Trong tháng 8 này, Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trong cả nước sẽ tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Các bệnh viện (BV) trực thuộc Bộ Y tế cũng áp dụng giá viện phí mới vào cuối năm nay, trong đó tính thêm 2 yếu tố là phụ cấp trực và phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật. Việc giá viện phí tiếp tục tăng đã khiến người dân thêm lo lắng về gánh nặng kinh tế mỗi khi đau ốm phải đi viện.
Còn tăng tới năm 2018
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2014 đến nay, đã có 14 địa phương trình UBND, HĐND tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Trong đó, một số tỉnh điều chỉnh theo lộ trình, một số tỉnh thì do sau quá trình thực hiện phát hiện giá nhiều dịch vụ y tế thấp hơn 60% khung giá đã được phê duyệt, không thể đủ chi phí thực hiện dịch vụ. Ví dụ như Hà Nội, trong tháng 8, địa phương này sẽ chính thức áp dụng khung giá viện phí mới sau khi đã tăng viện phí một lần vào tháng 8 năm ngoái.
Bà Lưu Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong lần điều chỉnh viện phí trước, Hà Nội mới chỉ điều chỉnh ở 447 dịch vụ kỹ thuật y tế, các dịch vụ khác vẫn thực hiện theo Thông tư 03/2006 là thu một phần viện phí. Do vậy, việc điều chỉnh tới đây là cần thiết và việc điều chỉnh giá viện phí sẽ không ảnh hưởng đến quỹ BHYT. Bởi lẽ mức tăng lần này cũng chỉ từ 80% – 100% quy định ở Thông tư 03/2006, tùy theo từng hạng bệnh viện.
Người dân không khỏi lo lắng trước việc viện phí tiếp tục tăng.
Về phía Bộ Y tế, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính cho biết, Bộ Y tế đang phân loại các phẫu thuật, thủ thuật để tiến tới áp dụng viện phí mới đối với các bệnh viện trực thuộc bộ vào cuối năm 2014.
Cụ thể, tiền phụ cấp trực được tính vào giá ngày giường và phí chi trả phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật tính vào giá từng phẫu thuật, thủ thuật. Theo đó, giá các ca phẫu thuật đặc biệt như ghép tạng, mổ tim… tối đa sẽ tăng thêm 1.520.000 đồng/ca. Các thủ thuật cũng tăng lên tối đa 300.000 đồng/ca với thủ thuật loại đặc biệt. Đây là số tiền sẽ trả cho cả kíp phẫu thuật, thủ thuật. Cùng với đó, giá giường bệnh cũng tăng thêm chi phí trả cho chế độ phụ cấp trực với mức điều chỉnh tăng từ 11.000 – 20.000 đồng/ngày tùy hạng bệnh viện.
Bộ Y tế cũng cho biết, theo lộ trình những năm tới, viện phí sẽ tiếp tục được điều chỉnh. Trong đó, giai đoạn 2015-2016, viện phí sẽ tính thêm 30% quỹ tiền lương cơ bản đối với các bệnh viện tuyến tỉnh ở khu vực miền núi và các bệnh viện quận thuộc Hà Nội, TPHCM và 50% quỹ tiền lương cơ bản đối với các bệnh viện tuyến trung ương. Đến giai đoạn 2017-2018, giá viện phí sẽ tính đủ 100% quỹ tiền lương cơ bản đối với các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương.
Sau năm 2018, giá dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ toàn bộ các chi phí để thực hiện dịch vụ y tế. “Khi giá dịch vụ được tính đúng, tính đủ thì các bệnh viện sẽ không được ngân sách cấp kinh phí hoạt động như hiện nay mà sẽ dùng từ nguồn thu của hoạt động khám chữa bệnh” – ông Nguyễn Nam Liên nêu rõ.
Gánh nặng trên vai ai?
Trước việc viện phí sẽ tiếp tục tăng, người dân đang rất lo lắng về gánh nặng kinh tế, chi phí khám chữa bệnh tăng cao. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nam Liên, hiện nay khoảng 70% dân số đã tham gia BHYT nên dù viện phí có tăng thì mức tác động từ điều chỉnh viện phí lần này không lớn. Những nhóm đối tượng được BHYT thanh toán 100% đương nhiên không bị ảnh hưởng. Những trường hợp phải đồng chi trả thì chỉ đóng thêm 5% hoặc 20% của số tăng thêm nên cũng không phải là gánh nặng quá lớn.
Như vậy, viện phí tăng chỉ thực sự tác động mạnh đến những người chưa có thẻ BHYT, hiện chiếm khoảng 30% dân số cả nước, tương đương 27 triệu người.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Nam Liên cho biết, đây chủ yếu là các đối tượng có mức thu nhập trung bình trở lên, trong đó nhiều người có khả năng chi trả chi phí khám chữa bệnh. Cũng có những trường hợp thuộc 30% dân số này mắc bệnh nặng, chi phí điều trị lớn sẽ khó có thể chi trả. Tuy vậy, những người này muốn giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh thì không còn cách nào khác phải tham gia BHYT.
Theo quan điểm của Bộ Y tế, việc điều chỉnh viện phí sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho người dân, đặc biệt là người bệnh có mua BHYT. Trước đây, do giá dịch vụ y tế thấp, chưa quy định rõ nên nhiều trường hợp người bệnh phải tự mua hoặc thanh toán một số loại vật tư để thực hiện dịch vụ.
Việc điều chỉnh giá viện phí lần này đã tính một số vật tư thông dụng, người bệnh không phải tự mua hoặc trả thêm nên giảm bớt thời gian, thủ tục hành chính phiền hà. Cơ quan BHYT cũng thanh toán với mức cao hơn nên giảm bớt sự đóng góp thêm của người bệnh có thẻ BHYT đối với các dịch vụ mà trước đây giá thấp, bệnh viện phải thu thêm của người bệnh phần quỹ BHYT không thanh toán.
Về phía các BV, nhiều giám đốc BV cho biết, khi giá dịch vụ y tế tính đúng, tính đủ thì BV, nhất là tuyến dưới sẽ có thêm nguồn thu để chủ động đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc hiện đại và phát triển kỹ thuật cao để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Điều này cũng giúp người bệnh hạn chế phải chuyển tuyến trên và đưa dịch vụ y tế về gần dân.
Hơn nữa, khi giá dịch vụ được tính đủ, BV không được ngân sách cấp kinh phí hoạt động mà phải dựa vào nguồn thu của hoạt động khám chữa bệnh. Do đó, BV muốn tồn tại và phát triển được thì phải nâng cao chất lượng chuyên môn. Nếu không, người bệnh không tìm đến hoặc cơ quan BHXH không ký hợp đồng thì BV không có nguồn kinh phí để hoạt động.
TRUNG KIÊN (SGGP)
Bình luận (0)