Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tiếp tục thực hiện chủ trương, chiến lược của Đảng trong giáo dục và đào tạo

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng ngày 24/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã trả lời chất vấn Quốc hội các vấn đề liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: Chinhphu.vn

Đây là những vấn đề không mới nhưng đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ, toàn diện để GD&ĐT đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm thuộc lĩnh vực này xoay quanh chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, giáo dục đại học, đảm bảo giáo dục bậc mầm non, việc dạy thêm học thêm…
Phải nâng cao chất lượng giáo dục đại học
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM), biểu Lê Nam (Thanh Hóa) về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, chất lượng sinh viên khi ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Bộ đã và đang tiến hành thanh tra, kiểm tra chất lượng các trường đại học, trên cơ sở đó chấn chỉnh, củng cố và từng bước nâng cao chất lượng các trường. Sau khi thanh tra, năm vừa qua, Bộ đã dừng tuyển sinh của 2 trường. Sắp tới sẽ thanh tra tiếp 20 trường.
Bộ đã thực hiện giảm chỉ tiêu tuyển sinh không chính quy: năm 2010 giảm 20% và năm 2011 giảm 40% so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy) ,… đảm bảo quy mô đào tạo của trường tương xứng với điều kiện dạy và học.
Giải pháp tiếp theo là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, xây dựng đội ngũ giáo viên đầu đàn, liên kết để các trường trong cùng hệ thống, cùng ngành nghề phối hợp, giúp đỡ nhau. Bộ chỉ đạo trường mạnh giúp đỡ trường yếu trong xây dựng chương trình, đào tạo đội ngũ giáo viên; đồng thời thực hiện gắn đào tạo theo nhu cầu xã hội…
Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển đất nước, Bộ tiếp tục xem xét, đánh giá lại kết quả, hiệu quả của việc mở trường trong giai đoạn 2001 – 2010 để đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, điều chính một số mục tiêu, chỉ tiêu phù hợp với Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020.
Bổ sung cho phần trả lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết vừa qua Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề công bố chuẩn đầu ra đối với ngành của mình. Hiện khoảng 50% các trường đã công bố chuẩn đầu ra (do đã phối hợp với cơ quan quản lý lao động, các doanh nghiệp để xây dựng yêu cầu).
Chú ý thích đáng giáo dục mầm non
Liên quan đến bậc học mầm non, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đồng tình với bức xúc của các đại biểu và cử tri về nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ từ 3-72 tháng tuổi trong trường mầm non nhất là ở khu công nghiệp, khu chế xuất, có nhiều công nhân trẻ nhưng hiện nay các trường công lập chỉ nhận các cháu từ 12 tháng trở lên. Nguyên nhân do khó khăn về điều kiện đất đai, nhất là ở các thành phố lớn nên không đủ trường mầm non, nhất là mầm non công lập.
Trong điều kiện đó, khó khăn nhiều nhất lại dồn về bậc học nhỏ nhất (3 tháng đến 1 năm tuổi), bởi bậc học này cần cơ sở vật chất và điều kiện cao hơn. Làm việc với các địa phương, nhất là những nơi có khu công nghiệp, Bộ cũng nhìn thấy rõ những khó khăn về vấn đề này, sẽ tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã tiếp thu ý kiến của đại biểu Trương Thị Ánh (TP HCM) về thực trạng giáo viên mầm non công lập vừa phải đứng lớp giảng dạy vừa phải làm các công việc của bảo mẫu: vệ sinh, phục vụ các cháu,… và cam kết sẽ làm việc với các Bộ Nội vụ, LĐTB&XH để giải quyết bất cập liên quan đến chế độ cô bảo mẫu, thang bảng lương cho giáo viên mầm non.
Về tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông theo đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình), dư luận đang nghi ngại tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao không phản ánh đúng chất lượng giáo dục phổ thông là do việc coi thi, chấm thi của kỳ thi vừa qua có vấn đề.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, qua kiểm tra, các trường có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tăng cao là kết quả của việc đầu tư nhiều về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cũng như có giải pháp thiết thực đối với học sinh yếu kém.
Kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá đây là một phiên chất vấn và trả lời chất vấn thẳng thắn, phong phú, sôi nổi, thể hiện sự quan tâm của Quốc hội và Chính phủ đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước nhà.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh qua chất vấn, trả lời chất vấn và giải trình thêm, các đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng và Bộ trưởng đã làm rõ: Cần tiếp tục thực hiện những chủ trương, chiến lược của Chính phủ và những Nghị quyết của Đảng, Quốc hội trong thời gian qua tốt hơn; nghiên cứu căn cơ hơn việc tiếp tục đổi mới một cách căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Có làm như vậy mới nâng cao được chất lượng giáo dục và đào tạo của nước nhà, giáo dục và đào tạo mới thực sự là quốc sách.
Thành Chung
(Chinhphu.vn)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)