bình và trường yếu. Không phân biệt trường công hay tư trong việc xử lý”.
 
Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT.
 
Ông đánh giá thế nào qua đợt kiểm tra 24 trường ĐH, CĐ này?
 
Qua kiểm tra, có ưu điểm là hầu hết các trường đã cố gắng xin đất, xây dựng cơ sở vật chất, huy động kinh phí, xây dựng lực lượng để triển khai mở ngành đào tạo sau khi thành lập trường hoặc nâng cấp. Các trường công lập duy trì và phát triển mạnh quy mô. Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn đã định hình một mô hình chất lượng cao với quy mô nhỏ song điều kiện đội ngũ và tài chính tốt. Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Công nghiệp TP.HCM trang bị được nhiều thiết bị hiện đại; 13 trường đã có trên 5 ha đất trong đó có 6 trường có trên 20ha đất như trường ĐH Cửu Long, ĐH Sài Gò, ĐH Công nghiệp Hà Nội, trường ĐH Kinh tế – QTKD thuộc ĐH Thái Nguyên, ĐH Hòa Bình, ĐH Hà Hoa Tiên. Tuy nhiên, một số trường cũng đã gặp khó khăn vì lý do khách quan.
 
6 trường có trên 200 giảng viên (GV) cơ hữu; 7 trường có dưới 25 SV/GV cơ hữu và hợp đồng dài hạn như trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Y tế Hải Dương, ĐH Điều Dưỡng Nam Định, ĐH Quốc tế Sài Gòn, ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Kinh tế – Tài chính TPHCM, ĐH Hà Hoa Tiên, ĐH Nguyễn Trãi.
 
Tuy nhiên, hầu hết các trường chưa thực hiện cam kết. Các chỉ tiêu theo văn bản cam kết khi thành lập trường hầu hết đều cao, nhiều chỉ tiêu thậm chí quá cao khó thực hiện được. Có trường chưa định hướng phát triển được như ĐH Hà Hoa Tiên. Nhiều trường số lượng giảng viên cơ hữu không đảm bảo. Bộ đã đình chỉ tuyển sinh 3 trường ĐH, CĐ, 12 ngành đào tạo và cảnh báo 7 trường ĐH.
 
Tại sao có những trường không đạt tiêu trí như số lượng SV/GV quá cao như ĐH Công nghiệp 66,2 SV/GV, ĐH Tài chính Marketing 50,8 SV/GV, ĐH Đại Nam 46 SV/GV…hay như trường ĐH Nguyễn Trãi chưa có đất, chưa có diện tích xây dựng nhưng lại không bị phạt mà chỉ phạt 3 trường?
 
Đoàn kiểm tra đã dựa vào hai tiêu chí chính là tỉ lệ SV/GV, diện tích đất/SV để đánh giá và làm cơ sở xử lý vi phạm của các trường. Ba trường bị đình chỉ có nhiều lỗi và mức độ sai phạm nặng nhất.
 
Trường ĐH Đông Đô thành lập hơn 10 năm nhưng cơ sở vẫn đi thuê, trong khi đó tỷ lệ SV/GV rất cao 55.5 SV/GV; trường ĐH Văn Hiến cơ sở cũng đi thuê, tỷ lệ SV so với GV quá cao là 95,1 SV/GV. Còn trường CĐ CNTT TP.HCM diện tích đất của trường dưới 01 ha mà tỷ lệ 84,5 SV/GV…Tuy trường ĐH Nguyễn Trãi không có đất nhưng tỷ lệ SV/GV của họ ít chỉ có 12,7 SV/GV.
 

Những trường chưa có đất, chưa xây dựng được cơ sở vật chất, đến năm 2013, nếu các trường này vẫn chưa thực hiện theo cam kết, Bộ sẽ đình chỉ hoạt động giáo dục và xem xét đề nghị Thủ tướng Chính phủ giải thể trường.

 
Những trường khác cũng vi phạm nhưng chưa đến mức đình chỉ thì các đoàn kiểm tra cảnh báo ngay tại trường. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT vừa ban hành thông tư mới về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Dựa trên kết quả kiểm tra, Bộ sẽ xem xét thông báo chỉ tiêu tuyển sinh của các trường phù hợp với điều kiện thực tế về đội ngũ giảng viên cơ hữu và cơ sở vật chất. Những trường vi phạm sẽ buộc phải cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh.
 
Trên cơ sở kết luận này, Bộ GD-ĐT có văn bản riêng cho từng trường nêu về những sai phạm của họ, yêu cầu khắc phục, đồng thời gửi công văn tới trường có đơn vị chủ quản quan tâm để trường phát triển.
 
Trách nhiệm của Bộ GD-ĐT như thế nào khi để sảy ra tình trạng các trường vi phạm ?
 
Việc thành lập trường không chỉ riêng Bộ GD-ĐT mà có nhiều bộ, ban ngành khác tham gia. Bộ GD-ĐT có trách nhiệm kiểm tra các trường sau khi thành lập.
 
Có những trường thành lập theo luật giáo dục cũ nên vừa thành lập trường vừa được tuyển sinh đào tạo ngay nên xảy ra tình trạng nhiều trường “hứa” rất nhiều nhưng thực tế thực hiện không được bao nhiêu.
 
Sau khi Luật giáo dục sửa đổi, quy định các trường sau khi thành lập phải chuẩn bị đủ điều kiện mới được phép tuyển sinh, tình trạng làm trái cam kết được hạn chế. Đây là ưu điểm của luật giáo dục mới. Để khắc phục những bất ổn ở những trường được thành lập giai đoạn trước, Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý sai phạm.
 
Vậy Bộ GD-ĐT có giải pháp gì để chấm dứt vi phạm này?
 
Trong đổi mới GD- ÐT, ngoài việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Ðể chấm dứt các vi phạm không phải là điều dễ dàng nhưng đợt kiểm tra lần này ngoài việc xử lý còn nhằm cảnh báo, răn đe một số cơ sở đào tạo không thực hiện đúng các cam kết khi thành lập trường. Trong năm 2012 Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục kiểm tra các trường được thành lập từ năm 1998 đến nay.
 
Xin cảm ơn ông!
Theo Hồng Hạnh
(Dân trí)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)