Việc tuyển sinh bằng hình thức bốc thăm vào sáng 5/7 diễn ra khá trật tự, nghiêm túc ở Trường Mầm non Chu Văn An.
Ngày 5/7, nhiều trường mầm non ở Hà Nội vẫn tiếp tục nóng bỏng tuyển sinh. Cuộc đua giành suất học cho con vẫn là cơn sốt của các bậc phụ huynh khi việc xếp hàng không còn là trắng đêm mà diễn ra suốt 24h. Tuy nhiên, do thay đổi phương pháp tuyển sinh bằng hình thức bốc thăm nên một số trường đã không xảy ra cảnh chen lấn bức xúc như mọi năm.
Vẫn xếp hàng tranh nhau suất học
Vẫn xếp hàng tranh nhau suất học
Ngày 5/7, Trường Mầm non Bình Minh, quận Tây Hồ tiếp tục tuyển sinh 3 lớp mẫu giáo bé (trẻ sinh năm 2008), mỗi lớp 30 học sinh. Theo điều tra dân số của phường Bưởi thì trẻ sinh năm 2008 chiếm tỷ lệ lớn và đây là độ tuổi "nóng" nhất năm nay. Chính vì quá tải nên phụ huynh đã lo lắng đi xếp hàng từ 7h sáng hôm trước. Xếp hàng suốt 24h để giành suất học cho con, đến 8h sáng 5/7, nhiều phụ huynh đã khá mệt mỏi. Chị Dương Thị Hương, nhà ở khu vực Trích Sài, cho biết: "Cả nhà tôi thay phiên nhau ra cổng trường xếp hàng từ sáng hôm qua và may mắn vẫn còn kịp".
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết điều này mà đi xếp hàng từ sớm. Nhiều phụ huynh chiều 4/7 đến xếp hàng và đã không còn cơ hội khi danh sách vượt quá chỉ tiêu mà nhà trường tuyển sinh.
Chị Thanh Nga ở đường Thụy Khuê bức xúc: "Tôi biết thế này thì đi từ ngày hôm trước. Chẳng biết người ta xếp hàng lúc nào mà ra nữa. Không có quy luật, giờ giấc, chúng tôi chẳng biết đâu mà lần".
Xin học cho con mà phải canh suất từ ngày hôm trước đã tạo một áp lực rất lớn cho phụ huynh. Nó không những gây mất thời giờ cho phụ huynh mà còn tạo sự bức xúc, nghi ngờ về sự không minh bạch của danh sách xếp hàng.
Bốc thăm: phương pháp tuyển sinh hợp lý, minh bạch
Rút kinh nghiệm từ những năm trước, nhiều trường mầm non ở Hà Nội đã sử dụng hình thức bốc thăm. Có mặt ở Trường Mầm non Chu Văn An, quận Tây Hồ vào lúc 8h sáng 5/7, chúng tôi ghi nhận được không khí tuyển sinh rất trật tự ở đây, khác hẳn sự chen lấn, giành giật như năm ngoái.
Ngày 5/7, nhà trường tổ chức tuyển sinh cho trẻ sinh năm 2008 vào 1 lớp mẫu giáo bé, chỉ tiêu tuyển sinh là 30 cháu. Khu vực tuyển sinh nằm ở Hội trường tầng 3. Từ 7h-9h nhà trường làm thủ tục tiếp nhận danh sách học sinh và phụ huynh đăng ký học cho con. 9h, Ban tuyển sinh chốt lại danh sách, có 78 phụ huynh đăng ký.
Theo bà Vũ Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng nhà trường thì chỉ tiêu tuyển 30 cháu nhưng đã có 2 cháu là con thương binh nặng được ưu tiên tuyển thẳng, nên chỉ còn 28 chỉ tiêu. Việc bốc thăm diễn ra khá trật tự, minh bạch. Phụ huynh nào bốc được thăm trúng tuyển lập tức nhận được một tràng vỗ tay của các phụ huynh khác. Còn phụ huynh nào thiếu may mắn thì cũng không bị bức xúc.
Ông Nguyễn Văn Ban, nhà ở đường Hoàng Hoa Thám cho biết: "Tôi thay mặt con trai đi bốc thăm cho đứa cháu nội nhưng không trúng. Cách làm này theo tôi là khá công bằng, ai may mắn thì trúng, còn không thì cũng không bức xúc hay thắc mắc gì". Theo ghi nhận của chúng tôi thì hầu hết phụ huynh có mặt ở buổi tuyển sinh này đều đồng tình với cách bốc thăm vì theo họ nó không gây lãng phí thời gian xếp hàng cả đêm như trước. Theo bà Vũ Thị Thanh Hà thì ngày 4-7 nhà trường tổ chức tuyển sinh 1 lớp mẫu giáo nhỡ với 30 chỉ tiêu, có 46 phụ huynh đăng ký, những phụ huynh bốc thăm không trúng đều vui vẻ ra về và không có thắc mắc, kiến nghị nào.
Lứa trẻ 2 tuổi bắt đầu vào trường mầm non được coi là lứa tuổi dễ gây "sốt" khi vào mùa tuyển sinh. Ở nơi diễn ra tranh giành suất lộn xộn nhất năm 2010 thì năm nay đã có tình hình khác hẳn là Trường Mầm non Thanh Xuân Bắc.
Từ ngày 4 đến ngày 6/7, Trường Mầm non Thanh Xuân Bắc tuyển trẻ sinh năm 2010. Không phải chờ đợi, xếp hàng từ hôm trước như một số trường khác trên địa bàn Hà Nội, phụ huynh ở khu vực này đến sớm một chút do lo lắng. Chiều 5-7, lượng đơn đã được phát hết. Toàn bộ số trẻ thuộc diện KT1 trên địa bàn phường được đáp ứng nhu cầu học.
Bà Trịnh Hoài Hương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Xuân Bắc cho biết cách làm khoa học trong tuyển sinh năm nay: Trước mùa tuyển sinh, nhà trường phối hợp với chính quyền phường rà soát các cháu ở các lứa tuổi. Sau khi xác định được số trẻ sinh năm 2009 có khoảng 90 trẻ có hộ khẩu KT1, nhà trường đề xuất với Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân cho chỉ tiêu tương ứng với số trẻ thực tế. Chính vì vậy, nhà trường đã giải quyết hầu hết nhu cầu học của trẻ. Bên cạnh đó, nhà trường cũng phối hợp địa phương làm thông báo với khu phố, đề nghị phụ huynh có con thuộc diện trái tuyến thực hiện xã hội hóa giáo dục, cho con học trường tư. Do tuyên truyền tốt nên công tác tuyển sinh của trường năm nay đã không chịu áp lực như năm trước.
Sáng 6/7, Trường Mầm non Tràng An thuộc phường Thanh Xuân Bắc cũng bắt đầu tuyển sinh lứa tuổi SN 2007, 2008. Chỉ tiêu tuyển vào trường khá cao với tổng số 420 trẻ nên hứa hẹn ngày tuyển sinh sẽ không bị quá tải.
Nói về việc các trường công lập khó tuyển trẻ học trái tuyến, bà Trịnh Hoài Hương cho rằng để giải quyết tình trạng quá tải, cần phải có sự đổi mới đồng bộ giữa cơ sở vật chất của trường học với dân số trên địa bàn.
Hiện nay, nhiều trường mầm non ở Hà Nội vẫn đang tiếp tục tuyển sinh. Một số trường đã nêu trên có cách làm tốt để tránh lộn xộn trong ngày tuyển sinh. Đối với những trường khác, khi ngành Giáo dục và chính quyền chưa giải quyết được tình trạng thiếu trường trên địa bàn thì các trường mầm non công lập cần thay đổi phương pháp tuyển sinh, tuyên truyền hướng dẫn các phụ huynh nên chọn điểm học cho con hợp lý, tránh tạo áp lực lên cơ sở công lập. Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phải siết chặt kiểm tra, giám sát chất lượng dạy và học, cơ sở vật chất, mức thu phí đối với trường dân lập, đảm bảo có đủ chỗ học cho con em người lao động có thu nhập thấp.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định:
Không có chuyện từ chối trẻ 5 tuổi vào học trường công lập Chiều 5/7, tại cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức thường kỳ, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) khẳng định, đúng là có chuyện "căng thẳng" trong việc xếp hàng chờ hồ sơ nhập học tại các trường mầm non do áp lực dân số, mức học phí chênh lệch giữa trường công lập và ngoài công lập. Tuy nhiên, bà Hương lại khẳng định, tình trạng phụ huynh xếp hàng thâu đêm trước các cổng trường mầm non để mua được hồ sơ xin học cho con trong năm nay đã giảm. Cụ thể, năm ngoái có 5 trường xảy ra tình trạng này, nhưng năm nay chỉ còn Trường Bình Minh (quận Tây Hồ) và trường Thành Công A (quận Đống Đa).
Theo bà Hương, tỉ lệ trẻ được học mầm non công lập đã tăng lên. Trước kia 70% trẻ mẫu giáo và mầm non phải học ngoài công lập, nay đã có trên 85% trẻ mầm non được học hệ công lập. Bên cạnh đó, số trường mầm non công lập cũng tăng. Trên địa bàn Hà Nội hiện có 837 trường Mầm non, trong đó có 683 công lập (chiếm 81,6%). Trên cả nước chỉ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mới có tỉ lệ trường mầm non công lập cao như vậy. Tuy nhiên, số trường mầm non trên vẫn chưa đáp ứng áp lực ngày càng tăng của dân số Hà Nội. Khu vực căng thẳng nhất là các quận nội thành, nơi dân số đông, quỹ đất dành cho trường học hạn hẹp.
Để giảm áp lực cho các gia đình có trẻ lứa tuổi mầm non, Sở đã chỉ đạo ưu tiên nhận trẻ 5 tuổi vào trường công lập. Dù các em này trước đó học ở trường ngoài công lập thì khi đủ 5 tuổi cũng được ưu tiên nhận vào trường công lập đúng tuyến. Bà Hương khẳng định: "Nếu phát hiện bất cứ hiệu trưởng trường mầm non nào từ chối nhận trẻ 5 tuổi, phụ huynh hãy phản ánh với chúng tôi. Hiện nay, tất cả các trường đều dán thông báo tuyển trẻ 5 tuổi để thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học".
N.Y.
|
Theo cand
Bình luận (0)